Góc nhìn 365: Đừng đe dọa chốn học đường
Liên tiếp trong tuần qua, mạng xã hội chia sẻ hai câu chuyện ở hai địa phương khác nhau nhưng có chung một kịch bản, đó là giả danh phụ huynh học sinh, liên lạc với nhà trường đòi đón học sinh sớm đưa về nhà.
Cụ thể, tại một trường tiểu học ở Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 nhận cuộc gọi từ số máy lạ với nội dung muốn đón một học sinh ở lớp về sớm vì có việc gia đình. Dù kẻ lạ cung cấp thông tin chính xác về ngày tháng năm sinh, đặc điểm nhận dạng của học sinh, cô giáo đã từ chối do không nhận được thông báo từ phía phụ huynh em…
Còn tại một trường tiểu học ở Thái Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 cũng nhận được cuộc gọi từ số máy lạ với nội dung rằng bố một học sinh bị tai nạn, cần đưa em về để gặp gỡ lần cuối. Không liên lạc được khi gọi lại cho gia đình, cô giáo trực tiếp đưa em về nhà - để rồi cả cô và phụ huynh đều ngạc nhiên vì không có chuyện tai nạn nào vừa xảy ra.
Ở cả 2 vụ việc này, đối tượng sau khi không đạt được mục đích thì đều chuyển sang gọi điện đe dọa, uy hiếp giáo viên. Thậm chí, kẻ nặc danh ở Thái Nguyên còn gọi cả xe cứu thương, đưa bình gas đến dọa đốt trường...gây hoang mang cho người trong cuộc.
***
Trong xã hội chúng ta từ xưa đến nay, trường học luôn là nơi được xã hội coi trọng vì ai cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho các em học sinh. Chốn học đường, cho dù chỉ là những nếp nhà đơn sơ, là những cái chõng tre của ông thầy đồ ngày xưa hay là những công trình hiện đại... đều được coi là nơi vô cùng trang trọng, đến mức thiêng liêng, là nơi sáng ngời truyền thống tôn sư trọng đạo, là nơi dạy các thế hệ làm người. Bởi thế không ai được phép xâm phạm vào chốn trường học, làm náo động không khí trang nghiêm.
Nhớ thời bọn tôi đi học, chuyện gây gổ đánh nhau, kéo bè kéo cánh, rồi gọi người nhà đến dọa nạt học sinh tại trường không phải không có nhưng đa phần diễn ra bên ngoài cổng trường. Rất nhiều vụ việc như vậy sau đấy đều được giải quyết ổn thỏa, không để cho những chuyện bạo lực ảnh hưởng đến trường học. Nhiều khi cả bọn đang hung hăng, hùng hổ nhưng chỉ thoáng thấy bóng thầy cô xa xa là tự động giải tán.Còn chuyện giả danh phụ huynh thường là do học sinh nói dối thầy cô, nhờ những người lớn tuổi không phải là bố mẹ mình đến gặp thầy cô giáo mỗi khi có khuyết điểm. Tất nhiên khi sự việc bị bại lộ thì họ phải chấp nhận hình thức kỷ luật không hề nhẹ.
Khi chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, chốn học đường đúng là cũng xảy ra nhiều chuyện đau đầu hơn với nhiều vụ bạo lực học đường xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, hoặc tình trạng học sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng xã hội. Thậm chí, chuyện phụ huynh bênh con gây gổ với giáo viên ngay tại trường học cũng không phải không có…
Trong câu chuyện giả danh phụ huynh ở trên, dễ dàng nhận thấy là các em học sinh mà những kẻ nặc danh nhắm đến đang học ở bậc tiểu học (lớp 2 và lớp 5), lứa tuổi còn rất non nớt, hồn nhiên. Thật may cho các em, các thầy cô giáo tại 2 ngôi trường này đều đã được đào tạo và hướng dẫn những kỹ năng cần thiết, và tuân thủ quy chế đón, trả trẻ. Vì vậy, thầy cô kịp thời phát hiện và không để kẻ xấu đạt được mục đích của mình.
- Gia tăng các vụ bắt nạt học đường trực tuyến
- Kỷ luật học đường và những ý kiến trái chiều
- Tại sao giới trẻ thờ ơ với bạo lực học đường
Như những thông tin ban đầu, cả 2 vụ việc trên đều gắn với việc đòi nợ. Có thể, thực hư của câu chuyện còn cần được xác minh. Nhưng những gì vừa xảy ra cho thấy: Rõ ràng, ở xã hội hiện đại, những mâu thuẫn ngoài đời sống đang lăm le bước vào học đường, để biến các em học sinh thành nạn nhân từ những mâu thuẫn của người lớn.
Chắc chắn, chúng ta mong chờ vai trò của các cơ quan chức năng, để những sự việc như vậy không tái diễn. Nhưng, bản thân mỗi gia đình cũng cần có những bài học cho mình sau câu chuyện vừa rồi. Đó không chỉ là sự cẩn thận và an toàn cần thiết khi đưa con em mình đến trường mà còn là những quyết định tưởng như không mấy liên quan về công việc, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày - nhưng lại rất cần sự suy xét, cân nhắc thấu đáo để giữ sự bình an tuyệt đối cho các gia đình có con nhỏ.
Bởi, không ai được phép đe dọa và làm vẩn đục chốn học đường - một nơi luôn được coi là thiêng liêng, thuần khiết.
Quốc Thắng