Nhạc sĩ An Thuyên trong ký ức 'giận hờn' và yêu thương của người vợ hiền
(Thethaovanhoa.vn) - Sắp tròn 100 ngày mất của nhạc sĩ An Thuyên và trước sự yêu mến, chia sẻ của khán giả trong suốt thời gian qua, gia đình và những người bạn thân đã quyết định tưởng nhớ ông và tri ân khán giả bằng đêm nhạc Tan vào Hà Nội sẽ diễn ra vào 20h ngày 11/10/2015.
Vì thế, Tan vào Hà Nội ngay từ khi có ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều thế hệ ca sĩ như NSND Thu Hiền, NSƯT Tấn Minh, Mỹ Linh, Lan Anh, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Xuân Hảo…
Sắc màu của An Thuyên
Ca sĩ Bông Mai, đạo diễn chương trình cho biết, Tan vào Hà Nội sẽ được dàn dựng từ sự tuần hoàn ngũ hành với 5 màu sắc và 5 tính chất âm nhạc tương đồng: Màu xanh (Mộc) thể hiện về tuổi trẻ nhiệt huyết, màu trắng (Kim) của thành công trong sự nghiệp, màu xanh (Thủy) là tình yêu bình yên dành cho thiếu nhi, màu đỏ (Hỏa) thể hiện hoài bão không ngừng nghỉ.
Riêng màu vàng (Thổ) được chọn mở và kết chương trình. Đây là màu tượng trưng cho loài hoa cúc mà nhạc sĩ An Thuyên lúc sinh thời rất yêu thích và cũng là biểu thị cho quy luật sống “cát bụi lại trở về với cát bụi”.
Tan vào Hà Nội sẽ bán vé để gây quỹ An Thuyên – quỹ sẽ thực hiện các dự án âm nhạc đang dang dở của ông. Bao gồm: xuất bản cuốn sách nhạc dành tặng các nhạc sỹ lớn tuổi; Phát hành tổng tập nhạc thiếu nhi; Thành lập trại sáng tác dành cho những đơn vị, doanh nghiệp…
Tại đêm nhạc ở khu vực sảnh Nhà Hát Lớn, sẽ triển lãm các bản thảo viết tay các sáng tác như Ca dao em và tôi, Mẹ Việt Nam anh hùng… cùng với các tác phẩm nhiếp ảnh do chính nhạc sĩ An Thuyên bấm máy.
Tâm sự nhói lòng của người ở lại
Có lẽ trong gia đình nhạc sĩ An Thuyên lúc này, bà Huyền Lâm, vợ ông là người hụt hẫng nhất nhưng cũng là người mạnh mẽ làm điểm tựa cho các con. Trong câu chuyện bà kể về chồng mình, vừa là kỉ niệm, vừa là giận hờn cùng yêu thương.
Mặc dù yêu thương nhau đến độ không thể rời xa nhưng vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên, mỗi người “chiếm” một tầng nhà làm thế giới riêng. Lý do chỉ vì sinh hoạt của hai ông bà như “mặt trăng, mặt trời”: lúc bà ngủ thì ông thức. Về cơ bản, bà là người tính “động” còn ông tính “tĩnh”.
Cuộc sống hàng ngày đôi khi còn xoay quanh việc bà bắt ông ăn kiêng, còn ông không chịu, bà tắt đèn thì ông lại bật.
Ấy vậy nên giờ, bà ân hận nhất lại không phải là ông đi đột ngột quá, không trăng trối gì, bà cũng không được gặp ông lần cuối. “Ân hận là vì thời gian cuối, tôi hay giận ông ấy. Tôi bảo ngủ, ông ấy không ngủ, ông ấy đòi ăn đường, ăn mỡ thì mình lại không cho”.
Song, nhà giáo Huyền Lâm cũng khẳng định: “Cuộc sống gia đình chúng tôi yên ấm đến ngày hôm nay cũng chính nhờ có những lúc như thế. Người ta cứ nói để sống được với nhau thì mỗi người phải tự gọt rũa bản thân nhưng thực ra không phải. Mỗi người là một cá tính, với những sở thích khác nhau nên sống được với nhau là vì tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt đó.
Nếu theo quan niệm tướng số, tôi là phải vài lần đò. Vậy mà ở với ông ấy đến giờ này vẫn là một. Ông ấy bảo “may mà bà gặp tôi chứ gặp người khác, chắc cũng vài lần thật”. Còn người ta cứ hay hỏi xem tôi chăm sóc ông ấy như thế nào, tôi nói đùa mà là thật: “tôi giúp bằng cách là mặc kệ ông ấy đấy”.
Bà Huyền Lâm tiếp chuyện: “Có lẽ những phút lãng mạn của hai vợ chồng tôi lại không phải là khi cùng nhau ở nhà. Mà ở những chuyến đi công tác của ông ấy. Vì khi đó, ông ấy thường xuyên gọi điện về cho tôi. “Mẹ à, ba đang ở đây, ba đang đến chỗ này, ba đang làm cái này...” thường là câu mở đầu trong những cuộc điện thoại ông ấy gọi về cho tôi, tình cảm lắm!
Vì thế mà hôm qua, khi tôi đang ngủ bỗng có điện thoại, tôi giật mình. Có lẽ vì mình vẫn chưa quen và thực sự thời gian này tôi mới ngấm nỗi mất mát này hơn cả những ngày đầu khi vắng ông ấy. Giờ đây, đối diện với cuộc sống chỉ có một mình, tôi đau vì ông ấy không bao giờ về nữa” – bà Huyền Lâm chia sẻ trong nỗi nhớ thương người chồng tài hoa của mình.
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa