Giấy khen cho học trò: xin đừng bới bèo ra bọ
Tôi cũng đọc những gì viết trên những tờ giấy khen đó, đọc khá kỹ, và điều khiến tôi hơi hoài nghi, là bản thân tôi không thấy có nhiều thứ đáng cười ở đó.
Có lẽ trừ những lời khen không rõ ràng về ý nghĩa như khen các em đạt thành tích “một mặt”, ‘khen từng mặt”; còn lại, đa số đều là những lời khen giản dị, chân thành; cũng có đôi chút ngô nghê, không được “chính danh” hoa mỹ như các danh hiệu thi đua dành cho người lớn chúng ta, nhưng thiển nghĩ, với trẻ em, cũng không có gì đáng phải nêu ra bêu riếu. Tôi xin liệt kê ra những lời khen:
- "Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện - Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè"
- "Có tinh thần tương thân tương ái".
- "Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học và phát triển các kỹ năng phẩm chất"
- "Hoàn thành tốt nội dung học tập môn: Toán, tiếng Việt, Thủ công. Tích cực tham gia các phong trào từ thiện".
- "Đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu"
- "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"
- "Học sinh đạt thành tích xuất sắc toàn diện"...
- Hoàn thành tốt môn học, biết ứng xử với bạn bè…
(Mời bạn đọc tiếp tục comment dưới bài để chúng tôi tiếp tục liệt kê các lời khen)
Trên đây là nội dung những tờ giấy khen bị tung lên mạng, bị cho là khiến phụ huynh “hốt hoảng”, dư luận “trúng gió”. Chúng ta hãy đọc lại một cách công tâm: có đến mức như vậy không?
Xin nhắc lại, trừ tờ giấy khen “khen từng mặt” rất tối nghĩa ra (mà nghe nói các thầy cô ở ngôi trường đó đã thừa nhận sai sót), thì còn lại có đáng để chúng ta giễu cợt không?
Chúng ta đều biết rằng, theo tinh thần Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, mỗi trường đều có cách đánh giá, ghi giấy khen riêng. Việc viết giấy khen cho học sinh hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.
Đó là một quy định đúng đắn và hiện đại, thể hiện sự đổi mới trong đánh giá năng lực của thí sinh.
Chính vì thế, chúng ta cần phải hiểu đúng, những gì viết trên giấy khen cũng chỉ là những “Lời phê của cô giáo” mà thời cắp sách đến trường những năm trước đây, chúng ta đều nhận được từ mỗi bài kiểm tra, hoặc cũng có thể xem là những lời nhận xét của giáo viên ghi trong sổ liên lạc hay học bạ.
Ở cấp tiểu học, tôi tán đồng việc “trích xuất” những điểm tích cực trong các “lời phê của cô giáo” ấy ra để ghi thành giấy khen cho các em. Cái giấy khen khi đó cũng chỉ như một tờ giấy công nhận những điểm tốt nhất mà trong Sổ liên lạc, các thầy cô giáo đã ghi. Nó có tác dụng động viên, khuyến khích các em rất nhiều.
Chính vì vậy, nội dung của các lời động viên, nhận xét ấy không cần cầu kỳ, hoa mỹ, mà chú trọng sự giản dị, chân tình, và đặc biệt, phải xác thực với kết quả học tập và rèn luyện của các em, hay cao hơn nữa phải phản ánh được những phẩm chất đáng khích lệ ở mỗi đứa trẻ.
Chúng ta không nên vạch lá tìm sâu, bắt bẻ câu chữ, mà bắt bẻ không đúng. Ví dụ, với giấy khen “có tinh thần tương thân tương ái”, có người bắt bẻ trên báo chí “Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu khen con thì nên... khen cho đáng. Chỉ khen con "Có tinh thần tương ái" thể hiện sự... phổ cập giấy khen đến mọi học sinh”.
Bắt bẻ như vậy chứng tỏ chúng ta đã lấy bệnh thành tích của người lớn gán cho trẻ em và các thầy cô giáo tiểu học. “Có tinh thần tương thân tương ái” là một lời khen quan trọng, mà lẽ ra phụ huynh nên rơi nước mắt vì con em mình trở thành đứa trẻ biết thương yêu, giúp đỡ bạn bè và được nhà trường ghi nhận. Tại sao chúng ta lại xem nhẹ mấy từ “tương thân tương ái”?
Hay như giấy khen “Hoàn thành tốt môn toán và Tiếng Việt”. Đó là một lời khen rõ ràng, đủ nghĩa. Tại sao nhiều người lại bắt bẻ và hỏi lại các cô giáo: còn các môn khác con tôi không hoàn thành sao?
Người bắt bẻ đã quên mất từ dùng trong lời khen là “hoàn thành tốt”. Vậy các môn khác, đương nhiên không “hoàn thành tốt”, có thể rơi vào các trường hợp sau: “hoàn thành” hoặc “hoàn thành ở mức đạt yêu cầu”; “không hoàn thành”, “hoàn thành xuất sắc”. Còn nếu muốn biết các môn khác cụ thể ra sao, phụ huynh ơi, hãy chịu khó xem sổ liên lạc, chứ đừng chỉ bắt bẻ qua tờ giấy khen.
Công bằng mà nói, giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề. Giáo dục tiểu học cũng vậy. Con tôi được thành tích tốt, nhưng tôi biết có những cái tốt ấy chưa chắc đã là tốt thật, ví dụ như nạn cho học sinh tiểu học biết trước đề văn, làm bài trước, học thuộc lòng rồi đến khi thi thì cứ chép làu làu vào là đạt điểm tốt. Căn bệnh đó chúng ta phải khắc phục.
Nhưng tôi tha thiết đề nghị mọi người hãy bình tĩnh kiềm chế, đừng bới bèo ra bọ ở tờ giấy khen. Đừng lấy tiêu chuẩn những lời khen dành cho người lớn để yêu cầu các thầy cô giáo tiểu học phải viết cho các cháu nhỏ như vậy. Xin nhắc lại, giấy khen là dành cho các em chứ không phải để dành cho… phụ huynh các em.
Còn nếu ai đòi hỏi các thầy cô giáo phải viết giấy khen hay như thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, thì xin mời quý vị hãy thử “test” lại chính bản thân mình: Quý vị hãy thử viết giấy khen tặng cho… khoảng 30-50 đồng nghiệp của mình xem. Quý vị sẽ viết về họ ra sao?
Đông Kinh