Góc nhìn 365: 'Dòng chảy' đặc biệt của Văn Miếu
Vào đúng ngày Valentine 14/2 vừa qua, một cuộc triển lãm đặc biệt đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tên gọi Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có từ thế kỷ XI, nhưng thực thể còn lại của nó là từ thế kỷ XV. Và, những hình ảnh và thông tin được trưng bày về di tích Quốc gia đặc biệt này khiến người xem khá thú vị và ngỡ ngàng. Chúng gắn với một giai đoạn vốn ít được biết tới trước đây - giai đoạn thời Pháp thuộc.
Thời điểm ban đầu, Văn Miếu không được chú ý và gần như bị bỏ hoang khi nằm ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Hà Đông cũ, vốn khá thưa thớt dân cư. Khi ấy, người Pháp gọi là nơi đây là chùa Quạ, bởi quạ thường xuyên về làm tổ tại những lùm cây trên khu vực hoang phế này. Có lúc, Văn Miếu còn được dùng làm nơi đặt trường dạy lính kèn của Pháp hoặc nơi cách ly bệnh nhân trong mùa dịch tả.
Phải tới khi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp hoạt động tại Hà Nội, di tích này mới được quan tâm bảo tồn và khôi phục chức năng thờ tự ban đầu. Nhiều đợt trùng tu nối nhau diễn ra: Năm 1904 - 1905, tường bao được xây, các công trình như Khuê Văn Các, Tả Vu, giếng Thiền Quang… được sửa chữa.
Đặc biệt, năm 1917, một đợt đại tu lớn được tiến hành suốt 4 năm để sửa gạch lát sân, thay thế mái ngói, lan can và các khung bị hỏng, đồng thời sơn son thếp vàng lại toàn bộ các công trình.
Như được chia sẻ, do đặc thù của kiến trúc gỗ và ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, Văn Miếu thường xuyên phải trùng tu. Do vậy, Văn Miếu có thêm một đợt sửa chữa tổng thể vào năm 1933 - và tiếp đó là năm 1953, sau khi một số kiến trúc bị phá hủy bởi chiến tranh năm 1946.
Như thế, nếu không được gìn giữ và trùng tu hợp lý, rất có thể Văn Miếu đã rơi vào cảnh hoàn toàn bị phá hủy, như trường hợp của điện Kính Thiên hay thành Hà Nội cũ. Và đáng nói, bên cạnh Viện Viễn Đông Bác Cổ, giới chức Việt Nam khi ấy cũng đóng góp vai trò quan quan trọng khi tham gia lựa chọn những thợ thủ công có tay nghề xuất sắc, xác định các công trình cần ưu tiên sửa chữa và tìm nguồn kinh phí.
"Lịch sử đang dần được nhìn đúng và công bằng" - PGS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) hào hứng nhận xét khi nhìn vào phần "bảng vàng" ghi danh những người đã đóng góp cho Văn Miếu tại triển lãm. Ở đó, ngoài các chuyên gia người Pháp và 2 học giả Trần Hàm Tấn, Trần Văn Giáp người Việt, khách tham quan còn thấy có thông tin về cựu tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu - nhân vật lịch sử từng chịu nhiều đánh giá tiêu cực trước đây…
***
Tất nhiên, những đóng góp kể trên chưa đủ để làm nên hình hài của một Văn Miếu - Quốc Tử Giám như hiện tại. Trên nền tảng đã có, di tích này vẫn tiếp tục được từng bước khảo sát, trùng tu và hoàn thiện ở giai đoạn lịch sự kế tiếp, điển hình là đợt tu bổ lớn từ năm 1991 - 1997, trong đó 2 kiến trúc quan trọng được bổ sung vào quần thể này là Nhà che bia và khu Thái học. Rồi trong khoảng dăm năm gần đây, không gian liền kề của nó tiếp tục được chỉnh trang với việc cải tạo Hồ Văn và vườn Giám, xây cầu nối ra gò Kim Châu và phục dựng Phương Đình...
Như thế, những gì diễn ra cho thấy, bên cạnh những giá trị đặc thù về văn hóa và giáo dục, lịch sử của Văn Miếu cũng tồn tại một dòng chảy đặc biệt của nhiều thế hệ, để có thể gìn giữ và bảo tồn những giá trị ấy một cách tương xứng nhất.
Và, với tất cả những câu chuyện gắn cùng di tích này, đã đến lúc cần nhắc lại một đề xuất từng được đặt ra: Trong quần thể Văn Miếu cần có thêmmột bảo tàng đặt tại không gian thích hợp, để người xem có thể được tìm hiểu trọn vẹn mọi lớp giá trị phi vật thể của nó.