Góc nhìn 365: 'Rác ngôn ngữ'
(Thethaovanhoa.vn) - Những lùm xùm quanh phát ngôn của Duy Mạnh đã đi tới hồi kết – khi vào cuối tuần qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ca sĩ này. Trước đó, một số lời lẽ của Mạnh trên facebook cá nhân đã bị cộng đồng phản ứng mạnh mẽ bởi sự phản cảm và thiếu văn hóa của chúng.
Để rồi, với nhữngphát ngôn bị coi là "không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc", Mạnh phải nhận mức phạt 7,5 triệu đồng. Như chia sẻ, bản thân ca sĩ gốc Hải Phòng này cũng có thái độ cầu thị, nhận lỗi và cam kết sẽ điều chỉnh lại câu từ khi phát ngôn, đăng bài trên mạng xã hội.
Nhìn lại theo thời gian, Duy Mạnh không phải lần đầu tiên nhận về những chỉ trích theo kiểu này. Gần nhất, vào tháng 10/2019, anh bị cho là xúc phạm phụ nữ Việt Nam và phát ngôn thiếu chừng mực với tư cách nghệ sĩ trong một clip cá nhân. Hoặc vài năm trước nữa, đó là những lời lẽ vô cùng nặng nề và khó nghe mà anh dành cho một ca sĩ đàn em khi xảy ra mâu thuẫn.
Đã có những ý kiến chia sẻ từ các fan, rằng điều này liên quan tới cá tính của Duy Mạnh, cũng như phong thái “thô mà thật” của anh. Và ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng mức phạt ấy là quá nhẹ so với các phát ngôn phản cảm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới trẻ, từ một tài khoản gắn mác "người của công chúng".
Thẳng thắn thì ai cũng biết: Như nhiều trường hợp tương tự, mức xử phạt ở đây chủ yếu mang ý nghĩa răn đe. Nó giống như một thực tế không chỉ gắn với Mạnh mà cả xã hội: Việc kiềm soát những lời thô tục, thậm chí là văng bậy, phần nhiều phụ thuộc vào chính mỗi người.
*
Sẽ là hơi phiến diện, nếu căn cứ vào một vài lời văng tục mà vội đánh giá về nhân cách của bất cứ ai. Nhưng cũng là hợp lý, trong nhịp sống hiện đại, chúng ta khó lòng thoải mái khi bắt gặp các lời lẽ tục tĩu được lạm dụng ở bất cứ đâu và với bất cứ hoàn cảnh nào.
Đã có những phân tích - tưởng đùa mà khá nghiêm túc - của các chuyên gia về thói tục này. Trong đó, nhiều lý do được nhắc đến như áp lực của nhịp sống công nghiệp, mặt trái của kinh tế thị trường hay sự xô bồ về phát triển văn hóa... Nhưng dù với lý do nào, người ta cũng không thể phủ nhận: Theo thời gian, việc văng tục và chửi bậy đang có xu hướng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện nay.
Thói tục ấy vẫn tồn tại từ xưa - để rồi từ cuộc sống thật, nó được người ta bê nguyên lên mạng xã hội, khi internet vào Việt Nam và bùng nổ. Chỉ cần dạo một vòng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, chúng ta không khó để thấy người văng tục có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé, doanh nhân, học giả, trí thức, ca sĩ... Và, chuyện văng tục ấy diễn ra một cách hồn nhiên, thậm chí là thoải mái và dễ dàng hơn rất nhiều so với sự bó buộc phần nào ở ngoài đời của bất cứ ai.
Có thể, đó là hệ quả từ tâm lý cho phép dễ dãi với bản thân trên mạng ảo - thay vì cuộc đời thật. Và có thể, điều ấy cũng đến từ hiệu ứng tâm lý, khi những người chửi thề càng to, càng bạo thì càng dễ nổi bật trong cuộc nói chuyện, cũng như những chia sẻ (trên mạng xã hội) càng bậy bạ, tục tĩu, thì càng nhận được sự chú ý của đám đông.
Chỉ có khác: Nếu như những lời tục tĩu chỉ diễn ra trong vài giây rồi biến mất ngoài cuộc đời thực thì trên mạng internet, nó vẫn còn nằm đó (và thậm chí được sao chép, nhân bản) như một dấu tích đặc biệt. Nói cách khác, đó cũng là câu chuyện mà chúng ta từng nhiều lần đề cập tới, khi sự phát triển của internet sẽ khiến người mắc lỗi khó hơn rất nhiều để nhận được sự tha thứ của xã hội, cũng như của lương tâm mình.
Thứ “rác ngôn ngữ” ấy khi nằm trên mạng sẽ khó dọn hơn rất nhiều lần trong cuộc đời thực. Và ở hướng ngược lại, nó cũng khiến người ta phải lưu tâm tới một lời khuyên đã được nhắc đến từ lâu: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào,khi văng tục, người nghe đầu tiên chính là người nói.
Sơn Tùng