Gianni Infantino là ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Xin thưa, đấy là đương kim Chủ tịch FIFA. Một thông tin đáng mừng mà lãnh đạo VFF đã xác nhận với người viết, trong khoảng 10 ngày tới, Liên đoàn sẽ sắp xếp để đón ông Gianni Infantino sang thăm Việt Nam.
Một ông “vua” của “thể thao vua” thế giới, sang thăm Việt Nam trong những ngày không khí xuân lẫn thành công của U23 Việt Nam còn tưng bừng, đấy là một sự kiện hết sức ý nghĩa. Rõ ràng, đấy là một bước tiến trong quan hệ đối ngoại của VFF, cần phải ghi nhận
Trong một thời gian dài, bóng đá Việt Nam vẫn thuộc “thế giới thứ ba”, chỉ là một chấm nhỏ xíu trên bản đồ bóng đá thế giới. Thậm chí, V-League, giải chuyên nghiệp của chúng ta, thi thoảng lại được các HLV, cầu thủ hàng đầu châu Âu, đưa ra làm điển hình chỉ trích những điểm xấu. Cứ mỗi lần như thế, người hâm mộ chân chính trong nước lại không khỏi xấu hổ.
Chúng ta rất ít khi được tiếp đón các đội bóng hàng đầu thế giới sang thăm và giao hữu, đấy cũng là sự thua kém so với nhiều nước ở Đông Nam Á. Quan chức FIFA ghé đến càng hiếm. Là thành viên của FIFA từ năm 1964, nhưng phải tới năm 1983, 19 năm sau, bóng đá Việt Nam mới được đón tiếp người có quyền lực cao nhất của bóng đá thế giới- Joao Havelange. Rồi 18 năm kế tiếp, năm 2001, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter mới đặt chân sang Việt Nam.Ngay tại sân bay, chính ông Blatter đã bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên trong 26 năm hoạt động ở FIFA tôi đến Việt Nam. Tôi cho rằng đây là đỉnh cao trong quan hệ giữa tôi và Việt Nam và tôi mong chờ những sự kiện đặc biệt sắp tới”.
Nên nhớ,đấy là thời điểm rằng giai đoạn 1 của dự án Goal bắt đầu từ năm 1999- một năm sau khi Blatter chiến thắng ngoạn mục trước ứng cử viên số 1 Johansson cho tới năm 2002, Việt Nam nằm trong hơn 10 nước được duyệt dự án với mức kinh phí 1 triệu USD trong 5 năm (mỗi năm 200.000USD) để phát triển bóng đá trẻ.
Ai đi sâu vào cuối phố Lý Văn Phức (Hà Nội), sẽ thấy một tòa nhà khá hoành tráng, vốn là trụ sở cũ của VFF, cũng do FIFA hỗ trợ, nằm trong dự án Goal Projec, khoản tiền 400.000USD giai đoạn 2001-2003. Giờ trụ sở VFF chuyển ra Mỹ Đình, không biết tòa nhà 18 Lý Văn Phức chuyển đổi công năng gì, có cho thuê như trước?
Năm 2008, Sepp Blatter lại xuất hiện trên dải đất chữ S. Ông sang Việt Nam để khánh thành sân cỏ nhân tạo thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ - cũng do FIFA tài trợ với số tiền tương đương 500.000 USD.
Nói dân dã, cứ Chủ tịch FIFA sang là thể nào VFF cũng “có thóc”!
Lần này, tiếp đón Gianni Infantino, chắc chắn VFF cũng kỳ vọng nhận được ủng hộ về tình cảm, đặc biệt vật chất, từ ông chủ của FIFA.
Thực ra, công tác đối ngoại của VFF dù giỏi đến mấy, bóng đá Việt Nam không có sự bùng nổ thành tích thì cũng rất khó để FIFA quan tâm, tôn trọng. Lâu nay, cũng như nhiều lĩnh vực khác, bóng đá ta thường có tâm lý đi “xin viện trợ”.
Trong vài năm qua, bóng đá Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, nhất là bóng đá trẻ. Đã có những chiến tích vang dội như giành quyền tham dự VCK FIFAU20 World Cup; U23 Việt Nam đoạt ngôi á quân châu Á; futsal Việt Nam vào vòng 1/8 giải FIFA futsal World Cup; bóng đá nữ bá chủ Đông Nam Á nhiều năm.
Cho nên, để vượt ngưỡng, VFF cần định hình tâm thế tự cường, phát triển nội lực, như tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trẻ, tăng cường tập huấn quốc tế, tái cấu trúc VFF về chất, củng cố niềm tin. Sau thành công của U23 Việt Nam càng chứng minh, Việt Nam có nhiều yếu tố, trong đó cả lợi thế vận động vật chất, để phát triển nền bóng đá thoát ra khỏi sự trì trệ trong thời gian quá dài. Thời điểm này, ngoài cảm hứng U23 phải duy trì, bóng đá Việt Nam rất cần chuyên gia, công nghệ ưu việt để phát triển thứ bóng đá chuyên nghiệp, chứ tiền chưa phải là tất cả.
Cuối cùng, VFF làm sao chuyển được thông điệp quan trọng nhất cho ngài Gianni Infantino biết: Khán giả Việt Nam rất tuyệt vời, chỉ bóng đá Việt là chưa đạt như mong muốn của người hâm mộ mà thôi!
Hữu Quý