Gỡ rối cho đàn ông Trung Quốc "ế" vợ vì thách cưới cao: Chính quyền yêu cầu các cô gái ký cam kết "không hét giá", giảm mức sính lễ
Nhóm các cô gái độc thân đã được chính quyền yêu cầu ký cam kết "tẩy chay" phong tục thách cưới quá cao. Điều này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của hàng 100 triệu người, "nổ" ra cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.
Câu chuyện đàn ông Trung Quốc không thể lấy vợ vì tiền thách cưới bằng 15 năm đi làm có lẽ đã không còn xa lạ. Đối với các cô gái, người chồng lý tưởng của họ không phải những anh chàng ở nông thôn mà là những người ở thành phố hoặc tỉnh thành khác giàu có.
Hay nói cách khác, hôn nhân chính là cách thức để thay đổi cuộc đời. Phụ nữ mong muốn được rời gia đình, chuyển từ miền núi xuống đồng bằng, từ làng mạc lên thành phố và từ tầng lớp nghèo khổ sang tầng lớp khá giả hơn.
Để giải quyết vấn nạn này, tại Toại Xuyên, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc gặp mặt với sự tham gia của 30 cô gái chưa lập gia đình, thảo luận về một số chủ đề, một trong số đó là thông lệ nhà trai đưa tiền cho nhà gái khi kết hôn, South China Morning Post đưa tin.
Đáng chú ý, các cô gái đã cùng nhau ký cam kết phản đối mức giá cô dâu đắt đỏ. Tin tức về sự kiện này được trang web của chính quyền địa phương chia sẻ vào cuối tháng 1 đã thu hút sự chú ý của gần 100 triệu người.
"Sáng 30/1, chính quyền địa phương đã tổ chức một diễn đàn dành cho những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình, trong đó họ thảo luận quan điểm của mình về giá cô dâu cao và thay đổi các phong tục. Những người phụ nữ đã ký một bản cam kết tập thể phản đối giá cô dâu cao và ủng hộ thay đổi phong tục, hướng dẫn những người trẻ tuổi trong các lĩnh vực khác nhau trở thành người ủng hộ lối sống văn minh mới", bài đăng trên trang web ghi.
Cùng ngày, tài khoản Douyin chính thức của chính quyền Toại Xuyên phát hành video ca ngợi cách tiếp cận của thị trấn: "Đây là một cách tốt để chống lại giá cô dâu cao, can thiệp trước để đảm bảo hiệu quả".
Song, nhiều người trên mạng xã hội lại đưa ra ý kiến trái chiều về sự việc này. Họ đặt câu hỏi về cách tiếp cận của chính quyền địa phương. Một người lập luận rằng giá cô dâu cao là vấn đề về phong tục hơn là vấn đề từ phụ nữ: "Đàn ông đã ký cam kết gì? Giá cô dâu cao là thứ phụ nữ có thể quyết định sao?".
Hay trong một cuộc thảo luận trên Weibo về hội thảo, các "nhà quan sát trực tuyến" ý kiến rằng chính phủ nên làm tốt hơn việc bảo vệ những người trẻ tuổi, chẳng hạn bằng cách giảm phân biệt giới tính tại nơi làm việc.
"Tại sao không tổ chức một cuộc họp để các công ty ký cam kết không phân biệt đối xử với phụ nữ trẻ đã kết hôn?"; "Bây giờ là năm 2023, không phải năm 2023 trước Công nguyên", cư dân mạng bình luận.
Có thể nói, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nỗ lực "xóa" phong tục thách cưới quá cao ở đất nước này. Chẳng hạn, năm 2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chọn một quận từ 32 thành phố được chỉ định trên khắp đất nước làm "khu vực thử nghiệm" cải cách đám cưới. Tại đây, cộng đồng dân cư được yêu cầu ban hành các nguyên tắc riêng để kiểm soát sính lễ và chi phí đám cưới.
Tại huyện Chính Ninh, chính quyền đã đưa ra mức giới hạn cho sính lễ cô dâu là 80.000 nhân dân tệ đối với các gia đình nông thôn và 60.000 nhân dân tệ đối với công chức nhà nước. Tuy nhiên, huyện này cũng nói thêm việc thay đổi là "một quá trình lâu dài và phức tạp", cũng như rất khó dùng quy tắc cứng nhắc để áp dụng.
Còn tại một số ngôi làng ở Hà Nam, tiền ''thách cưới'' lên đến 160.000 nhân dân tệ thì nay quan chức bắt đầu giới hạn con số này ở mức 66.000 nhân dân tệ để giảm bớt gánh nặng cho nam thanh niên ở vùng nông thôn.
Giới chức Trung Quốc cũng khuyến khích phụ nữ nông thôn ở lại quê hương của họ và kết hôn với người bản địa. Song, hành động này đã gây ra một cơn bão chỉ trích trên mạng xã hội và giá sính lễ vẫn được đưa ra ngày càng cao.
Được biết, để có thể lấy được vợ, ngoài các chi phí như lễ cưới, nhà ở và nuôi dạy con cái, một số vùng của Trung Quốc vẫn theo truyền thống cũ là nhà trai phải trả một khoản tiền cho nhà gái, được gọi là "giá cô dâu".
Trong nhiều trường hợp ngày nay, tiền "cô dâu" được trả lại cho các cặp vợ chồng mới cưới, nhưng tập tục truyền thống vẫn chưa bị loại bỏ.
Điển hình như Giang Tây- một trong những địa phương nổi tiếng với yêu cầu sính lễ cao. Tháng 1 vừa qua, một chàng trai chia sẻ câu chuyện bạn gái đòi số tiền giá cô dâu 18,88 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD) gây ra nhiều tranh luận.
Dù người đăng bài sau đó thừa nhận đã bịa chuyện song chủ đề vẫn khiến nhiều nam giới lo lắng vì yêu cầu giá cô dâu khoảng 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD) vẫn còn khá phổ biến ở tỉnh này.
Thú vui giải trí cực 'chanh sả' trong 12 tháng của nữ giới Trung Quốc xưa: Mang đầy ý vị và chất thơ nhưng không phải ai cũng chơi được