Góc nhìn 365: Những bức tranh 'triệu đô', vì sao?
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về bức tranh Chân dung cô Phượng đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua. Tại phiên đấu giá ở sàn Quốc tế Sotheby’s, tác phẩm của danh họa Mai Trung Thứ đã được bán với mức giá 3,1 triệu USD (khoảng 72 tỷ đồng), và trở thành bức tranh Việt có mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Và từ thực tế ấy, khi nhìn lại những bức tranh đắt giá trong lịch sử Việt Nam, người ta sẽ thường có một câu hỏi đơn giản: Tại sao giá... cao đến vậy?
Câu trả lời rốt ráo thật không dễ dàng, khi điều ấy gắn với sở thích. Mà, sở thích thường riêng tư và trừu tượng, chẳng cần lý lẽ gì.
Tuy nhiên, giới nhà nghề cũng tạm đúc kết ra một số lý do để một bức tranh trở nên đắt giá hơn các bức có vẻ đẹp tương tự.
Thứ nhất, nó phải được vẽ bởi một họa sĩ tài năng, ra đời trong thời điểm và bối cảnh đáng nhớ, có câu chuyện thu hút, có lịch sử hấp dẫn và đường đi nước bước rõ ràng. Bức Chân dung cô Phượng của Mai Trung Thứ vừa đoạt quán quân tranh Việt về giá bán công khai tại Hong Kong (Trung Quốc) vì nó có được lý do vừa nêu và có được tất cả các lý do sắp nêu ra sau đây.
Thứ 2, nó phải được sở hữu hoặc qua tay những nhà sưu tập danh giá, nổi tiếng, có sức hút trong xã hội. Điều này rất quan trọng, vì chính những người này sẽ bảo chứng việc tăng giá và kích thích sức mua. Nhiều người mua 1 tác phẩm hoặc 1 món hàng là vì chủ sở hữu của nó, tranh là xa xỉ phẩm, điều này càng quan trọng hơn.
Nhìn lại 10 bức tranh ở ngưỡng trên dưới 1 triệu USD của Việt Nam, yếu tố chủ sở hữu rất quan trọng và trở thành sức hút chính. Nếu Chân dung cô Phượng mà không thuộc về bộ sưu tập của Dothi Dumonteil thì chưa thể có giá cao như vậy. Trong thị trường mỹ thuật quốc tế hiện nay, Dumonteil là một tên tuổi lớn, có sức ảnh hưởng ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc… Bà Dothi Dumonteil cũng vậy, từng là siêu mẫu đại diện cho nhà thiết kế thời trang danh tiếng Yves Saint-Laurent.
Thứ 3, tranh là vật thay thế tuyệt vời, được một bộ phận lắm tiền nhiều của ưa chuộng, vì tiền dễ lưu dấu vết, còn tranh thì muốn bí mật hoặc muốn nổi tiếng, đều khá dễ dàng. Vì một số lý do, với nhiều người, việc chuyển số tiền lớn từ nước này sang nước khác rất nhiêu khê, nên đành nhờ một trung gian nào đó mua tranh, sau này muốn đi đâu, cầm tranh đi dễ dàng hơn. Chính vì vậy mà họ cần phải tìm mua cho được những bức tranh trọng điểm, để sau này cần tăng giá hoặc bán lại, sẽ thuận tiện hơn.
Thứ 4, ở khía cạnh đầu tư, khái niệm “bỏ trứng vào nhiều giỏ” cho an toàn tài chính được nhiều người lưu tâm và thực hành. Giống như địa ốc, tranh cũng thường tăng giá theo năm tháng. Với nhiều người có kinh tế tự thân, họ sẽ dự ra một khoản tài chính nhất định để đầu tư, giống như đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có tiền ảo và chứng khoán. 1 bức tranh quý cũng có giá tương tự 1 miếng đất tốt, 1 căn nhà rộng, khả năng sinh lời cũng rất cao. Nhưng tranh có sự khác biệt ở khả năng di chuyển, có thể dễ dàng đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, còn nhà đất thì không thể.
Thứ 5, so với các thú chơi khác, tranh thuộc nhóm “ít làm phiền” chủ nhân nhất, nó im lặng và bí mật tuyệt đối, khi cần. Nếu so với việc sở hữu 1 chiếc máy bay, 1 du thuyền, 1 xe hơi, hoặc con ngựa quý, tuổi thọ của bức tranh dài lâu và linh hoạt hơn, việc lưu giữ và sử dụng tranh cũng dễ dàng hơn rất nhiều, ít tốn không gian riêng. Ai cũng có thể ngắm tranh, dù có thể không cần cảm không cần hiểu, nhưng việc lái máy bay, du thuyền thì cần chuyên môn khá phức tạp, đi đâu, đậu đâu cũng dễ làm người khác chú ý.
Hiểu những câu chuyện ấy, chúng ta sẽ không quá bất ngờ khi chứng kiến những bức tranh triệu đô được mua bán trong đời sống nghệ thuật.
Vô Ưu