Góc nhìn 365: Cam kết của một 'khế ước văn minh'
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và lập tức thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Thực tế, những nội dung của bộ quy tắc này cũng gắn với những gì đã được các cơ quan quản lý khuyến cáo người dùng trong thời gian qua. Cơ bản, đó là 4 quy tắc ứng xử chung (gồm Tôn trọng, Lành mạnh, An toàn, Trách nhiệm), cũng như những quy tắc ứng xử dành cho cá nhân, tổ chức, cán bộ công chức, nhà cung cấp dịch vụ…
Và tất nhiên, do tính chất đặc thù, nên bộ quy tắc này không “lấn” sang việc quy định các chế tài xử phạt vi phạm mà chỉ gắn với tính chất khuyến nghị, khuyến cáo. Ở đó, người dùng được yêu cầu chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật hay xúc phạm tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm hay đưa các tin giả, tin sai sự thật.
Nhưng, vẫn là phiến diện, nếu chúng ta cho rằng một văn bản không có chế tài “thưởng - phạt” thì sẽ sớm rơi vào sự lãng quên trong xã hội.
Mạng xã hội mới chỉ phát triển mạnh ở Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây, nhưng đã kịp thu hút tới hơn 60 triệu người dùng, theo như những thống kê gần nhất. Và xuất phát từ ngần ấy con người thực trong cuộc đời thực, mạng xã hội cũng là một xã hội thực tại được phóng chiếu trên không gian của internet, với những “luật chơi” riêng.
Ở đó, bên cạnh những mặt tích cực, những tiêu cực do mạng xã hội mang lại là vô vàn - như thực tế thời gian qua đã cho thấy. Và không khó nhận ra, xuất phát điểm của những tiêu cực này vẫn phải là khả năng tự kiềm chế, tự ý thức của mỗi thành viên tham gia - khi mà mạng xã hội luôn thiết lập cho chúng ta những mối quan hệ ẩn danh.
Cảm giác an toàn, có thể tự do bộc lộ quan điểm, thể hiện bản thân... luôn là điều mà mỗi tài khoản ảo mang lại. Thêm nữa, tính chất giao tiếp “cách mặt” trên mạng xã hội cũng là một yếu tố dễ kích hoạt sự vô trách nhiệm trong phát ngôn, hành xử của mỗi người. Ở đó, người ta có thể dễ dàng bốc đồng - thậm chí là cố ý - cho phép đưa ra những hành xử tiêu cực hay vụ lợi.
Có nghĩa, câu chuyện trước tiên vẫn nằm ở ý thức, sự tự giác và cả mặt bằng văn hóa của mỗi cá nhân trên không gian mạng. Và, như thế, bên cạnh những văn bản mang tính pháp lý của Nhà nước, rõ ràng chúng ta cần bổ sung cả những “quy định mềm”để củng cố cho ý thức của mỗi cá nhân trong cả một cộng đồng.
- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học: Phụ huynh không được bịa đặt, xúc phạm giáo viên
***
Không phải ngẫu nhiên, mà rất nhiều chuyên gia đã gọi bộ quy tắc ứng xử vừa được ban hành là những hương ước, khế ước trên mạng xã hội. Nó khiến chúng ta nhớ tới những hương ước, khế ước về cách sống, cách ăn ở ứng xử...đã được đặt ra trong các cộng đồng làng xã Việt Nam trong cả trăm năm. Ở đó, nếu những bộ luật đầu tiên và những Chiếu, Chỉ, Lệ, Lệnh, Dụ, Sắc... được coi là những chuẩn mực pháp lý trong xã hội truyền thống, thì hương ước chính là những chuẩn mực đạo lý để hướng tới sự nhân văn cần có trong mỗi cộng đồng.
Và, khi mạng ảo cần được điều tiết như trong xã hội thực, sự xuất hiện của một “khế ước”về ứng xử sẽ không bao giờ thừa trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, để từ đó những nội dung lành mạnh dần phát triển và lấn át những tiêu cực trên không gian mạng.
Trí Uẩn