Giáo dục không phải là những con số
(Thethaovanhoa.vn) - Một điểm đáng chú ý trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: chương trình bậc đại học sẽ có thể rút ngắn thời gian đào tạo với mức tương đương 3-5 năm, thay vì từ 4 - 6 năm so với hiện tại.
Như lời giải thích của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, sự thay đổi ấy đến từ nhiều lý do. Trong đó, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại, có sự chủ động từ mô hình đào tạo theo tín chỉ đang bước đầu áp dụng, có cả những yêu cầu mới về chương trình cần cô đọng, khái quát hơn – cũng như việc sinh viên phải biết tự nghiên cứu thay vì đọc và chép tại giảng đường…Hầu hết các trường ĐH của chúng ta hiện vẫn áp dụng khung đào tạo 4 năm (thậm chí là 5 năm với nhiều trường kĩ thuật hoặc 6 năm với ngành y). Và nếu nhìn lại, có lẽ nhiều độc giả (trong đó có người viết) đều thầm… ghen tị với những cử nhân tương lai, khi khung giáo dục 3 năm được áp dụng.
Bởi, Đại học dù sao cũng vẫn là một chặng trung chuyển, nếu nhìn vào hàng chục năm tiếp theo đó của đời người. Bước vào đời sớm hơn 1 năm, chúng ta sẽ sớm có cơ hội để bắt đầu những kế hoạch tiếp theo về sự nghiệp và cuộc sống của mình, khi đã có trong tay một nghề chuyên môn được đào tạo.
Thời gian đào tạo trình độ đại học sẽ được rút ngắn. Ảnh: TTXVN
Bởi, với những sinh viên có điều kiện khó khăn về kinh tế, hoặc ít ra là có chút ngần ngại vì tâm lý “chưa làm ra tiền”, 3 năm học đại học cũng sẽ giúp họ rút bớt 1/4 quãng thời gian ấy, so với hiện nay.
Bởi, với đời sống xã hội, mô hình đào tạo 3 năm cũng sẽ giúp chúng ta cung cấp một lượng cử nhân dồi dào hơn cho thị trường lao động – khi mà trên lý thuyết, chỉ với một chu kỳ 9 năm, chúng ta đã có thể cho “ra lò” lượng cử nhân tương đương với 12 năm bây giờ.
***
Cũng là con số, nhưng một con số khác hẳn sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về câu chuyện này: Theo thống kê 6 tháng trước của GIZ ( Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam), trên cả nước đang có khoảng 225.000 người có học vị cử nhân (hoặc cao hơn) ở vào tình trạng thất nghiệp.
Bên cạnh những lý giải muôn thủa về chất lượng chưa tốt của các trường Đại học Việt Nam, xu hướng “nâng cấp”, hoặc mở trường ĐH dân lập ồ ạt cũng được gắn liền với con số này. Theo đó, chuyện phát triển về bề rộng (thay vì chiều sâu) là tình trạng dẫn tới sự tồn tại của 2,2 triệu sinh viên trên cả nước vào năm 2016. Tính trên tỷ lệ 95 triệu dân, con số ấy được coi là cao không kém (thậm chí là hơn) những quốc gia phát triển.
Vậy, nếu thiếu kiểm soát, việc áp dụng khung ĐH 3 năm liệu có tiếp tục dẫn tới tình trạng đào tạo dư thừa và lãng phí này?
***
Cả 2 cách lập luận ấy đều chỉ được xây dựng trên những con số.
Còn lại, điều quan trọng nhất đằng sau những con số ấy vẫn chỉ là câu hỏi về việc lựa chọn những cá nhân đủ năng lực cho môi trường Đại học, cũng như chất lượng giảng dạy trong những năm mà các sinh viên ấy ngồi trên ghế nhà trường.
Và, đó lại là những bài toán khác mà chúng ta cũng đang loay hoay về khâu tổ chức kì thi Đại học, về tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội, về kế hoạch “phân nhánh” để những học sinh không đủ năng lực học ĐH có thể theo đuổi con đường học nghề và có một công việc hữu ích thực tế cho bản thân mình.
Có nghĩa, bài toán học ĐH 3 năm, hay 4 năm như bây giờ, cũng chỉ có thể phát huy giá trị khi gắn liền với những giải pháp từ bài toán cơ bản ấy. Nói cách khác, thay cho việc quá quan tâm tới con số 3 năm, chúng ta hãy nhìn xem chương trình học được thay đổi ấy sẽ có chất lượng như thế nào về đào tạo.
Bởi, trong một xã hội đang phát triển, tấm bằng Đai học dù sao vẫn chỉ có giá trị khi nó tạo ra sự khác biệt so với phần còn lại, thay vì cảm giác rằng chúng ta đủ sức … phổ cập Đại học tới tất cả mọi người.
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa