'Gỡ khó' cho triển lãm tư liệu
Những tư liệu phong phú hiện có trong các kho lưu trữ cần được "biến đổi" theo cách nào để tạo ra các sản phẩm trưng bày thu hút công chúng? Đó là câu hỏi từ lâu khiến những người trong nghề băn khoăn, nhất là khi tổ chức các cuộc triển lãm.
Và, cuối tuần trước, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) tổ chức tọa đàm Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia về vấn đề này. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các đại diện đến từ các bảo tàng, trung tâm lưu trữ và dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
"Kho tài sản" đang dần được phát huy
"Nhìn vào các quốc gia khác trên thế giới, việc tổ chức triển lãm tư liệu không còn là điều gì mới mẻ nữa" - ông Nguyễn Văn Huy chia sẻ - "Từng có dịp tham quan các tòa nhà lưu trữ hay thư viện ở Pháp, tôi nhận thấy những địa điểm đó đều có những không gian trưng bày dù lớn hay nhỏ, để thu hút độc giả, du khách tới tham quan".
Thực tế, ở Việt Nam, qua những cuộc trưng bày tư liệu trong những năm trở lại đây, các trung tâm lưu trữ đã và đang chứng minh cho sự "bắt nhịp" với xu thế triển lãm tư liệu trên thế giới, đồng thời cũng cho thấy lối đi tiên phong khi vừa kết hợp tổ chức chuyên đề triển lãm trên cả không gian mạng lẫn ngoài không gian thực.
Trước tín hiệu đáng mừng này, ông Huy tiếp tục nhận xét: "Gần đây, hoạt động trong lĩnh vực di sản ở nước ta đã có những điểm sáng. Có thể thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ một số cuộc trưng bày, triển lãm, mà ở đó đã thể hiện cách tiếp cận mới với nhiều ý tưởng, nội dung mới và nhiều giải pháp trưng bày mới. Đây là bài học quý giá mà mỗi người làm công tác lưu trữ nên cùng nhau chia sẻ, học hỏi và vận dụng trong công việc của mình".
Sau thành công từ những chuyên đề triển lãm của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, mà gần đây nhất là triển lãm Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử, bà Trần Thị Mai Hương, giám đốc đơn vị này, đã chia sẻ một kinh nghiệm đặc biệt tại tọa đàm: So với các hình thức như viết bài, xuất bản ấn phẩm, làm video… thì tổ chức triển lãm là cách thức dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng, nhanh chóng tạo được tiếng vang và sức ảnh hưởng hơn cả.
Tương tự, theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, những cuộc trưng bày, triển lãm tài liệu không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Xa hơn thế, chúng còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Thực tế, số lượng các cuộc triển lãm do trung tâm thực hiện hay phối hợp thực hiện trong 5 năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Và điều ấy đã cho thấy tài liệu lưu trữ đang có cơ hội đến gần hơn với nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ và nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng của chúng.
Cũng cần nói thêm, nhờ những cuộc triển lãm, các trung tâm lưu trữ đang phát huy chức năng là không gian giáo dục cho học sinh, sinh viên về những bài học lịch sử được tái hiện một cách trực quan. Đồng thời, những nơi này cũng dần được xây dựng trở thành điểm tham quan du lịch cho các du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua các tư liệu hình ảnh và hiện vật minh họa.
Để có những thành công đó, các trung tâm lưu trữ đã gặp phải nhiều thách thức cả trong và sau quá trình tổ chức triển lãm. Như chia sẻ của bà Hương tại tọa đàm, tư liệu trong kho lưu trữ hầu hết đều được soạn thảo cách ngày nay hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, bằng văn tự "xa lạ" với không ít người trong số chúng ta, từ đó vô tình tạo ra khoảng cách giữa người xem với di sản lịch sử. Việc chuyển đổi từ những văn bản hành chính khô khan, nhất lại được viết bằng tiếng Pháp, chữ Hán, Nôm thành một sản phẩm hấp dẫn luôn là bài toán nan giải.
Thông thường, thời gian thực hiện khá dài, trung bình mất khoảng 5 tháng đến một năm, để người trong cuộc có thể tạo ra được sản phẩm triển lãm như ý muốn. Kéo theo đó, chi phí cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ, nhân công sử dụng trong triển lãm là rất lớn. Dù vậy, thời gian trưng bày lại ngắn, dài nhất cũng chỉ vài tháng. Sau khi kết thúc chuyên đề, các công trình liên quan đến triển lãm thường bị gỡ bỏ, gây lãng phí, tốn kém.
