Góc nhìn 365: Bán sách, mua sách và đọc sách
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, chúng ta đang đón nhận những thông tin vui buồn lẫn lộn – tất cả đều liên quan tới sách.
Tin vui: phố sách Hà Nội đã chính thức hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng vì bệnh dịch Covid-19. Song song với nó, hội sách trực tuyến Việt Nam 2020 cũng đang tiếp tục diễn ra cho tới gần cuối tháng này.
Còn ở hướng ngược lại, câu chuyện liên quan tới 2 “tác phẩm” của Huấn "Hoa Hồng" cũng đang là một vết gợn với nhiều người – đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Với những lời quảng cáo và rao bán trên trên mạng, Bí kíp kinh doanh online và Đệ nhất kiếm tiền là 2 cuốn sách được Huấn viết với với nội dung "dạy làm giàu bằng cách kinh doanh, bán hàng qua mạng". Giá bán không rẻ (gần 800 ngàn đồng) nhưng video bán sách đã thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác – và thậm chí, đã được đặt mua trước gần 5.000 bản, theo lời “tác giả”.
Huấn không phải cái tên xa lạ. Vài năm nay, nhân vật này nổi lên như một hiện tượng với trên mạng xã hội với các clip xoay quanh cuộc sống ăn chơi hàng ngày, cũng như chuyện thách thức chửi bới, gây gổ qua lại với các đối tượng có hành trạng khá giống mình. Đáng nói hơn, anh ta từng 2 lần bị xử lý vì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Bởi vậy, không có gì lạ khi 2 cuốn sách của Huấn được dư luận chú ý. Để rồi, lập tức, các cơ quan chức năng phát hiện, những “cẩm nang” này không hề có trong danh mục đăng ký của một đơn vị xuất bản nào. Có nghĩa, nếu quả thực đã được in dưới dạng sách, đây là những xuất bản phẩm trái phép và không có quyền được lưu hành.
Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang rà soát kiểm tra nghi vấn về việc tổ chức sao in và phát tán 2 cuốn sách của Huấn, cũng như trách nhiệm nếu có của các phía liên quan.
Sẽ là hơi sớm để nói về độ “độc hại”, “nhảm nhí” của một cuốn sách khi nó chưa được thẩm định bởi các cơ quan chức năng. Cũng như trên lý thuyết, một người từng có quá khứ tiêu cực vẫn có thể viết được những cuốn sách chất lượng, nếu chúng hướng tới những giá trị chung và được cộng đồng thừa nhận.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là dư luận quá khắt khe với Huấn.
Bởi, từ những gì đang diễn ra, anh ta hoàn toàn chưa thuyết phục ai về sự tích cực trong cách sống và cách tư duy của mình. Và ở 2 cuốn sách được rao bán, ngay từ bước đầu tiên, chúng đã cho thấy dấu hiệu của sự thiếu minh bạch, khi không tuân thủ những yêu cầu của pháp luật về xuất bản.
Từ đó, cũng không lạ khi dư luận - đặc biệt là các bậc phụ huynh - bức xúc về sự xuất hiện của 2 “cẩm nang” này. Và xét cho cùng, những bức xúc ấy không chỉ gắn với 1, 2 cuốn sách lậu.
Nó liên quan tới một nỗi lo thường trực từ lâu, khi mạng Internet cho phép những người như Huấn dễ dàng tương tác với độc giả để quảng cáo, truyền bá những “sản phẩm” của mình - không chỉ với sách in mà còn là tất cả những gì được “sáng tác” một cách tự phát.
Đó cũng chính là một câu chuyện mà nhịp sống hiện đại đang đặt ra, khi mỗi cá nhân đều có thể ngợp trước một biển kiến thức và thông tin theo kiểu “thượng vàng hạ cám”mà Internet mang lại. Ở đó, trước khi nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, rõ ràng tri thức và khả năng lựa chọn của mỗi cá nhân để tạo thành “phản vệ văn hóa” của mỗi người là vấn đề cần được quan tâm.
“Phản vệ văn hóa” ấy phải được hình thành thông qua sự bổ sung hàm lượng tri thức cho mỗi người. Giống như, tại những xã hội phát triển, sự phát triển về tri thức luôn được khuyến khích đi trước, và làm tiền đề cho sự phát triển về mặt kinh tế, giúp con người tránh khỏi những sai lầm, cạm bẫy, những ấu trĩ, mù quáng trong cuộc sống, kinh doanh, kiếm tiền, trưởng thành, học tập...
Có nghĩa, “văn hóa đọc” ở đây bao hàm cả sự lựa chọn. Và để có được sự lựa chọn hợp lý cho mỗi cá nhân, đó lại là câu chuyện dài về cơ chế hỗ trợ, về chính sách giáo dục... để những cuốn sách có chất lượng dễ dàng đến với mỗi người - chứ không phải là những cuốn sách được tạo sức hút bằng hình ảnh của những giang hồ trên mạng. Như chúng ta vẫn nói, phản văn hóa phải được chống lại bằng văn hóa.
Sơn Tùng