Góc nhìn 365: 'Gạch nối' Quảng Lạc
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin tưởng như ít được chú ý trong đời sống văn hóa tại Thủ đô: Nhà hát kịch Hà Nội vừa chính thức mở một sân khấu mới tại 8B Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm). Nhưng với giới sử học hoặc các nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, đó vẫn là một sự kiện vô cùng đặc biệt.
Đơn giản, sân khấu ấy chính là rạp Quảng Lạc cũ, một trong những rạp hát đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội và thường xuyên được nhắc tới tại bất cứ công trình nghiên cứu nào về văn hóa Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Và như một sự tiếp nối – sau những gián đoạn của thời cuộc - sân khấu “mới mà cũ” này vẫn được mang cái tên Quảng Lạc.
Như những tư liệu cũ ghi lại, rạp Quảng Lạc được người Pháp xây dựng vào năm 1900 trên con phố nhỏ Geraud (nay là phố Tạ Hiện). Cái tên Quảng Lạc - “niềm vui rộng khắp” - cũng cho thấy khá rõ tính chất của rạp khi đó: Hướng tới một bộ phận lớn khán giả là thị dân Hà Nội.
Kích thước nhỏ (chỉ khoảng 15x30 mét), lại nằm giữa khu phố chuyên mở quán ăn, rạp Quảng Lạc nhiều khi phải lắp cả dãy quạt kéo trên trần và cho người kéo khi biểu diễn để xua tan mùi thức ăn và cái nóng. Dù vậy, chính tính chất “bình dân” của sân khấu này lại khiến nó trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
Rạp Quảng Lạc thường xuyên biểu diễn những vở tuồng cổ và đặc biệt là kịch nói - loại hình sân khấu mới theo chân người Pháp xuất hiện tại Việt Nam. Giữa thập niên 1930, khi tuồng cổ không còn ăn khách, và cải lương bắt đầu nổi lên trong đời sống sân khấu, rạp Quảng Lạc cũng là nơi chuyên diễn cải lương, trong đó có nhiều gánh đến từ khu vực phía Nam.
Như thế, không chỉ là một địa chỉ cũ gắn với đời sống văn hóa của Hà Nội, rạp Quảng Lạc cũng là chứng nhân của công cuộc “hiện đại hóa” sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XX, với những bước chuyển rất đặc thù.
***
Những biến động của lịch sử đã khiến rạp Quảng Lạc ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Nhưng thật ra, trước khi được chuyển giao về Nhà hát Kịch Hà Nội vào năm 2015, rạp cũ này - khi đó thuộc quyền quản lýcủa TP Hà Nội - vẫn được sử dụng làm sàn tập của các nghệ sĩ tại nhà hát. Bởi thế, theo lời chia sẻ của các nghệ sĩ như Thanh Hương, Mạnh Hưng, từ rất sớm, họ đã có dịp đặt chân và biết tới rạp diễn đặc biệt này.
Thậm chí, rất thú vị, dù không tổ chức biểu diễn, nhưng cái tên “rạp Quảng Lạc” những năm qua vẫn được giới kinh doanh trên con phố Tạ Hiện - vốn đã trở thành tuyến phố tập trung nhiều quán bar và điểm vui chơi giải trí tại Hà Nội - nhắc đến trong lời giới thiệu về khu vực này. Có nghĩa, hơn cả câu chuyện của một rạp hát, “rạp Quảng Lạc” cũng trở thành thương hiệu riêng khi nói về những kiến trúc và văn hóa của một không gian cũ.
Để rồi, bây giờ, ở thời điểm mở lại sân khấu Quảng Lạc, các nghệ sĩ tại Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ trong sự hoan hỉ rằng họ “như trở về nhà”. Có diện tích không lớn (dưới 100 ghế) kèm theo cách bài trí gần gũi, đơn giản, sân khấu này sẽ dự kiến sẽ mở cửa đều đặn vào các tối thứ 6 mỗi tuần sau mùa dịch. Ở đó, những chương trình hài kịch hoặc trích đoạn ngắn sẽ được ưu tiên biểu diễn phục vụ khán giả - trong khi những vở diễn lớn của Nhà hát kịch Hà Nội vẫn được tổ chức ở rạp Công Nhân như đang có.
Chẳng có gì lạ, khi không chỉ giới sân khấu, mà những người gắn bó với lịch sử Hà Nội đều hào hứng khi thành phố “tìm lại” rạp Quảng Lạc. Đó chính là một trong những gạch nối hiếm hoi còn lại, giữa một Hà Nội trong quá khứ và một đô thị của nhịp sống hiện đại như bây giờ.
Sơn Tùng