Giới thiệu 4 bản mẫu sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 8/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong nước, quốc tế về chương trình và sách giáo khoa; một số Tổng chủ biên, Chủ biên đại diện cho các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng đại diện giáo viên, nhà quản lý giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái đã giới thiệu các bản mẫu sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Những bản mẫu sách giáo khoa này đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hướng giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.
Theo đó, 4 bản mẫu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã qua 2 vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia gồm: Bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống"; bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo"; bộ sách giáo khoa "Cùng học để phát triển năng lực"; bộ sách giáo khoa "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Đây là 4 bản mẫu nằm trong số 5 bản mẫu sách giáo khoa đã qua 2 vòng thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố. Bản mẫu sách giáo khoa còn lại đã qua vòng thẩm định là của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Bốn bộ sách này đáp ứng điều kiện giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau. Mục tiêu của các bộ sách là giúp người học tiếp cận kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Các bộ sách không chỉ đáp ứng được việc kết nối giữa sách giáo khoa từng môn ở các lớp, các cấp học khác nhau, mà còn đòi hỏi sự kết nối giữa các môn học khác nhau trong cùng một bộ sách.
Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được coi như bộ sách nền, chủ lực đảm bảo chất lượng an toàn khi triển khai sách giáo khoa trong toàn hệ thống. Đồng thời, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hy vọng bộ sách này có độ phủ rộng hơn các bộ sách khác, đáp ứng nhu cầu nhiều vùng miền, địa phương.
Với bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, các tác giả muốn định hướng bình đẳng các học sinh có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn tri thức thông qua các nguồn học liệu mở; định hướng tự chủ trong học tập, tự do sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề.
Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, các tác giả muốn nhấn mạnh tinh thần lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, đề cao học tích cực, học hợp tác, học để tích hợp vào cuộc sống. Bộ sách này chú trọng phát triển năng lực học và năng lực hợp tác của học sinh.
Bộ sách “Chân trời sáng tạo” giúp học sinh định hướng tư duy; tự khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trao đổi về một số nội dung như: Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực: nhìn từ kinh nghiệm quốc tế; từ chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; định hướng, mục tiêu và phương pháp biên soạn một số cuốn sách giáo khoa lớp 1 được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, để góp phần triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức các đợt tập huấn giáo viên về khai thác, sử dụng, dạy học theo sách giáo khoa mới dưới hình thức hội thảo chuyên đề và đào tạo online.
Ngoài sách giáo khoa giấy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phát triển đồng bộ sách giáo khoa điện tử, tư liệu, tài nguyên số để hỗ trợ giảng dạy dành cho giáo viên. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng sẽ cung ứng đầy đủ, đồng bộ thiết bị và học liệu giáo dục, hỗ trợ cho việc dạy học hiệu quả trong nhà trường phổ thông.
Việt Hà/TTXVN