Góc khuất 3 cuộc hôn nhân của ông trùm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung: 'Cả đời chỉ yêu một người, tôi không thể làm được điều đó'
Kim Dung là tiểu thuyết gia võ hiệp nổi tiếng nhất Trung Quốc, các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Trung Quốc và được liệt vào danh sách tác phẩm kinh điển. Danh tiếng của ông vang danh thế giới về lối viết truyện lôi cuốn, đặc sắc nhưng ít ai biết về những cuộc hôn nhân trong đời của ông.
Nhà văn Kim Dung. Ảnh: Internet
Vào ngày 30 tháng 10 năm 2018, Kim Dung "bậc thầy tiểu thuyết võ hiệp" nổi tiếng Trung Quốc đã qua đời vì bệnh ở tuổi 94.
Cuộc đời ông trải qua 3 cuộc hôn nhân thăng trầm cùng 3 người phụ nữ. Khi yêu ông yêu sâu đậm, khi hết yêu dứt khoát và tàn nhẫn, ông từng phụ lòng người và cũng từng bị người phụ lòng, vì vậy Kim Dung không phải là "anh hùng", mà ông cũng chỉ là một người bình thường...
1. Độc giả viết thư phản biện nhà báo, được chồng như ý
Theo gia đình ông tiết lộ, ông ra đi thanh thản vào một buổi chiều nắng ấm và gió mát tại Hong Kong (Trung Quốc).
Trước khi qua đời, Kim Dung dùng câu nói trong "Thần điêu đại hiệp" để an ủi vợ - bà Lâm Lạc Di: "Em nhìn những đám mây này mà xem tụ lại rồi tan, tan rồi lại tụ, đời người tương phùng ly biệt cũng thế". Đời người ly hợp như những đám mây trên bầu trời trở thành chủ đề của hầu hết các cuốn tiểu thuyết của Kim Dung và nó cũng là chủ đề xuyên suốt cuộc đời thực của ông...
Năm 1924, Kim Dung sinh ra trong gia đình họ Tra tại thị trấn Viên Hoa, Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang. Gia đình ông bấy giờ là một danh gia vọng tộc, thuộc dòng dõi thư hương có tiếng tại địa phương.
Tiểu thuyết gia Kim Dung khi còn trẻ. Ảnh: Sohu
Khi còn nhỏ Kim Dung đã đọc rất nhiều thơ văn, năm ông lên 8 tuổi, ông đọc được quyển sách "Hoàng Giang Nữ Hiệp" trong phòng sách của nhà mình, ông bắt đầu bước vào thế giới của tiểu thuyết võ hiệp và khơi dậy niềm đam mê của ông đối với tiểu thuyết võ hiệp. Ông lấy bút danh là "Kim Dung" trong câu thơ "Lạc tai khai hậu giác, khí ngã - trung dung".
Kim Dung có một "giấc mơ võ thuật", nhưng ông quyết chí trở thành một nhà ngoại giao, một nhà ngoại giao xuất sắc toàn diện nhưng không sẵn sàng bị ràng buộc bởi các quy tắc và quy định của chính quyền. Khi còn học cấp hai, Kim Dung đã bị đuổi học vì châm biếm giáo viên chửi người vô cớ trong truyện tranh, sau đó, ông đến tòa soạn báo làm việc và cũng nghỉ việc không lâu sau đó.
Bề ngoài ông khiêm tốn và hiền lành nhưng trong thâm tâm lại nổi loạn. Kim Dung cũng là người đa tình, ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Cả đời chỉ yêu một người, Kim Dung tôi không thể làm được điều đó".
Người phụ nữ đầu tiên ông yêu tên là Đỗ Dã Phân, kém ông 7 tuổi. Hai người gặp nhau lần đầu tiên tại Hàng Châu vào năm 1947, khi Kim Dung đang làm việc cho "Nhật báo Đông Nam", bấy giờ ông đang làm tổng biên tập cho tờ báo giải trí "Hỏi đáp cùng đốc tờ Mễ Mễ".
Một hôm, ông trả lời câu hỏi “Mua vịt ngon cần có những đặc điểm gì” trên báo rằng: “Cổ săn chắc là còn tươi, lông vịt nhiều lớp, chắc chắn phần mỡ và phần nạc sẽ đều nhau”.
Sau khi đọc báo, Đỗ Dã Thu đã viết thư cho Kim Dung để phản biện: "Anh nói lông vịt phải dày mới ngon, vậy cho hỏi: Tại sao vịt quay Nam Kinh chẳng có cọng lông nào mà lại ngon đến thế?". "Đốc tờ Mễ Mễ" đã trả lời thư như sau:" Những gì bạn nói đúng lắm, chắc hẳn bạn là một người rất thú vị, chúng ta có thể gặp mặt để bàn luận một lần không?". Thế là, Đỗ Dã Thu trả lời ông rằng: "Mỗi ngày tôi đều rảnh, rất hoan nghênh đến gặp mặt."
