Góc nhìn 365: 'Phá rào' cho những không gian xanh
(Thethaovanhoa.vn) - Mươi ngày trước, một thông tin quan trọng vừa được công bố: Phần hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội) dự kiến sẽ được dỡ bỏ, kèm đồng thời không thu vé vào cửa với cộng đồng.
Đây là một phần nội dung trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Như thế, sau 62 năm tồn tại kể từ khi được hoàn thiện (1960), công viên Thống Nhất với diện tích 50 ha giữa lòng Hà Nội đang có cơ hội trở thành một không gian mở đúng nghĩa - cả ở góc độ “mở cửa” miễn phí lẫn góc độ tạo thuận lợi cho sự tiếp cận của người dân.
Thực tế, những đề xuất liên quan tới việc xóa bỏ lớp hàng rào này đã bắt đầu từ rất lâu. Điển hình, tại cuộc thi ý tưởng thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” vào năm 2011, nhiều đồ án dự thi đã đề cập tới điều này.
Như các phân tích đưa ra khi ấy, chu vi hiện tại của công viên là 3,1 km, tuy nhiên, chỉ có 4 cổng ra vào, trong đó 2 cổng chính mới thường xuyên mở cửa. Có nghĩa, muốn vào không gian này, người ta phải đi vòng một đoạn khá dài - chưa kể sẽ mất một quãng đường kha khá khi muốn... đi ra. Ở một góc độ khác, dù mang tính chất bảo vệ an ninh, nhưng lớp rào này cũng vô tình khiến không gian bị cô lập bên trong trở nên mất an toàn, đặc biệt là vào ban đêm, khi kẻ xấu khó có thể bị người ngoài can thiệp vào hành động của mình.
Thật ra, cũng dễ hiểu cho việc công viên này được bao kín bởi một lớp hàng rào cao 2 mét như vậy nếu xét tới bối cảnh xã hội và tư duy quản lý đô thị của Hà Nội trong thập niên 1960. Thế nhưng, khi hơn một lục thập hoa giáp đã trôi qua, rõ ràng hàng rào hiện có lại đang là một vật cản lớn cho việc phát huy công năng của công viên Thống Nhất.
Bởi, như chia sẻ của các chuyên gia, về bản chất, các vườn hoa, công viên công cộng luôn mang theo mình vai trò tạo điều kiện cho cư dân thư giãn, nghỉ ngơi. Và, khi Hà Nội đã bỏ ra 50 ha ở trung tâm đô thị để thiết lập công viên Thống Nhất, nghĩa là gấp 3 lần khu vực Hồ Gươm, rõ ràng đóng góp của không gian này tới đời sống xã hội - văn hóa của thành phố là chưa đủ.
Còn bây giờ, không khó để nhận ra: việc dỡ bỏ hàng rào trước mắt không chỉ giúp cộng đồng dễ tiếp cận với công viên. Xa hơn, không gian này còn được mở rộng khi kết nối với trục phố Trần Nhân Tông (đang được quy hoạch làm phố đi bộ) và hồ Thiền Quang để tạo thành một quần thể sinh thái quan trọng của Hà Nội.
- Công viên Thống Nhất: Chuyện chưa dứt về 'lá phổi' của Thủ đô
- Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người!
- Đầu tư 64 tỷ đồng cải tạo Công viên Thống Nhất
Thậm chí, về lâu dài, quần thể ấy còn có thể trở thành một trung tâm thứ hai của Hà Nội bên cạnh Hồ Gươm, nếu như tính đến các giải pháp quy hoạch để kết nối với hồ Ba Mẫu (đang nằm đối xứng qua trục đường Lê Duẩn) và khu phố cũ quanh đường Nguyễn Đình Chiểu mà nhiều chuyên gia từng gợi ý.
***
Tại một số công viên bị “bao kín” của Hà Nội và cả nước, những đề xuất gỡ bỏ hàng rào cũng từng được đưa ra. Và, trong một số trường hợp, khi được triển khai, thực tế cho thấy các không gian này đã phát huy rất hiệu quả chức năng của mình, điển hình là những công viên nằm bên 2 bờ sông Hương (Huế).
Không khó để nhận ra: tiền đề của bài toán “phá rào” ấy là nguồn kinh phí để quy hoạch, tôn tạo và đặc biệt là giữ gìn an ninh, vệ sinh cho mỗi công viên sau khi chuyển đổi từ tình trạng “đóng” sang “mở”. Chắc chắn, những công viên ấy không thể mãi trông đợi vào nguồn ngân sách Nhà nước - cũng như cách quản lý bao cấp cũ - để thực hiện điều này. Và câu chuyện ở đây phải là những cơ chế phù hợp và minh bạch, để các nhà đầu tư cùng nhận trách nhiệm này và nhận về quyền kinh doanh, khai thác các dịch vụ du lịch hoặc tiện ích trong công viên.
Có nghĩa, chuyện “phá rào” ở các công viên lại chính là một phần của nhu cầu “phá rào”để vượt lên những tư duy thụ động và bảo thủ.
Trí Uẩn