Góc nhìn 365: "Điểm hẹn" sáng tạo
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ chính thức "mở hội" vào Cuối tuần này, từ ngày 9 - 17/11. Ở mùa thứ 4, lễ hội tiếp tục được kỳ vọng trở thành điểm hẹn của giới sáng tạo với sự hội tụ đầy đủ các ngành công nghiệp văn hóa.
Còn nhớ vào năm ngoái, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề "Dòng chảy" đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội và thực sự để lại những dư âm khó quên. Một dòng chảy sáng tạo đúng nghĩa được tạo ra bằng một loạt trải nghiệm chưa từng có.
Đơn cử, trong "Dòng chảy" ấy, có một chuyến tàu mang tên Hành trình di sản mà mỗi toa tàu là một không gian sáng tạo với nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc tương tác. Chuyến tàu xuất phát từ ga Long Biên chở khách tham quan vượt sông Hồng qua cầu Long Biên để rồi sang sông ở điểm kết thúc là Nhà máy xe lửa Gia Lâm - tâm điểm của lễ hội năm trước.
Ở tâm điểm này, một nhà máy cũ bỗng nhiên được "đánh thức" thành một "đại công trường sáng tạo" thực thụ. Những phân xưởng lạnh lẽo sắt thép được khoác lên mình diện mạo mới của những không gian sáng tạo với những trải nghiệm ở đa lĩnh vực như kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, thời trang, trò chơi giải trí v.v… Tất cả quy tụ lại thành cuộc gặp gỡ của gần như đầy đủ các ngành công nghiệp văn hóa đang được quan tâm.
***
Tiếp nối"Dòng chảy"ấy, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm nay sẽ trở lại với cả một "Giao lộ sáng tạo". Ở "giao lộ" này, cảm hứng về nơi chốn tiếp tục được nhấn mạnh thông qua việc "đánh thức" một loạt các công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Di tích Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn Hà Nội, Đại học Tổng hợp (cũ), Bảo tàng Lịch sử quốc gia…
Hầu hết những công trình này đều được "hô biến" trở thành những không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo với đa trải nghiệm ở đa lĩnh vực. Điển hình như tại Cung Thiếu nhi Hà Nội - "trái tim" của lễ hội năm nay - được định hướng trở thành một tổ hợp sáng tạo cả trong và sau khi lễ hội kết thúc. Tại đây, dự kiến diễn ra 41 hoạt động, từ sắp đặt công trình kiến trúc, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật đến trải nghiệm cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là pavilion Hành lang thơ ngây - một sắp đặt kết nối những tuyến hành lang giàu suy tưởng và hoài niệm. Đó còn là một loạt các trưng bày, triển lãm độc đáo mang tên Tầng chờ, Không gian đập thở - Thời gian tăm tích, Chiếc đồng hồ của ông tôi,… Hoặc các trải nghiệm sáng tạo cộng đồng hấp dẫn với Lắng nghe sâu, Trạm chơi, Những khung cửi nhỏ; chiếu phim "Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến"; trò chơi tương tác dựa trên những tưởng tượng mang tính cổ tích "Kia rồi! Amadeus Vũ Dân Tân!"...
Cùng với Cung Thiếu nhi Hà Nội, lễ hội năm nay còn có thêm những điểm đến hấp dẫn khác như: Tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ trở thành đại triển lãm Cảm thức Đông Dương; Di tích Bắc Bộ phủvà Vườn hoa Diên Hồng biến thành công trình pavilion mang tên "Dòng" bằng những "cú chạm" mới mẻ với di sản…
Điểm chung của những điểm đến này đều được định hướng trở thành tổ hợp - không gian sáng tạo đúng nghĩa. Đó là nơi có sự kết hợp và giao thoa, thể hiện bản chất liên ngành, tính kết nối mạnh mẽ giữa các ngành công nghiệp văn hóa.
Dễ dàng thấy, từ "Dòng chảy" đến "Giao lộ sáng tạo", Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mỗi năm lại có thêm những không gian sáng tạo đầy tiềm năng. Đây là những gợi mở cần thiết để Hà Nội tiếp tục có tầm nhìn dài hơi trong phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo nói riêng và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung.