Góc nhìn 365: Cần gì cho hội sách?
Một sự kiện tưởng như không quá nổi bật vừa diễn ra: Ba ngày cuối tuần qua, Hội sách Hà Nội lần thứ VII được tổ tại phố đi bộ Hồ Gươm, với 35 đơn vị xuất bản.
Thoạt nhìn, sự kiện ấy không có gì đặc biệt - khi trong nhiều năm qua, mô hình“hội sách” vốn không hề xa lạ với người đọc ở những đô thị lớn. Đơn cử, tại Hà Nội, mỗi năm, chúng ta có thể đón vài hội sách vào các thời điểm đầu năm (hội sách Xuân), ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) hay ngày giải phóng Thủ đô 10/10... Đó là chưa kể những hội sách được các nhà sách tự đứng ra tổ chức, hoặc những hội sách cũ vốn cũng có rất nhiều độc giả.
Dù vậy, Hội sách Hà Nội lần thứ VII vừa qua vẫn là một câu chuyện riêng - mà trước hết là sự sôi động, náo nhiệt như báo giới phản ánh. Trong bối cảnh sự kiện này từng phải tổ chức trực tuyến vào năm trước vì bệnh dịch, rõ ràng đây là sự trở lại khá quan trọng, để dòng chảy của đời sống xuất bản - cũng như văn hóa đọc - được hanh thông như cách chúng ta hay nói.
Thú vị hơn, sau nhiều lần tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, hội sách lần này được bố trí tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, thuộc không gian đi bộ quanh Hồ Gươm trong dịp cuối tuần. Rõ ràng, dù cũng là một không gian đậm chất văn hóa, khu vực Hoàng thành Thăng Long vẫn có một khoảng cách lớn so với phố đi bộ Hồ Gươm về sự tấp nập, náo nhiệt trong dịp cuối tuần lẫn khả năng tiếp cận thuận lợi với người đọc.
Và, sự thay đổi ấy mở ra một câu hỏi: Phải chăng, việc lựa chọn không gian cho các hội sách cũng nên tính tới việc “tích hợp” cùng các điểm đến văn hóa có lượng du khách lớn để tăng thêm sức hút, miễn là phía tổ chức có những giải pháp tổ chức hợp lý, để các hoạt động đặc thù của sự kiện này không bị… lấn át bởi những hoạt động giải trí vốn rất sẵn tại các khu vực này.
***
Tất nhiên, một ngày hội sách dù có được tổ chức tốt đến mấy thì cũng không thể vực dậy ngay cả một nền văn hóa đọc vốn đang rất cần được vun đắp như tại Việt Nam. Thậm chí, việc nỗ lực tổ chức thêm thật nhiều hội sách trong năm cũng chưa hẳn là giải pháp tối ưu - nếu các hội sách ấy mang tính phong trào và hình thức.
Bởi thế, câu chuyện cuối cùng vẫn là việc tìm những yếu tố để tạo ra chiều sâu chất lượng cho một hội sách - và quan trọng hơn, là tạo ra những bài học hay những nguồn cảm hứng mới, để việc đọc sách và chọn sách được nhân rộng.
Thực tế, nhiều hội sách gần đây đều chú ý tới việc tổ chức những hoạt động tương tác mang tính kết nối giữa tác phẩm, tác giả và người đọc. Điển hình, điểm nhấn quan trọng trong Hội sách Hà Nội lần thứ VII vừa qua chính là buổi ra mắt tập du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô” của Nguyễn Trương Quý - một cuốn sách gắn với Hà Nội và được giới thiệu ngay trong ngày Giải phóng Thủ đô.
- Hội sách Hà Nội lần thứ VII: Nhiều cuốn sách lần đầu được ra mắt
- Hội Sách Hà Nội năm 2018 mang chủ đề 'Sách và Công nghệ số'
- Hội sách Hà Nội - cú hích cho thị trường xuất bản
Nhưng xa hơn, những yếu tố để tạo ra sức hút cho một hội sách rõ ràng phụ thuộc trước tiên vào công việc của đội ngũ xuất bản. Đó là những câu chuyện dài về tổ chức nội dung, về thiết kế mỹ thuật - và thậm chí là cả về hình thức tương tác, khi mà nhiều chuyên gia chỉ rõ: Tại hội sách, những ấn phẩm hay nhất, đẹp nhất luôn cần được xếp và bố trí theo những hình thức sáng tạo sao cho bắt mắt để kích thích và tạo hứng thú cho người xem.
Rồi, cũng từ những ngày hội sách, các bài học về tổ chức phòng đọc, tổ chức kệ sách cho học sinh, sinh viên trong đời sống hàng ngày cũng cần được áp dụng. Đó là việc đặt giá sách và phòng đọc tại những không gian mở có tính thân thiện, có sự bài trí bắt mắt, sạch, đẹp.... chứ không nhất thiết phải bố trí theo mô hình thư viện truyền thống.
Như thế, chỉ từ một hội sách, chúng ta cũng đã có quá nhiều câu chuyện để nghĩ và để làm, nếu không muốn sự kiện ấy chỉ dừng lại ở một sự kiện mang tính bề nổi.
Trí Uẩn