Ban đầu Kim Dung chỉ muốn đơn giản gặp một độc giả, nhưng ông không ngờ rằng cuộc gặp gỡ này sẽ thay đổi quỹ đạo của cuộc đời ông. Vào một chiều chủ nhật, Kim Dung đến thăm nhà họ Đỗ và gặp em gái của cô độc giả - Đỗ Dã Phân, một cô gái thông minh, xinh đẹp và hào phóng. Kim Dung đã yêu Đỗ Dã Phân ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ngày hôm sau, ông lại mang theo vài tấm vé xem kịch rất khó mua được tại thời điểm bấy giờ đến nhà họ Đỗ thăm hỏi và mời họ cùng đi xem vở kịch "Khổng Tước Đảm" do Quách Mạt Nhược biên soạn. Kể từ đó, Kim Dung trở thành khách quen của gia đình họ Đỗ, thời gian trôi qua lâu dần, ông và Đỗ Dã Phân bắt đầu yêu nhau.
Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu Đỗ Dã Hân trong ngày cưới. Ảnh: Internet
Vào tháng 3 năm 1948, "Đại Công Báo" cử ông đến làm việc tại Hồng Kông, sau khi trưng cầu ý kiến của Đỗ Dã Phân, ông liền đồng ý với cấp trên chỉ đi nửa năm. Tháng 10 năm 1948, Kim Dung kết hôn với Đỗ Dã Phân tại Thượng Hải, sau khi kết hôn, tình cảm hai người đồng vợ đồng chồng vô cùng hoà thuận, Đỗ Dã Phân cũng theo Kim Dung đến Hong Kong sinh sống.
2. Cuộc hôn nhân thứ 2 hoà thuận dưới ngòi bút sáng tác, nhưng thực tế ẩn chứa nhiều nỗi niềm khó nói
Sau khi Kim Dung đến Hong Kong, ông liên tiếp nhận được lời mời viết tiểu thuyết võ hiệp cho các trang báo. Kể từ đó, ông đã dấn thân vào hành trình “du ngoạn giang hồ” không địch thủ và sau đó trở nên nổi tiếng với tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp”. Kim Dung ngày một trở nên nổi tiếng, nhưng dần lạnh nhạt người vợ tha hương đất khách, không hiểu tiếng Quảng Đông và không người thân nương tựa.
Đến năm 1952 hai người họ thoả thuận ly hôn.
Sau khi ly hôn, Kim Dung chưa từng nhắc về lý do ông và Đỗ Dã Phân ly hôn. Cho đến khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn ở tuổi 74, ông thừa nhận rằng bà Đỗ đã phản bội ông.
Sau đó, Kim Dung gặp người vợ thứ hai - Chu Mân, bà xuất thân là một phóng viên tin tức, xinh đẹp giỏi giang, thông thạo tiếng Anh, kém Kim Dung 11 tuổi.
Hai người kết hôn vào năm 1953. Chu Mân đã sinh cho Kim Dung hai người con trai và hai người con gái, phong cách làm việc của bà mạnh mẽ và kiên quyết, luôn sát cánh bên chồng làm một người vợ mẫu mực chăm lo gia đình. Sau khi sinh đứa con thứ tư, cặp đôi thành lập nên "Minh Báo". Những ngày đầu thành lập tờ báo vô cùng khó khăn, nhiều người thuyết phục Kim Dung từ bỏ nhưng Chu Mân vẫn kiên định ủng hộ chồng, bà trở thành nữ phóng viên đi đầu thời đại và duy nhất của tờ báo.
Kim Dung rất biết ơn về tình yêu và sự ủng hộ của Chu Mân dành cho ông. Vào tháng 1 năm 1976, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập "Minh Báo", Kim Dung đã đăng báo thể hiện tình yêu của mình với vợ: "Vợ tôi - Chu Mân ngày nào cũng nấu cơm từ nhà và mang đến cho tôi ăn." tình cảm vợ chồng hòa thuận ấm áp, khiến rất nhiều độc giả ngưỡng mộ.
Trên thực tế, đằng sau ngòi bút bày tỏ tình yêu mặn nồng và hòa hợp với vợ, lại ẩn chứa nhiều nỗi niềm khó nói. Cuộc hôn nhân giữa hai người đã xuất hiện vấn đề từ lâu, Chu Mân vốn là người có cá tính mạnh mẽ và thích nói về công việc ngay cả ở nhà lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, Kim Dung là người phân chia công việc và gia đình rất rõ ràng, khi về nhà ông chỉ muốn yên tĩnh, thời gian lâu dần ông bắt đầu không muốn về nhà.
