Góc nhìn 365: Lộ trình bảo vệ 'sách thật'
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đã đi qua hơn nửa mùa Hè của năm 2021. Có nghĩa, chỉ vài tuần nữa, các phụ huynh sẽ phải chuẩn bị hành trang cho năm học mới của con em mình.
Hành trang ấy tất nhiên không thể thiếu vắng những cuốn sách giáo khoa - thứ mà nhiều năm qua dễ làm người lớn đau đầu khi chọn mua cho các em. Đau đầu không hẳn ở góc độ kinh tế, mà ở số lượng khá lớn những sách tham khảo, hướng dẫn, bài tập... đi kèm sách chính.
Và năm nay, câu chuyện ấy hẳn sẽ có thêm nỗi lo rất “thời sự” về nạn sách giáo khoa giả.
Nói là thời sự bởi trong tuần qua, câu chuyện này lại được xới lên bởi 2 vụ việc liên tiếp.
Cụ thể, ngày 19/7, các cơ quan chức năng vừa phát hiện và thu giữ khoảng 50 ngàn cuốn sách giáo khoa giả tại 2 xưởng in ở Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (Hà Nội). 4 ngày sau đó, 3 cán bộ Quản lý thị trường tại Hà Nội cũng bị khởi tố vì liên quan tới một đường dây in, gia công, tiêu thụ... sách giáo khoa giả từng bị phát hiện vào tháng trước tại Hà Nội, với lượng sách giả (chủ yếu nhái theo sản phẩm của NXB Giáo dục) lên tới con số kỉ lục 3,2 triệu bản.
Thực tế, thời gian qua, lời cảnh báo về nạn sách giáo khoa giả vẫn đều đặn được NXB Giáo dục đưa ra vào đầu mỗi năm học mới – và kèm theo đó là triển khai hàng loạt biện pháp như dán tem chống giả, gắn thẻ cào dán trên sách để có thể dùng mã truy cập vào hệ thống tài liệu online, giữ giá sách ở mức hợp lý để hạn chế việc in lậu. Thế nhưng, cũng đều đặn, sự xuất hiện của những đường dây in sách giáo khoa giả với số lượng lớn cho thấy thị trường vẫn có “kẽ hở” lớn cho loại sản phẩm này.
Như chia sẻ từ những chuyên gia giáo dục, tình trạng ấy phần nào đến từ cách tiếp cận của các bậc phụ huynh với sách giáo khoa. Ham rẻ chỉ là một phần, còn lý do quan trọng khác nằm ở khả năng phát hành rất... nhanh nhạy của đội ngũ tiêu thụ sách giả: Loại sản phẩm này luôn dễ dàng được rao bán tràn lan trên mạng và ship miễn phí tới tận tay người mua, thậm chí còn được đưa về tới mọi “ngóc ngách” ở vùng sâu vùng xa để chào hàng.
Và, để phần nào bớt đi nỗi lo trước năm học mới, người trong cuộc vẫn phải liên tục khuyến cáo các phụ huynh cẩn thận tìm mua sách cho con em mình từ những đại lý phát hành đáng tin cậy. Bởi ai cũng rõ tác hại của việc sử dụng giáo khoa giả với vô vài sai sót về màu sắc, đường nét, lỗi chính tả... hay những hạn chế khi không sử dụng được các tiện ích, phần mềm hỗ trợ học tập vốn được cung cấp kèm sách thật.
***
Thực tế, những gì đang diễn ra với sách giáo khoa giả chỉ là một phần của vấn nạn chung sách giả - điều làm giới xuất bản đau đầu từ nhiều năm nay.
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet, chúng ta không khó để hiểu điều ấy qua những thông điệp tha thiết (và đôi khi còn được gắn kèm trên sách) như Sách và con trẻ xứng đáng với một tình yêu chân thật của NXB Kim Đồng, Đọc sách giả là giết chết sách thật của Nhã Nam - và cả những lời kêu than ngậm ngùi như trường hợp First News Trí Việt với việc cuốn Đắc nhân tâm đã bị làm lậu tới lần thứ... 18.
Ai cũng rõ, với công nghệ “bốn không” (Không phí quản lý, không thuế, không tiền bản quyền và không nhuận bút) của giới làm sách lậu, người đọc và nền kinh tế đang chịu thiệt thòi. Nhưng đáng nói hơn, sách giả chính là con đường hủy hoại giới xuất bản một cách nhanh nhất cả về nguồn lực đầu tư lẫn tâm huyết của người làm nghề - khi họ có thể chứng kiến công sức của mình bị chiếm đoạt và bán ra một cách thản nhiên như thế.
Đã có rất nhiều lời đề nghị từ những người trong giới: về bản chất, việc làm sách giả cần được truy tố theo Điều 192 Bộ luật Hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thay vì dừng lại ở những xử phạt mang tính hành chính như thời gian qua. Bởi thế, từ vụ việc đang xảy ra với những cuốn sách giáo khoa bị làm giả, chúng ta trông đợi những cột mốc mới sẽ được thiết lập trên lộ trình bảo vệ những cuốn sách ở rất nhiều lĩnh vực khác...
Trí Uẩn