Góc nhìn 365: Chung một mái chèo
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ là một chương trình sân khấu, vậy nhưng vở diễn “Cây gậy thần” vừa được khởi công vào cuối tuần qua lại trở thành sự kiện được quan tâm khá nhiều trong đời sống văn nghệ. Bởi, đây là lần đầu tiên, 2 bộ môn nghệ thuật xiếc và cải lương cùng được... kết hợp với nhau ở quy mô lớn trên sàn diễn.
Và trước khi nói về nghệ thuật, bản thân câu chuyện kinh phí của “Cây gậy thần” cũng là một câu chuyện đặc biệt. Như chia sẻ, số tiền đặt hàng của Bộ VH,TT&DL cho các nhà hát hiện khá hạn chế trong bối cảnh hiện tại. Bởi vậy, thay vì dựng một vở tầm tầm, cả hai bên cùng quyết định gộp nguồn kinh phí ấy để “góp gạo thổi cơm chung”.
Nhưng nói vậy, không có nghĩa “Cây gậy thần” chỉ là sự chắp vá gượng gạo của cải lương và xiếc theo kiểu... giải pháp tình thế. Ngược lại, như chia sẻ từ những người trong cuộc - Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam - vở diễn đặc biệt này đã được tính toán rất kĩ khi dàn dựng và có quy mô không hề nhỏ.
Chẳng hạn, sân khấu của “Cây gậy thần” sẽ là sân khấu lập thể 4 mặt. Ở đó, hơn 100 diễn viên của vở có thể gây hoạt náo sân khấu ngay từ hàng ghế khán giả, với những màn tương tác đủ cả 4 mặt sân. Và, thay vì những đoạn ngừng theo kiểu “tắt đèn, chuyển cảnh” của sân khấu thông thường, vở diễn sẽ được xử lý để không có thời gian chết mà tạo ra các màn diễn nối nhau liên tục.
Rồi, ở rất nhiều lớp diễn, các yếu tố kỳ ảo trong cốt truyện (lấy từ tích về Chử Đồng Tử - Tiên Dung) sẽ được thể hiện bằng kỹ xảo xiếc, khi một nửa diễn viên của vở - vốn là nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp - có thể biểu diễn từ trên cao và thực hiện các màn biến hóa với hệ thống thiết bị phụ trợ và kỹ xảo đặc thù. Thậm chí, như xiếc của đời thật, rất nhiều vật nuôi của cuộc đời thật như trâu, lợn, gà... cũng sẽ tham gia biểu diễn trên sân khấu.
Nói như NSND Triệu Trung Kiên, trong vở diễn đặc biệt này, ngôn ngữ xiếc sẽ xuất hiện khi hành động kịch và trạng thái tâm lý tình cảm của nhân vật yêu cầu để cho thấy sức hút đặc trưng của mình. Như lời anh, chẳng hạn như với cảnh Chử Đồng Tử xuất hiện trên con thuyền độc mộc, nếu là một vở cải lương bình thường, đạo diễn chỉ có thể để con thuyền xuất hiện trên mặt sân khấu. Còn với xiếc, con thuyền ấy sẽ... bay lên trời, với đàn chim phượng hoàng xung quanh và tạo nên sự lung linh, huyền ảo để thu hút người xem.
***
Thực ra, đây không phải là lần đầu nghệ thuật cải lương được kết hợp với các loại hình khác trên sân khấu. Ra đời vào đầu thế kỷ XX, tính chất “mở” của loại kịch hát này cho phép nó dễ dàng tiếp nhận các yếu tố mới vào trình thức phát triển của mình. Thậm chí, như các tư liệu ghi lại, vào thập niên 1960, một vài vở cải lương phía Nam cũng đã bước đầu pha trộn các màn đua ngựa, đu bay, phóng dao, phun lửa... của xiếc để tăng phần hấp dẫn khi biểu diễn.
Nhưng, cuộc “hôn phối” của xiếc và cải lương ở thế kỷ XXI này mang một màu sắc khác. Đó là một kế hoạch dài hơi nhằm phát huy thế mạnh của cả 2 loại hình này, với quy mô lớn và sự nghiên cứu khá chu toàn về những yếu tốt nghệ thuật đặc thù. Tương tự, “Cây gậy thần” cũng chỉ là vở diễn đầu tiên của dự án “Huyền sử Việt” do 2 nhà hát xây dựng. Theo đó, ngoài Chử Đồng Tử, những nhân vật còn lại của Tứ bất tử như Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng cũng sẽ lần lượt xuất hiện trên sân khấu để đến với khán giả một cách gần gũi và sinh động hơn.
Cũng như hầu hết các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phía Bắc, đại dịch Covid-19 đã làm Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam chịu khá nhiều vất vả, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh của một nền sân khấu đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả cho mình. Bởi thế, câu chuyện “chung một mái chèo” giữa hai loại hình sân khấu ấy không chỉ là một thử nghiệm nghệ thuật đơn thuần. Đó là nỗ lực rất tích cực của người làm nghề, để tìm thêm những con đường đến với khán giả trong một giai đoạn mới...
Anh Bảo