Giỗ Tổ và cuộc chạy đua 'kỷ lục'
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại buổi họp báo về Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ tuyên bố “nói không” với các vật cúng tiến “kỷ lục”. Sở dĩ, BTC phải gửi thông điệp lạ này là bởi trước đó, Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương từng gây ồn ào với nhiều lễ vật “khủng” từ các địa phương.
- Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2016 và dịp lễ 30/4, 1/5
- Giỗ tổ Hùng Vương 2016: Thử nghiệm đồng loạt dâng hương trên toàn quốc
Năm 2010, một chai rượu cao 5,2m, đường kính 1,17m với dung tích khoảng 4.000 lít đã được cung tiến cho Lễ hội. Ở thời điểm ấy, đây là chai rượu lớn nhất thế giới, chai thứ nhì của Trung Quốc có dung tích chưa bằng một nửa với 1.800 lít.
Đáng chú ý, chai rượu kỷ lục này là “lòng thành” của một thương hiệu rượu. Với chai rượu này, thương hiệu này có quyền trưng bày và mời khách thưởng thức chai rượu kỷ lục trong Lễ Giỗ tổ.
Bánh chưng- bánh dầy là biểu tượng của thế giới quan người Việt thời Hùng Vương. Chai rượu 4.000 lít biểu đạt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Các cụ cũng nói “Phi tửu bất thành lễ” nên cúng rượu vừa thể hiện tấm lòng với tiên tổ, vừa để con Lạc cháu Hồng cùng nhau nâng ly tưởng nhớ ông cha. Đó là cái lý của người dâng tặng.
Tiếp nối phong trào “kỷ lục” ở những lễ hội di sản, năm 2012, Hội Lim lập kỷ lục về số người hát quan họ. Màn đồng ca hơn 3.000 người cùng hát quan họ đã được thực hiện để “chào mừng” quan họ trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Để thực hiện màn “hợp xướng” kỷ lục trên, ban tổ chức đã phải cắt điện, thông đường để giảm tải cho đồi Lim, nơi thực hiện màn trình diễn “kỷ lục”!
Không kém cạnh, năm 2013, tỉnh Yên Bái quyết định tổ chức vòng xòe Thái kỷ lục với sự tham gia của 2013 người. Kỷ lục này phá vỡ kỷ lục tại tỉnh Lai Châu 4 năm trước khi vòng xòe Lai Châu “chỉ” bằng hơn nửa vòng xòe Yên Bái- 1332 người.
Những kỷ lục dồn dập xô nhau trong những lễ hội với nhiều sinh hoạt di sản phi vật thể khiến nhiều người ớn lạnh. Nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá đó là một cách tiếp cận phản văn hóa.
UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và quan họ Bắc Ninh không phải bởi các di sản này sở hữu những vốn liếng “khủng” về mặt định lượng. Những di sản này được tôn vinh bởi nhiều yếu tố trong đó có: tính bền vững xuyên thời gian và tính nguyên gốc… Thực tế, hai yếu tố này đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư duy “khoái to” của hậu thế.
Và nữa, đặc thù của các di sản đôi khi cũng mâu thuẫn với “hàng khủng”. Như quan họ Bắc Ninh là lối hát giao duyên trong không gian thân tình. Trong quan họ cổ, người xưa thường gọi là “chơi quan họ”. Tức là, liền anh liền chị hát giao duyên cho nhau nghe chứ không có khán giả.
Từ đó, liền anh, liên chị mới cảm mến được cái tình của người hát. Việc lập kỷ lục số người hát quan họ, e chừng, câu chuyện đã đi quá xa…
“Điểm danh” hàng loạt các kỷ lục đã ảnh hưởng tới hình ảnh di sản để thấy, việc “tuyên chiến” với kỷ lục của BTC lễ hội Đền Hùng năm nay là một quyết định tiến bộ. Đằng sau thông điệp đó cũng là sự thừa nhận những sai lầm một thời của tư duy “khoái to”. Và khi đã không phát triển theo chiều rộng, chúng ta có thể mong chờ người ta quảng bá lễ hội theo chiều sâu văn hóa vốn có.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa