Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Quy tụ đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 17/11. Với chủ đề "Giao lộ sáng tạo", lễ hội năm nay diễn ra dọc theo các công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi, thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá.
Tại họp báo Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra vào chiều 30/10 tại Hà Nội, Ban tổ chức cho biết, với chủ đề Giao lộ sáng tạo, lần đầu tiên lễ hội giới thiệu một hình thức trải nghiệm mới hướng đến công chúng tham gia. Đó là bố trí không gian lễ hội theo tuyến, giúp khai mở những giao điểm sáng tạo xuyên lịch sử và đa thế hệ, gắn chặt với các công trình di sản đặc sắc có tính biểu tượng của Hà Nội.
Trải nghiệm "tuyến lễ hội" mới mẻ
Theo đó, lễ hội khai thác tuyến trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám kết nối với 2 trục Bắc-Nam (phố Lý Thái Tổ - phố Lê Thánh Tông) và Đông-Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền). Các trục này tạo ra sự liên kết các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Thủ đô, kết hợp với các hoạt động trên các tuyến phố, vườn hoa trong khu vực, tạo ra một cuộc đối thoại mới mẻ và giàu ý nghĩa giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản tinh hoa.
Cụ thể, trên tuyến chính, công chúng sẽ được thưởng lãm, tham gia hơn 100 hoạt động, sự kiện sáng tạo. Tiêu biểu có thể kể đến 3 công trình biểu tượng của lễ hội bao gồm Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Dòng ở Vườn hoa Diên Hồng và Khu di tích Bắc Bộ Phủ và Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng này, thay vì đứng riêng rẽ, được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, tạo ra cuộc đối thoại và tạo sức sống cho chính các di sản.
Ví như Dòng là một cụm 2 công trình kiến trúc đưa công chúng đi từ một không gian "mở" (ở Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian "đóng" (bên trong Khu di tích Bắc Bộ Phủ) và điểm kết của tuyến là một khu vườn nghệ thuật để người xem cảm nhận sự kết nối 2 không gian này tựa như một dòng chảy lịch sử từ di sản tới hiện tại.
Không kém phần quan trọng tại lễ hội còn là một loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày, triển lãm diễn ra tại các công trình di tích tiêu biểu của Hà Nội. Đó là Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như "trái tim" của tuyến lễ hội với hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm… đều gắn với chủ đề Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai.
Trong khi đó, tại tòa nhà Đại học Tổng hợp có tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Tổ hợp triển lãm nghệ thuật này được coi là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh với hơn 20 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo với tinh thần sáng tạo trân trọng di sản.
Rõ ràng, nhìn vào Giao lộ sáng tạo mà lễ hội xây dựng đã thể hiện tiềm năng sáng tạo của Hà Nội một cách rõ nét. Điều này góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội. Nói cách khác, các hoạt động sáng tạo của lễ hội đúng nghĩa là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của những thế hệ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Tiếp tục định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo"
Theo Phó Giám đốc Sở VH,TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 với chủ đề Giao lộ Sáng tạo tiếp tục là một bứt phá khơi dậy hơn nữa tinh thần sáng tạo trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ về những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo mới. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo của thành phố, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa với vị thế của Thủ đô - trung tâm sáng tạo của cả nước.
Khẳng định này hoàn toàn xác đáng khi nhìn vào lịch trình sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 có sự góp mặt đầy đủ của 12 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong chiến lược phát triển chung. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phát triển đa dạng và sôi động của nền công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, xứng đáng với vị thế Thủ đô tiên phong của cả nước.
Cụ thể, bên cạnh các ngành du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang, quảng cáo, phần mềm và trò chơi giải trí đã là thế mạnh của các mùa trước, lễ hội năm nay tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực các không gian văn hóa sáng tạo, điện ảnh, truyền hình - phát thanh và xuất bản.
Đơn cử như ở lĩnh vực điện ảnh, lễ hội năm nay nổi bật với các bộ phim dài, phim tài liệu, phim hoạt hình được trình chiếu, giới thiệu đến công chúng những góc nhìn sinh động về cuộc sống và xã hội. Một số sự kiện điện ảnh nổi bật có thể kể tới như Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến trình chiếu 2 tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam thập niên 1970 là Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh, 1974) và Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 1979); Cuộc viễn du tới thế giới cảm hứng, chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc; chiếu phim Hãy tha thứ cho em (1992) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh; tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh;…
Ở lĩnh vực xuất bản, xuất hiện tại lễ hội bao gồm các hoạt động giới thiệu những cuốn sách mới, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đó là talkshow về cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường với sự góp mặt của tác giả Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Một sự kiện ấn tượng khác là workshop Trải nghiệm thiếu nhi: Kia rồi! Amadeus Dân Tân! giúp khám phá vẻ đẹp của các tác phẩm văn học và gia tăng sự thích thú khi tham gia trò chơi truy tìm một nhân vật bí ẩn: Amadeus Dân Tân.
Còn nhiều các hoạt động khác ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 cho thấy sự kết hợp và giao thoa giữa các ngành công nghiệp văn hóa một cách rõ nét. Điều này thể hiện bản chất đa liên ngành, tính kết nối mạnh mẽ giữa các ngành công nghiệp văn hóa trong một lễ hội được đầu tư công phu, bài bản.
Để rồi như lời Phó Giám đốc Sở VH,TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, "các hoạt động đa dạng của lễ hội tiếp tục định vị thương hiệu "Hà Nội - Thành phố sáng tạo" trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Qua đó sẽ tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân với khát vọng được góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".