Góc nhìn 365: Cuộc chiến sách giả
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, chia sẻ qua báo giới, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News Trí Việt - vừa cung cấp một thông tin đặc biệt: cuốn sách Đắc Nhân Tâm đã bị làm lậu tới lần thứ...18.
Gọi là đặc biệt, bởi tròn 5 năm trước (2015), người viết đã có dịp trò chuyện với ông, nhân thời điểm Đắc Nhân Tâm – cuốn sách của tác giả Mỹ Dale Carnegie, từng bán được hơn 30 triệu bản trên thế giới và được First News mua bản quyền từ 2005 – vừa được phát hiện đã bị in lậu đủ... 10 lần và phá kỷ lục về một đầu sách bị làm lậu khi ấy.
Gọi là kỷ lục cũng không có gì quá đáng, bởi đơn giản, cho tới thời điểm này, chưa một đơn vị xuất bản nào công bố những con số tương tự cao hơn so với trường hợp của First News. Và như lời than của ông Phước, với cái đà này, cũng không có gì lạ nếu cuốn sách của Dale Carnegie sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong thời gian gần.
Cũng cần nhắc lại: Cách thức làm lậu quen thuộc của giới đầu nậu hiện tại vẫn là mua sách “xịn”, scan và chế bản lại để rồi tung ra trên thị trường. Và theo thời gian, với sự phát triển từ công nghệ, kĩ thuật làm ra những cuốn sách giả ấy đã thay đổi khá nhiều.
Đơn cử, nếu chục năm trước, những cuốn sách giả được làm vội vàng với nhiều chỗ in sai sót, bìa nhạt màu, kém bắt mắt thì ngay từ năm 2015, những cuốn Đắc Nhân Tâm "nhái" đã có chất lượng... khá cao, khi đặt tại một cơ sở in hoạt động ngay trong giờ hành chính, với các khâu đóng gói, vận chuyển, phát hành... đều được tổ chức rất chuyên nghiệp. Nói cách khác, như so sánh của ông Phước, nếu trước đây, sách giả chỉ giống sách thật khoảng 70 % thì bây giờ tỷ lệ ấy đã lên tới hơn 90%, khiến bạn đọc thông thường rất dễ nhầm lẫn.
***
Tâm sự của ông Phước chỉ là một trong số hàng loạt bức xúc mà các đơn vị xuất bản đưa ra trong thời quan qua quanh vấn đề sách giả.
Đơn cử, chỉ trong tháng trước, NXB Kim Đồng tha thiết phát đi thông điệp “Sách và con trẻ xứng đáng với một tình yêu chân thật”, sau khi phát hiện một loạt các ấn phẩm của mình bị làm giả. Và cũng trong tháng trước, ngành giáo dục vừa có văn bản đề nghị các đơn vị quản lý thị trường vào cuộc để ngăn sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả, sau phản ánh của nhiều phụ huynh về tình trạng này.
Xa hơn, vài tháng trước nữa, nhiều nhà xuất bản và công ty sách đã thống kê được tới 33 địa chỉ bán sách giả trên mạng Internet. Cách tiếp thị của các địa chỉ này cũng rất chuyên nghiệp, khi họ biết dùng hình ảnh sách thật của các đơn vị xuất bản để làm quảng cáo, đồng thời chiết khấu rất mạnh - có thể tới hơn 50% giá gốc - để giao sách giả tới tay người đặt mua.
Thực tế, vấn đề sách giả đã được đặt ra ngay từ cách đây khoảng 15 năm, khi thị trường xuất bản Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh theo nhu cầu của xã hội. Như cách nói của người trong cuộc, dù ở dạng sơ khai nhất - được bày bán trên vỉa hè - hay đã kịp áp dụng công nghệ hiện đại để phân phối qua mạng Internet, những cuốn sách ấy về bản chất vẫn dựa vào yếu tố “bốn không” để phát triển: Không phí quản lý, không thuế, không tiền bản quyền và không nhuận bút (cho biên tập viên hoặc dịch giả)...
Người đọc và nền kinh tế - đặc biệt là ngành thuế - bị thiệt thòi, đó là điều ai cũng có thể nhìn thấy từ sách giả. Nhưng quan trọng, sách giả chính là “liều thuốc độc” để hủy hoại những đơn vị xuất bản một cách nhanh nhất, cả ở sự tổn hại về nguồn lực đầu tư lẫn tâm huyết của người làm nghề - khi họ có thể chứng kiến công sức của mình bị chiếm đoạt và bán ra một cách thản nhiên như thế.
Bởi vậy, cuộc chiến chống sách giả không chỉ đơn thuần thuộc về đội ngũ xuất bản, hay những cơ quan chức năng. Đó phải là cuộc chiến từ ý thức của độc giả - và xa hơn là toàn xã hội, để bảo vệ những cuốn sách đã - và sẽ - cầm trên tay mình.
Cúc Đường