Giữa 'cơn sốt Hà Nội'
(Thethaovanhoa.vn) - Cả thế giới đang hướng về Hà Nội để theo dõi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Đó là nhận xét của những tờ báo quốc tế khi nói về sự kiện lịch sử này. Và, con số 3000 phóng viên quốc tế đăng kí tác nghiệp tại Hà Nội, cũng như cách mà thế giới chăm chú dõi theo Hội nghị, chỉ là một chỉ số nhỏcho thấy sự quan tâm ấy.
Bởi xa hơn, nếu tìm hiểu về lịch sử Triều Tiên, về mối quan hệ song phương Mỹ - Triều, cũng như những diễn biến trong dòng thời sự chủ lưu của thế giới hiện đại, ta sẽ hiểu: cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donal Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã được trông đợi từ rất lâu...
Và đến tối qua 27/2, khi 2 nguyên thủ đầy cá tính có cái bắt tay đầu tiên tại khách sạn Metropole, cơn sốt thông tin trên thế giới có lẽ đã được đẩy cao tới đỉnh điểm.
Nhưng đó là câu chuyện ở tầm... thế giới. Còn từ phía “chủ nhà”, thử đặt câu hỏi: những người dân Hà Nội bình thường nhập cuộc với sự kiện này theo tâm thế nào?
Câu trả lời rất đơn giản, nếu quan sát những gì đang diễn ra tại Hà Nội mấy ngày qua: hơn bất cứ ai, chúng ta mới là những người háo hức nhất với sự kiện.
Không phải ngẫu nhiên mà cũng trong ngày hôm qua, khi một doanh nghiệp phát hành “đồng xu bạc” với thông điệp World Peace (Hòa bình thế giới) để kỉ niệm sự kiện này, người dân Hà Nội đã chen chân xếp hàng xuyên trưa để được mua, thậm chí chấp nhận trả số tiền gấp đôi giá gốc (1 triệu đồng) vì lượng bán ra có hạn.
Rồi, cũng không phải vô cớ, từ vài tuần trước, khắp thành phố đã nở bung những dịch vụ “lấy cảm hứng” từ cuộc gặp Mỹ - Triều. Đó là những chiếc áo phông có in hình 2 nguyên thủ, là các loại fastfood hay đồ uống mới được chế tác và mượn tên họ, hay thiết thực hơn nữa là dịch vụ cắt tóc (và nhuộm tóc) cho những người muốn sở hữu mái đầu giống Chủ tịch Kim hoặc Tổng thống Trump.
Hoặc, 2 quán cà phê Giảng tại Hà Nội bỗng trở nên quá tải trước lượng khách dồn về nếm “cà phê trứng”- khi món đồ uống ấy được đưa vào thực đơn chiêu đãi báo chí quốc tế. Hoặc, những ai có tên khai sinh là Đỗ Nam Trung và Kim Trọng Ân (phiên bản Việt hóa cái tên của 2 vị nguyên thủ) bỗng trở thành người may mắn, khi họ được một cửa hàng pizza tại phố Đại Cồ Việt tặng miễn phí một chiếc bánh cỡ lớn cho mình.
Báo chí quốc tế thích thú đưa tin. Nhưng sự thực, dù không đưa tin, câu chuyện vẫn diễn ra theo cách mà nó phải diễn ra. Như cách mà một chủ hiệu bánh cuốn vỉa hè ở quận Cầu Giấy kể rằng từ khi đưa ra tấm biển chào mừng Hội nghị (với hình ảnh 2 nguyên thủ bắt tay nhau), lượng khách ăn ở đây đột nhiên tăng vọt.
***
Thẳng thắn, sự hiếu kỳ cũng là một trong những lý do để tạo nên cơn sốt ấy. Nhưng sâu xa, như cách nghĩ của người viết, có lẽ bất cứ người dân Hà Nội nào cũng đều hào hứng trước sự kiện đang diễn ra, để rồi tham dự vào những hoạt động vốn ít có trong ngày thường.
Sự hào hứng ấy gắn với điều mà bất cứ ai chúng ta luôn mong đợi: thành phố của mình được công nhận về vị thế và góp mặt vào chuỗi hoạt động chủ lưu trên thế giới.
Bởi thực tế, ở góc độ kinh tế hay công nghệ, Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định của một nền kinh tế đang phát triển. Nhưng ở góc độ nồng hậu, mến khách và đặc biệt là khao khát hòa bình, chắc chắn Hà Nội không hề thua kém bất cứ một thành phố nào.
Bởi thế, giữa cơn sốt về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, hãy nhớ tới một thông tin có thể ít được chú ý trong cuộc sống ngày thường: đến giờ, Hà Nội cũng là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Danh hiệu ấy chắc chắn sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn, nếu hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Triều Tiên được ký kết ở đây như thế giới đang kỳ vọng.
Sơn Tùng