Góc chuyên gia: Karate cần thêm sức bật để chinh phục ASIAD
Karate - một trong những môn kết thúc thi đấu sớm nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi giành 6 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ (4 HCV đối kháng, 2 HCV biểu diễn) dẫn đầu SEA Games 32 với 9 đoàn tham dự.
1. Đây là một chiến thắng vang dội của thầy trò các võ sỹ trong bối cảnh sức cạnh tranh ở Đông Nam Á từ Malaysia, Indonesia ngày một lớn hơn và đây là một trong những môn thể thao mũi nhọn để Thể thao Việt Nam tiếp cận với đấu trường ASIAD từ trước.
Thành tích ở môn Karate ở SEA Games 32 không từ "trên trời rơi xuống", nó là kết quả của một quá trình phát triển cả chiều sâu lẫn bề rộng về phong trào từ rất dài trước đó. Thống kê từ Đại hội Thể thao toàn quốc IX diễn ra vào năm 2022, riêng lực lượng thi đấu thành tích cao có 405 VĐV của 39 đoàn. Con số rất đáng khích lệ với những người làm chuyên môn, khi môn võ này có sức bật khả quan, nhận được sự hưởng ứng của nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Hệ thống đào tạo trẻ ở các địa phương cũng rất phát triển, công tác tổ chức thi đấu hệ thống giải quốc gia cũng ngày một ổn định và được thực hiện bài bản. Tạo tiền đề thuận lợi để lựa chọn các võ sĩ xuất sắc, có tài năng để đào tạo nâng cao nhằm làm nhiệm vụ quốc tế. Lực lượng đội tuyển quốc gia dồi dào và được dẫn dắt bởi một đội ngũ HLV mới với nhiệt huyết và vững vàng về chuyên môn, tiêu biểu như Nguyễn Hoàng Ngân (Kata), người trưởng thành từ VĐV từng giành chức vô địch thế giới. Trong phong trào quốc tế, ông Vũ Sơn Hà (Bộ môn Karate - Tổng cục TDTT hiện là Chủ tịch Liên đoàn Karate Đông Nam Á).
2. Karate đã khẳng định được thành tích dẫn đầu khu vực ở thời điểm trước khi ASIAD 19 diễn ra và khích lệ các võ sỹ tiếp tục cố gắng để giành thành tích cao ở đấu trường châu lục. Trước đây, Karate là một trong các môn võ được coi là thế mạnh, chủ lực của Thể thao Việt Nam khi hội nhập với quốc tế (cùng Taekwondo, Pencak Silat, Judo) và có rất nhiều đóng góp thành tích chung với toàn đoàn ở nhiều kỳ đại hội thể thao quốc tế khu vực và châu lục.
Ngay ở đấu trường ASIAD những cái tên Hồng Thắm, Hồng Hà là người tiên phong với thành tích là tấm HCB tại Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1994. Tiếp đó là 4 tấm HCV của Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Kim Anh tại Busan, Hàn Quốc năm 2002 rồi Vũ Thị Nguyệt Ánh tại Doha, Qatar 2006 và Lê Bích Phương tại Quảng Châu 2010… Những thành tích này rất đáng quý và đem đến niềm tin cho những người làm chuyên môn.
Tôi vẫn còn nhớ sau trận thắng của võ sỹ Vũ Kim Anh, Chủ tịch Liên đoàn Karate Nhật Bản (lúc đó đã gần 80 tuổi) đã đi từ khán đài xuống sàn đấu bắt tay và chúc mừng đoàn Việt Nam. Vị Chủ tịch thể hiện sự khâm phục vì Kim Anh đã đánh bại được nhà VĐTG của Nhật Bản thời điểm đó. Những hình ảnh này không chỉ mang tới sự khích lệ, mà còn khẳng định về tài năng và tiềm năng phát triển của các võ sỹ Việt Nam.
Sau giai đoạn "đi tắt đón đầu", giờ đã đến lúc chúng ta cần xác định rõ định hướng phát triển cho môn Karate trong bối cảnh là môn chính thức của ASIAD và có thể được đưa vào Olympic trong tương lai. Không có lý do gì, một môn thể thao giàu truyền thống và đã khẳng định được thành tích trong quá trình hội nhập với những vận động viên tiếp cận được với trình độ châu lục và thế giới mà lại thiếu đi cơ hội để phát triển.