Góc Anh Ngọc: Tiễn biệt tiki-taka bằng 'Chủ nghĩa phản công'
(Thethaovanhoa.vn) - Từ thất bại của Barcelona cho đến nỗi hổ thẹn mang tên Bayern Munich, có thể thấy rằng, tiki-taka không còn là xu hướng thời thượng nữa. Để chiến thắng, các đội bóng cần phải thực dụng.
Chỉ một bàn thắng được ghi trong 180 phút của hai trận bán kết lượt đi, và những ai không thủng lưới trong các trận sân khách ấy giờ đang có một lợi thế nhỉnh hơn đối thủ trước trận lượt về. Barcelona với lối đá dựa trên khả năng cầm bóng vượt trội của họ bị loại từ tứ kết, trong khi một người cũ của họ, Guardiola, cũng không thành công với Bayern (thua Real 0-5 chung cuộc). Còn Atletico và Chelsea thì rõ ràng chưa bao giờ là tín đồ của lối chơi này cả. Một xu hướng mới mà cũ của bóng đá hiện đại: chính sự thực dụng là một trong những nguyên nhân khiến lối đá dựa nhiều vào kiểm soát bóng thất bại.
Lối mòn của tiki-taka
Guardiola hẹn tất cả ở trận lượt về trên sân Allianz Arena và không ít người hâm mộ tin rằng, ở đó, Bayern mới thực sự là chính họ, sau trận lượt đi thất bại trên đất Tây Ban Nha. Nhưng người ta cũng tự hỏi: để trở lại là chính họ, Bayern Munich cần phải thể hiện được những điều gì tinh túy mà họ không làm được trên sân Bernabeu? Đó là ngoài khả năng kiểm soát bóng vượt trội đối thủ, điều mà Pep đã từng làm cho Barcelona và biến họ thành đội bóng mạnh nhất thế giới, Bayern phải thực dụng hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, đột biến nhiều hơn. Tóm lại là những điều đã giúp Bayern của Heynckes lên ngôi vô địch Champions League ở mùa trước. Thế nhưng con số 69% thời lượng kiểm soát bóng ở Allianz Arena chẳng nói lên điều gì
Cầm bóng nhiều làm gì khi thiếu hiệu quả, Bayern?
Và cách mà các đối thủ đã làm Barcelona và Bayern thua trận dường như không mới. Đó là bóng đá chặt chẽ, không rườm rà, nhưng tính toán, đậm chất điền kinh, không tập trung vào việc chiếm bóng mà phản công thần tốc. Những con số thống kê ở Champions League cho thấy, con đường đến thành công luôn phải là con đường ngắn nhất chứ không phải là tìm cách chiếm được bóng nhiều nhất. Một mùa bóng với hơn 60 trận đấu trên tất cả các mặt trận và trận nào cũng chiếm bóng vượt trội đối thủ về lâu về dài sẽ tạo ra một áp lực khủng khiếp lên độ bền thể lực và tâm lí của các cầu thủ, nhất là những người nắm vai trò chủ chốt trong lối chơi ấy. Ở hiệp 1 của trận Real-Bayern, các cầu thủ đến từ nước Đức cầm bóng đến 73%, có tỉ lệ phạt góc 9 so với 1, nhưng vẫn thủng lưới trước một đội chủ nhà đã xuyên thủng khung thành của họ chỉ bằng một pha phản công siêu tốc độ rất ít chạm.
Bóng đá cần phải có những điều chỉnh
Ancelotti, người đã từng đưa Milan lên đỉnh thế giới bằng một hàng tiền vệ cầm bóng siêu hạng trong những năm cách đây chưa xa, đã thay đổi tư duy bóng đá? Không, ông chưa thay đổi. Kể cả khi tuyên bố sau trận đấu, là "bóng đá đâu chỉ là kiểm soát bóng, mà là phòng ngự và phản công", nhưng trên thực tế, ông chỉ điều chỉnh sao cho phù hợp khi đối đầu với một đối thủ mà ông biết chắc chắn là sẽ cầm bóng nhiều hơn đội của mình.
Các thống kê cho thấy, dưới tay HLV người Italy, Real không chơi xù xì như dưới thời Mourinho, nhưng tính thực dụng có thể còn cao hơn: cứ trung bình 27 đường chuyền thì họ có 1 cú sút, so với 39 đường chuyền thì có 1 cú dứt điểm của Bayern và Barcelona. Atletico Madrid, đội trở thành hiện tượng lớn ở La Liga và Châu Âu mùa giải này có trung bình 30 đường chuyền thì có 1 cú sút. Chelsea thậm chí còn ít hơn thế. Tỷ lệ này là 26/1. Nhìn rộng ra, tại Premier League, Liverpool, đội chơi hay nhất, ghi nhiều bàn nhất, tới 96 bàn sau 35 trận, cũng là một trong số những đội chuyền ngang chuyền ngửa ít nhất, với trung bình cứ 30 đường chuyền thì có 1 cú sút.
Có sự liên quan nào giữa tỉ lệ trung bình giữa những đường chuyền và 1 cú dứt điểm (vào khung thành, hoặc ra ngoài)? Thứ nhất, việc chuyền ban ít hơn cho thấy khả năng cầm bóng ít hơn; thứ hai, họ thường tìm kiếm giải pháp tấn công bằng những đường chuyền dài ngay sau khi cướp được bóng và tổ chức phản công ngay; thứ ba, tỉ lệ này càng ít càng cho thấy đội bóng này triển khai tấn công hoặc phản công nhiều hơn, ít chạm và có nhiều giải pháp tiêu diệt đối phương hơn. Việc cầm bóng nhiều hơn và chuyền bóng nhiều hơn cũng phản ánh việc đội bóng đó thiếu ý tưởng, thiếu khả năng đột phá hoặc phải chờ đợi cơ hội để xuyên thủng hàng thủ đối phương nhờ những cầu thủ siêu hạng. Và chừng nào chưa tìm được khoảng trống, họ cứ tiếp tục duy trì việc cầm bóng, chuyền bóng và di chuyển không bóng. Barcelona đã chơi như thế trong nhiều năm qua, và khi không có được sự đột biến từ những màn ảo thuật của Messi, hay của một ai đó như Iniesta, họ rơi vào thế bế tắc.
“Chủ nghĩa phản công” lên ngôi
Mourinho và Diego Simeone đều là những đại diện của "chủ nghĩa phản công"
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, huyền thoại Beckenbauer có nói: "Chiếm bóng và chuyền bóng nhiều sẽ trở nên vô ích, nếu bạn không ghi bàn". Những lời nói ấy là nhằm vào Guardiola? Cũng có thể như thế, mà cũng có thể không. Nhưng rõ ràng Pep đã thất bại. Sau trận thua ở Bernabeu, khi trả lời một nhà báo, rằng tại sao Bayern có quá nhiều đường chuyền ngang, Guardiola nói: "Nếu bạn chuyền bóng dài xuống phần sân đối phương quá nhanh thì bạn cũng có thể sẽ phải chạy ngược lại còn nhanh hơn nữa. Từ khi còn đá bóng, tôi đã biết là Real luôn chơi phản công. Khi đối đầu với chúng tôi, trong hiệp 1, họ thậm chí còn không thực hiện được ba đường chuyền liên tiếp". Guardiola hơi nhầm. Có thể trong cả hiệp, Real phải co về phòng ngự, và họ chỉ có một lần duy nhất thực hiện được ba đường chuyền liên tiếp. Lần ấy đã có bàn thắng duy nhất đánh bại họ. Và chỉ cần thế là đủ cho trận lượt đi.
Và sau khi Bayern thảm bại 0-4 ở ngay tại Allianz Arena đêm qua, thì Pep chẳng thể nào biện minh được nữa.
Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Rome)