Jay-Z mở dịch vụ âm nhạc: Lấy của người nghèo chia cho người giàu
(Thethaovanhoa.vn) - Được các ngôi sao thượng thặng như Madonna và Beyonce ủng hộ, Jay-Z vừa lập dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Tidal, đối thủ trực tiếp của dịch vụ nhạc miễn phí Spotify. Tuy nhiên Tidal đã bị công chúng phản đối vì “thu tiền người nghèo mang cho các triệu phú”.
Jay-Z từng tuyên bố hơi tự cao rằng với khả năng kinh doanh và tiếp thị của mình, anh có thể bán cả lửa dưới địa ngục. Hôm 30/3, nghệ sĩ rap hàng đầu tiếp tục chứng tỏ quyền lực mình bằng cách ra mắt dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trả phí Tidal (nghĩa là “Thủy triều”).
Công chúng kêu trời vì phí "siêu đắt"
Jay-Z có sự hậu thuẫn từ các đồng nghiệp Madonna, Jack White, Kanye West, Rihanna, Beyoncé, Alicia Keys, Daft Punk, Chris Martin (trưởng ban nhạc Coldplay), những người giữ vai trò cổ đông của Tidal. Đây là một nỗ lực đầy tham vọng. Theo lời của Alicia Keys, Tidal sẽ mở ra “một kỷ nguyên hoàn toàn mới” trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Nhưng câu hỏi ở đây là kỷ nguyên mới dành cho ai? Tidal cung cấp cho người hâm mộ những bản ghi âm và video nhạc chất lượng cao, được tuyển chọn kỹ lưỡng, với giá dịch vụ không hề rẻ. Cụ thể, mỗi tháng người dùng phải trả 20 USD (khoảng 430.000 đồng) cho nội dung chất lượng cao và 10 USD (gần 216.000 đồng) cho nội dung có chất lượng trung bình.
Bằng cách cung cấp nhạc độc quyền của một số nghệ sĩ, Tidal rõ ràng đang nhắm vào các dịch vụ miễn phí như Spotify. Nghệ sĩ không được lợi lớn từ Spotify, như Taylor Swift đã nói khi “nghỉ chơi” với dịch vụ này hồi năm ngoái. Trong khi đó, Jay-Z mua nhạc với giá rất cạnh tranh, mỗi nghệ sĩ đều được tăng gấp đôi tiền bản quyền.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các ngôi sao ca nhạc hàng đầu thế giới tách hẳn khỏi các dịch vụ miễn phí và chỉ phát hành âm nhạc trả phí? Cả Rihanna và Kanye West đều sắp ra album mới, và điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ có một nơi duy nhất để nghe nhạc của họ?
Đó chính là điều khiến người hâm mộ không thể ngồi yên. Họ thường sử dụng công cụ trực tuyến để nghe những sản phẩm âm nhạc trước khi quyết định mua, hoặc không mua.
Ngay khi dịch vụ Tidal vừa ra mắt, công chúng đã ước lượng giá trị tài sản mỗi ngôi sao đang sở hữu, đều là những khoản tiền kếch xù. Cụ thể, Madonna có 800 triệu USD, Jay-Z 560 triệu, Beyonce 450 triệu, Usher 180 triệu, Rihanna 180 triệu, Kanye West 130 triệu, Chris Martin 90 triệu... Một người dùng Twitter với nick Edgar Rangel bình luận tếu: “Các nghệ sĩ này cần sự giúp đỡ của chúng ta. Họ đang gặp khó khăn tài chính”.
“Rất ít nghệ sĩ sẽ làm theo Taylor Swift”
Năm ngoái, khi rút nhạc khỏi Spotify và công khai tuyên chiến với dịch vụ miễn phí này, Taylor Swift dự báo sẽ có nhiều đồng nghiệp làm theo cô để bảo vệ quyền lợi của sức sáng tạo. Nhưng, khi Jay-Z cùng đồng nghiệp ra mắt Tidal theo ý tưởng này, anh lại vấp phải vô số phản đối.
Nhà phân tích âm nhạc James McQuivey nói với Wired: “Rất ít nghệ sĩ sẽ làm theo Taylor Swift và đặt cược tiền bạc của họ vào Tidal. Bởi thật không hợp lý khi từ bỏ doanh thu từ các nhà cung cấp khác, trong khi chờ đợi lượng người sử dụng Tidal tăng lên, đủ để thu lời”.
“Khó có thể quay lưng lại với khách hàng. Và thực sự, bạn muốn đặt tất cả trứng vào một giỏ mãi mãi sao?” – McQuivey cảnh báo các nghệ sĩ.
Một nền công nghiệp âm nhạc phát triển cần có nhiều “giỏ trứng”. Vài tuần trước đây, nghệ sĩ rap Kendrick Lamar phát hành album được đón đợi To Pimp A Butterfly. Album đã nhận được 9,6 triệu lượt nghe trên Spotify chỉ trong ngày đầu tiên. Điều đó có thể mang về thu nhập khoảng từ 921.000 USD đến hơn 1,2 triệu USD, còn vượt cả số tiền Lamar thu được sau khi bán 324.000 đĩa nhạc trong tuần đầu.
Nghe nhạc trực tuyến (streaming) hiện vẫn được xem là lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của âm nhạc. Nếu người dùng có thể nghe hầu hết nhạc họ thích trên YouTube, chỉ trừ một vài bài hát, thì họ sẽ không dại gì từ bỏ mạng xã hội này để dùng một dịch vụ phát nhạc "mới toe" và lại thu phí đắt đỏ như Tidal.
Hạ Huyền (theo Wired)
Thể thao & Văn hóa