Góc nhìn 365: Đi chơi hay ở nhà?
Bạn sẽ đi chơi xa cùng gia đình hoặc bạn bè hay chấp nhận ngồi nhà trong kỳ nghỉ lễ sắp tới? Đó là câu hỏi đang đặt ra với khá nhiều người, trong thời điểm ngày 30/4 và 1/5 đã cận kề.
Mà không chỉ là tự hỏi và tự... quyết định. Dám chắc, vài ngày qua, ở không ít gia đình, nhiều cuộc thảo luận, thậm chí là thuyết phục lẫn nhau, cũng đã diễn ra quanh chủ đề ấy.
Nó giống như một thực tế, rằng câu hỏi “đi hay ở” vẫn luôn được dư luận nhắc tới với những ý kiến rất trái chiều vào các kỳ nghỉ lễ hàng năm, nhất là với những dịp được nghỉ bù lên tới 4 ngày.
Không khó để hiểu vì sao mà nhiều người kiên quyết muốn ở nhà - và thậm chí, tỏ ra thiếu thiện cảm với những ai chọn phương án đi chơi trong dịp cuối tháng 4.
Đi chơi dịp ấy là kẹt xe khắp mọi nơi, từ các cửa ngõ ra khỏi đô thị cho tới đường vào các khu du lịch. Là phơi mình dưới cái nắng gắt của mùa Hè tại những điểm vui chơi đông nghịt, để hòa vào một biển người cũng đi du lịch giống mình. Là chấp nhận mức giá có thể tăng vọt so với ngày thường ở một số loại hình dịch vụ - chưa nói tới câu chuyện “chặt chém” khách vốn cũng xảy ra như cơm bữa.
Ở nhà cho lành, khỏi hành xác - mọi phản bác ấy thường được khái quát bằng một câu như thế.
Còn với những người chọn đi chơi, lý do cũng khá đơn giản: 30/4 - 1/5 là kỳ nghỉ dài ngày nối tiếp sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu du lịch, vui chơi của mỗi người đang giống như một chiếc lò xo được nén suốt mấy tháng, nay mới có dịp bung hết cỡ.
Và nếu nhìn lại suốt 2 năm ảm đạm, gần như phải ngồi nhà trong những kỳ nghỉ vì bệnh dịch, ta có thể hiểu nhu cầu ấy đang thôi thúc như thế nào.
Như chia sẻ, rất nhiều người trong số đó đã biết những phức tạp, mệt mỏi đang chờ trước mặt. Nhưng với họ, kỳ nghỉ lễ là dịp hiếm hoi trong năm mà mọi thành viên trong gia đình đều có thể tạm ngừng công việc, học hành để đồng hành cùng nhau trong một chuyến đi. Sự háo hức của con trẻ, sự thuận tiện về quỹ thời gian đủ là lý do để chấp nhận những bất tiện và đắt đỏ... đính kèm.
***
Những tranh luận ấy sẽ không bao giờ dứt, và cũng không thể đi tới tận cùng của sự đúng - sai. Nó gắn với một thực tế rằng chúng ta đang có quỹ ngày nghỉ lễ (11 ngày/ năm) ở mức trung bình thấp so với một số nước trong khu vực như: Lào (12 ngày), Malaysia (13 ngày), Thái Lan và Indonesia (cùng 14 ngày)... Và trong một xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, những ngày nghỉ luôn là dịp để nhu cầu đi chơi, thư giãn “bùng nổ” mạnh mẽ như thế, so với khả năng cung ứng của dịch vụ lẫn hạ tầng.
- Nhiều tuyến đường ùn tắc khi người dân dồn về bắt đầu kỳ nghỉ lễ
- Hà Nội yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ
Xa hơn, thói quen du lịch của người Việt đến giờ chủ yếu vẫn gắn với hình thức nghỉ dưỡng “truyền thống”. Chúng ta thường vẫn không quá hào hứng với các hình thức du lịch mới như du lịch sinh thái khám phá, du lịch tưởng niệm và cả staycation (du lịch tại chỗ) vốn đang phát triển ở giai đoạn hậu Covid-19 này. Bởi thế, tình trạng quá tải ở các khu du lịch nổi tiếng trên cả nước trong dịp nghỉ lễ cũng là điều tất yếu.
Và, nếu vẫn còn sự do dự về chuyến du lịch nhiều khả năng sẽ trở thành “hành xác” trong dịp này, hãy mạnh dạn nghĩ tới những lựa chọn khác. Đơn cử, một kỳ nghỉ vẫn có thể mang lại niềm vui và sự hứng khởi, nếu chúng ta cùng gia đình có những bữa ăn cùng bạn bè hay tại nhà hàng, khám phá những điểm đến văn hóa của thành phố - vốn dễ bị bỏ quên trong cuộc sống thường nhật - hoặc có những chuyến trải nghiệm ở những điểm đến yên bình và không cần quá nổi tiếng.
Quyền lựa chọn là của mỗi người, miễn là chúng ta thật sự biết mình muốn nhận về điều gì trong kỳ nghỉ.
Trí Uẩn