Vào mùa hè năm 1976, con trai cả của Kim Dung đang du học tại Hoa Kỳ, đã tự tử khi mới 19 tuổi. Kim Dung đã đặt rất nhiều kỳ vọng và ước mơ vào cậu con trai này, cái chết đột ngột của con trai đã hoàn toàn phá vỡ tình cảm giữa hai người họ. Chu Mân nhốt mình trong nhà cả ngày, rửa mặt trong nước mắt, Kim Dung vì chán nản nên cũng không muốn về nhà.
3. Mối duyên lần 3 với người hâm mộ, không con cái nhưng mặn nồng tới cuối đời
Kim Dung và người vợ thứ ba gặp nhau vào năm 1976, khi Lâm Lạc Di đang là nhân viên phục vụ khách sạn, bà kém ông đến 29 tuổi.
Kim Dung đến khách sạn ăn tối, Lâm Lạc Di nhận ra ông, bà là fan hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp và đến bắt chuyện với ông, Lâm Lạc Di nói đã đọc hết tất cả tiểu thuyết của ông, bà rất thích tác phẩm "Bạch mã khiếu tây phong". Khi đó Kim Dung khá ngạc nhiên, vì ít ai thích cuốn sách này.
Lúc thanh toán, ông đưa cho Lâm Lạc Di 10 đồng tiền boa, nhưng bà thẳng thừng từ chối, nói rằng Kim Dung là một người kiếm sống bằng cách viết bản thảo và kiếm tiền rất vất vả. Kim Dung lại cảm thấy ngạc nhiên và cũng rất xúc động. Sau này, ông thường đến khách sạn đó dùng bữa, dần nảy sinh tình cảm với Lâm Lạc Di.
Sau khi yêu Lâm Lạc Di, Kim Dung đã đệ đơn ly hôn với Chu Mân. Chu Mân không hề níu giữ ông. Nhưng để trả đũa việc ông ngoại tình, bà đã đòi một khoản tiền lớn và yêu cầu ông và Lâm Lạc Di ký cam kết "không sinh con". Vì Kim Dung cảm thấy có lỗi với Chu Mân nên đã đồng ý ký cam kết.
Người luôn không muốn cúi đầu nhận lỗi như Kim Dung, mỗi khi nhắc đến người vợ thứ hai ông đều nói: “Cả đời này người tôi có lỗi nhất chính là Chu Mân”.
Sau khi ly hôn, Chu Mân và Kim Dung hoàn toàn cắt đứt quan hệ, bà không chịu gặp các con, sống một cách ẩn dật và qua đời một mình trong bệnh viện vào năm 1998. Sau khi biết chuyện Kim Dung cảm thấy vô cùng đau buồn và tự trách bản thân.
Nhiều người cho rằng Kim Dung bước vào cuộc hôn nhân lần thứ 3 không phải vì tình yêu đích thực. Ông khao khát nét thanh xuân trẻ đẹp, Lâm Lạc Di thèm muốn sự giàu có và địa vị của ông. Từng có người cược rằng cuộc hôn nhân của họ sẽ không dài lâu. Nhưng sự thật là sau khi kết hôn cùng người vợ thứ ba, Kim Dung đã gác bút, từ đó bình yên chung sống qua ngày với Lâm Lạc Di.
Cuộc hôn nhân của họ không sinh con cái, may thay Kim Dung không phụ lòng Lâm Lạc Di, cùng bà lặng lẽ và bình yên bước tiếp cuộc đời dài dằng dẳng 42 năm, mãi đến ngày 30/10/2018, Kim Dung mãi mãi ra đi đến miền cực lạc.
Dù cảm thấy có lỗi với người vợ thứ 2 nhưng cố nhà văn vẫn hài lòng với sự lựa chọn sau cùng. Ảnh: Sohu
Có thể nói rằng "Bậc thầy tiểu thuyết võ hiệp" thị phi oanh liệt một đời nhưng về miền cực lạc trong lặng lẽ, những ai từng yêu, từng hận, từng thích ông có lẽ cũng nhận ra ý nghĩa sâu sắc trong câu nói "Hồng nhan chớp mắt đã phai mờ, trong thoáng chốc tóc đã như sương, nơi xa xăm quyến luyến chẳng muốn chia lìa người, chi bằng lãng quên nhau chốn giang hồ." Đời người vốn ngắn ngủi, thay vì nhớ mãi chuyện cũ, chi bằng hãy rộng lượng buông bỏ chuyện cũ.