Góc nhìn 365: 'Nhiệm vụ mới' của bích họa ở Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa dòng thác thông tin trong tuần qua, sự xuất hiện của những bức bích họa trên ngã tư Bạch Mai - Lê Thanh Nghị (Hà Nội) chỉ là một sự kiện rất nhỏ. Thế nhưng, thực tế, nếu đi qua trục phố này, bạn chắc chắn sẽ phải... ngoái nhìn.
Những bức bích họa ấy được vẽ trên hàng loạt bốt điện cũ, vốn hoen gỉ và đầy những dòng quảng cáo trong ngày thường. Giờ đây, với lớp áo mới khá bắt mắt, chúng thu hút người xem bởi hàng loạt thông điệp và hình vẽ ngộ nghĩnh quanh nội dung rất thời sự: chống dịch Covid-19.
Như thế, sau những tranh cổ động, truyện tranh hay cả những tác phẩm mỹ thuật “nghiêm chỉnh”, bích họa cũng đến lúc nhập cuộc trong cuộc chiến chống bệnh dịch của cộng đồng.
Được biết, đây là công trình do Hội Cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng phối hợp Đoàn Thanh niên phường Bách Khoa thực hiện trong gần 1 tháng, nghĩa là ngay từ những ngày đầu tiên của đợt dịch Covid-19 thứ 4.
Những bức bích họa ấy đều có màu sắc tươi sáng, nét vẽ không quá trau chuốt nhưng rất cẩn thận và công phu. Đó là hình ảnh ngộ nghĩnh và trẻ tranh về những bàn tay đang khử khuẩn dưới bình xịt, về khuôn mặt của những chàng trai đang “diện” khẩu trang giữa mùa dịch, về những “siêu nhân” xông xáo trong chiếc áo blue hay những con virus SARS-CoV-2 đang bị... búng tai bởi những bàn tay đeo găng bảo hộ.
Đặc biệt, bên cạnh những thông điệp về nâng cao tinh thần phòng dịch hay tuân thủ “5K”, một phần lớn những bức bích họa này gắn với sự tri ân, cảm tạ của cộng đồng dành cho các y bác sĩ giữa những ngày này.
Bắt mắt, dễ hiểu và trẻ trung, đây là lần thứ 2, những bức bích họa tại Hà Nội được nhắc tới trong vai trò “tiếp lửa” cuộc chiến chống bệnh dịch. Gần 1 tháng trước, trên phần tường bao của Trường Tiểu học Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), công trình "con đường bích họa tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19" cũng vừa được hoàn thiện với gần 50 bức bích họa được vẽ bởi các thanh niên, học sinh và giáo viên tại đây.
***
Thẳng thắn, chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh và thông điệp như vậy ở rất nhiều bức tranh cổ động - vốn đang xuất hiện tại các đô thị lớn trong những ngày qua. Nhưng, bích họa vẫn là một câu chuyện riêng, bên cạnh những bức tranh cổ động đa phần được phát động sáng tác từ các cơ quan văn hóa.
- VIDEO: Ngỡ ngàng với những bức bích họa tuyệt đẹp tại làng Chử Xá, Hà Nội
- Phố bích họa Phùng Hưng - nơi nối dài ký ức
Cần nhắc lại, đặc điểm của bích họa là sự dung dị, phóng khoáng và giàu màu sắc, ít nặng về hàn lâm học thuật. Loại hình này dễ cảm thụ, và thường truyền tải thông điệp, cảm xúc đến người xem một cách chính xác, nhanh chóng và đầy đủ nhất. Đặc biệt, khi được thực hiện bởi cộng đồng, hoặc chịu ảnh hưởng từ cộng đồng, loại hình nghệ thuật đường phố này luôn cho thấy sự tương tác giữa người dân và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa nhập và tạo ra điểm nhấn văn hóa cho cộng đồng.
Từ vài năm qua, bích họa đã phát triển khá mạnh tại nhiều đô thị - và cả làng quê - ở Việt Nam. Tới mức, đã có những lo ngại từ phía người làm nghề về việc... lạm dụng hình thức này - khi mà trên thực tế, bên cạnh những bức bích họa biểu đạt bản sắc văn hóa của địa phương và trở thành điểm thu hút du lịch, vẫn có những trường hợp “lạc nhịp” và thiếu phù hợp.
Còn bây giờ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, từ nhu cầu và xúc cảm của cộng đồng, bích họa bỗng nhiên lại... đồng hành với tranh cổ động để “tiếp lửa” cho cuộc chiến chống dịch bệnh. Đó có thể là nhiệm vụ tạm thời mà rất đáng quý của nghệ thuật bích họa, và cũng có thể sẽ là mạch sáng tác được duy trì và lưu giữ trong một thời gian dài nữa.
Bởi, trong tương lai, chắc chắn cuộc chiến chống Covid-19 vẫn sẽ trở thành một phần ký ức của cộng đồng ở bất cứ địa phương nào.
Trí Uẩn