Bên cạnh tổ chức triển lãm trực tiếp, các trung tâm lưu trữ cũng đã triển khai một số chuyên đề trưng bày trực tuyến. Tuy nhiên, vô tình chúng lại trở thành rào cản khó tiếp cận với đối tượng những người ít sử dụng công nghệ, đặc biệt là người cao tuổi.
Cần tháo gỡ từng bước
Theo chia sẻ tại tọa đàm, để từng bước khắc phục các khó khăn, người làm công tác lưu trữ cần tìm ra giải pháp thổi hồn vào các văn bản hành chính xưa cũ, đưa những câu chuyện thuộc về quá vãng trở lại bối cảnh hiện nay. Muốn vậy, trước tiên, người làm công tác lưu trữ phải nắm bắt được xu hướng cũng như các vấn đề mọi người quan tâm nhiều nhất - đặc biệt vào các ngày lễ Tết truyền thống, các dịp kỷ niệm của đất nước - và từ đó sáng tạo nên các chuyên đề triển lãm liên quan tới từng thời điểm.
Song song với đó, người trong cuộc cũng cần hiểu được tâm lí đối tượng tham dự triển lãm. Họ thường dễ cảm thấy nhàm chán trước những tư liệu gốc với chữ viết không mấy quen thuộc với họ. Do vậy, bên cạnh trưng bày hình ảnh văn bản với văn tự gốc, cần trích dẫn bản dịch, lời giải thích với ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, gần gũi với văn phong hiện đại.
Nghệ thuật thể hiện từng con chữ cũng cần được chú trọng nhằm lôi cuốn thị giác của khán giả. Bằng cách lựa chọn các phông chữ, màu sắc khác nhau, nhấn nhá cho những từ khóa, câu trích từ văn bản, người xem có thể dễ tiếp thu được điểm đặc sắc trong văn bản.
Ngoài ra, các triển lãm cũng sẽ thỏa mãn thị giác khách tham quan hơn, nếu không gian triển lãm được tại hiện sao cho sinh động và có bối cảnh phù hợp với chủ đề triển lãm, để các văn bản hành chính vốn "vô tri" trở nên "có hồn". Bởi lẽ người đến dự triển lãm không chỉ tới tìm hiểu di sản tư liệu được trưng bày, mà còn có nhu cầu thưởng lãm yếu tố mỹ thuật được tạo dựng trong không gian trưng bày.
Trên cơ sở không gian trưng bày bắt mắt, nội dung đề tài hấp dẫn công chúng, bà Trần Thị Mai Hương đề xuất có thể xây dựng tour du lịch tham quan với điểm đến là các trung tâm lưu trữ. Hoặc, giữa các trung tâm lưu trữ có thể phối hợp tổ chức, trao đổi không gian triển lãm, vừa thu hút khách tham quan, vừa vừa tiết kiệm chi phí tổ chức.
Một giải pháp nữa nhằm tiết kiệm chi phí cho các cuộc trưng bày được bà Trần Việt Hoa chia sẻ: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thường tận dụng các trang thiết bị được dùng cho các cuộc trưng bày triển lãm trước đó (màn hình LED, tủ trưng bày hiện vật,…), thậm chí tận dụng cơ sở hạ tầng của trung tâm, chẳng hạn như 4 cột tại sảnh được sử dụng để mô phỏng về hoạt động của 4 bên tham gia Hội nghị Paris.
Rõ ràng, để có được thành quả ưng ý như trên, đội ngũ nhân lực tại các đơn vị trưng bày phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn vững vàng, tư duy sáng tạo, có khả năng làm việc liên ngành, từ khả năng nắm bắt xu hướng, thị hiếu của khán giả (đặc biệt là giới trẻ) cho đến nghiên cứu lịch sử, dịch thuật văn bản, thậm chí cả viết kịch bản phim gắn vào triển lãm, lên ý tưởng thiết kế không gian…
"Triển lãm tư liệu không phải là cứ "phô trương" ra những di sản hiện đang lưu giữ, mà còn cần tổ chức làm sao để giá trị của những tư liệu ấy đạt được hiệu quả tối đa trong việc lan tỏa tới công chúng. Có nghĩa, cần trưng bày cái công chúng muốn, chứ không phải cái chúng ta có" - TS Trần Thị Mai Hương, giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.