Giật mình vì bình phong 'lạ' ở di tích quốc gia thờ Ngô Quyền
(Thethaovanhoa.vn) - BQL di tích làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) một mực khẳng định họa hình trên bức bình phong mới xây ở lăng Ngô Quyền (làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) là con hổ. Song người thủ từ trông đền cũng như nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền đều thở dài ngao ngán với “con vật không ra báo cũng chẳng ra chó sói”.
Sự việc khiến nhiều người giật mình khi lăng Ngô Quyền là Di sản văn hóa cấp quốc gia đang trong quá trình tu bổ, tôn tạo.
“Bất lực” nhìn “thú lạ”?
Rảo bước nhanh trên sân lăng mới làm láng mịn, cụ Dương Hữu Số - người trong coi đền thờ Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà Nội) nói giọng nghèn nghẹn: “Con vật trên tấm bình phong xi măng này không thể gọi là con hổ. Đã 3 năm trông đền, 6 tháng gần đây nhìn người ta dựng bình phong rồi đắp lên “con thú lạ” này trong lăng Ngô Quyền, tôi và người Đường Lâm nhìn mà đau. Đau mà bất lực...”.
Còn theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, họa hình trên tấm bình phong tệ cả về mặt mỹ thuật và mặt tâm linh. “Theo kiến trúc truyền thống, hổ trên bình phong trấn yểm phải ngồi, mặt quay về phía trước oai linh mới trấn được quỷ. Còn con vật không ra báo cũng chẳng ra chó sói, đuôi vắt vẻo trên một cái cành yếu ớt này trông quá thảm hại. Con vật này không thể gọi là quái thú mà nó trông như một con quỷ”- ông Biền nói.
Còn theo ông Số, ngoài “con thú lạ” trên bức bình phong, vị trí đặt bình phong trong suốt những ngày thi công cũng thay đổi liên tục nhưng vẫn chưa hợp lòng dân. “Đầu tiên họ để bức bình phong cách lăng có hơn 1 mét. Sau thấy không hợp lý, họ chuyển bình phong cách lăng 3 mét. Tuy nhiên, vị trí ở thời điểm hiện tại vẫn chưa hợp lý bởi nó cản đường vái vọng và thực hiện nghi lễ của người dân.”- ông Số nói thêm.
“Vẫn có thể sửa được”
Ông Số cũng chia sẻ rằng ông cùng người dân Đường Lâm đã nhiều lần đóng góp với chính quyền địa phương cũng như BQL di tích làng cổ Đường Lâm (đơn vị trực tiếp đứng ra làm chủ đầu tư). Song những góp ý của ông đều không có phản hồi.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm cho hay: Đơn vị thi công vừa làm vừa sửa đi, sửa lại nhiều lần. Có thể, các nhà khoa học góp ý, chúng tôi lại sửa lại con hổ. Còn bình phong làm theo đúng kích thước đã được Bộ VH,TT&DL phê duyệt. Còn có gì sai ở đó, các vị ra nói với GS Trần Lâm Biền. GS Trần Lâm Biền thì nói: Ai muốn thay đổi bức bình phong này, phải có chữ ký của ông ấy” (?!).
Cũng theo ông Sơn, BQL di tích đã tổ chức 2 cuộc hội nghị mời tất cả lãnh đạo xã Đường Lâm, lãnh đạo thôn Cam Lâm và đại diện nhân dân cũng như ban quản lý di tích đền và lăng Ngô Quyền tới dự. Trong 2 buổi đó, “chúng tôi đã tổ chức để đơn vị tư vấn và GS Trần Lâm Biền (cha đẻ của bình phong này) thuyết trình cho người dân”- ông Sơn nói.
Còn ông Trần Lâm Biền trao đổi với PV: Tôi có nhấn mạnh với địa phương làm một bức bình phong có một ông hổ để trấn khí. Và tôi cũng đã tới thuyết trình với người dân Đường Lâm về việc tu bổ, tôn tạo lăng.
“Tuy nhiên, từ hôm tôi tới đưa ý kiến tới nay, chưa một ai tới tham khảo ý kiến tôi đặt bình phong ở đâu? Thực hiện xây bình phong như nào? Họa tiết hổ trong bình phong theo mẫu nào? Mà giờ khi địa phương bị báo đài lên án, họ lại đổ trách nhiệm hết sang tôi, e chừng không ổn!”- ông Biền giải thích.
Theo tìm hiểu của TT&VH, hiện tại, dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền đã thực hiện được 6 tháng. Do dự án thuộc nhóm C nên dự kiến trong 3 năm sẽ hoàn thành (nếu được cấp vốn). Số vốn dự kiến cho công trình là gần 30 tỷ đồng (trong đó hơn 10 tỷ được dòng họ Ngô Việt Nam tài trợ, 20 tỷ là ngân sách Nhà nước).
Trong báo cáo thực hiện dự án, hiện tại, tấm bình phong vẫn trong quá trình thực hiện và như lời ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm, “bức bình phong vẫn có thể sửa được”.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa