'Bridge Of Spies', sự trở lại của quái kiệt Steven Spielberg
Cùng với Martin Scorsese, George Lucas, Woody Allen, Terrence Malick, và một vài tên tuổi khác, đạo diễn Steven Spielberg đã tạo nên một làn sóng tươi mới tại Hollywood trong những năm giữa thập niên 60 kéo dài đến thập kỷ 80.
Những người thổi luồng gió mới vào điện ảnh
Đây là khoảng thời gian điện ảnh Mỹ chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt nhà làm phim trẻ tài năng. Họ đã thổi một luồng gió mới vào ngành công nghiệp Hollywood, qua các bộ phim mang tính đột phá cả về nội dung, phong cách thực hiện. Điều quan trọng là nhóm nhà làm phim này đã thoát ra khỏi hệ thống của những hãng phim lớn tồn tại rất nhiều năm trước.
Do có kiến thức làm phim cực kỳ vững chắc, hiểu biết về văn hoá đại chúng sâu sắc nên hầu hết các tác phẩm của họ đều gần gũi với khán giả trẻ. Đề tài chủ yếu phản ánh được những biến động và suy nghĩ của người dân Mỹ.
Bên cạnh những tác phẩm mang tính phản kháng xã hội cao thì George Lucas, Steven Spielberg còn dám ứng dụng kỹ thuật làm phim mới vào trong các tác phẩm thuộc thời kỳ đầu của họ.
Điều này được thể hiện rất rõ thông qua hàng loạt bộ phim mang tính đột phá, nhưng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh, như Jaws (Hàm cá mập), Close Encounters of the Third Kind, Raider of the Lost Ark (Chiếc rương thánh tích), E.T hay THX 1138, Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), American Graffiti.
Đáng tiếc, thành công về mặt thương mại của những tác phẩm trên, dù mang lại luồng sinh khí mới cho Hollywood, đã khiến các nhà làm phim này phải trả giá rất đắt. Nhìn thấy khoản lợi nhuận khổng lồ, các tập đoàn truyền thông lớn đã nhẩy vào cuộc và mua lại nhiều hãng phim lớn. Sự tự do của giới làm phim, vì thế cũng mất đi ít nhiều.
Trải qua hơn 50 năm làm phim, chứng kiến vô số sự kiện, biến động tại Hollywood, có thể nói, Steven Spielberg là một trong những cánh chim đầu đàn, là bậc thầy để rất nhiều nhà làm phim trẻ noi theo. Ở ông là sự tổng hợp hài hoà giữa tính thương mại và chất lượng nghệ thuật. Hơn thế nữa, ông luôn luôn chọn những đề tài “khó nhằn” như nạn diệt chủng, nô lệ, chiến tranh, khủng bố, trí thông minh nhân tạo…
Sự tái hợp của hai nhân vật bậc thầy
Nếu như ở lĩnh vực đạo diễn, Steven Spielberg giống như bậc tiền bối thì ở lĩnh vực diễn xuất, Tom Hanks xứng đáng là một tượng đài cả về tài năng lẫn nhân cách tại Hollywood.
Bridge Of Spies là lần cộng tác thứ 5 của Steven Spielberg và Tom Hanks sau The Terminal, Catch Me You Can (Bắt tôi nếu có thể), Road to Perdition (Đường tới hoả ngục), Saving Private Ryan (Giải cứu bình nhì Ryan).
Bridge Of Spies lấy bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, giai đoạn cao trào của chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô cũ. Bộ phim xoay quanh nhân vật luật sư James Donovan (Tom Hanks), người vô tình trở thành chìa khoá hoá giải cuộc chiến giữa hai nước.
Mặc dù xuất thân là luật sư bảo hiểm, có ít kinh nghiệm về các vụ án hình sự, James Donovan lại được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) lựa chọn và giao nhiệm vụ an ninh vô cùng quan trọng. Đó là cuộc đàm phán trao trả tù binh, sau sự kiện chiếc máy bay U-2 của quân đội Mỹ bị bắn rơi tại Liên Xô.
Kịch bản Bridge Of Spies, dựa trên sự kiện rơi máy bay U-2 có thật trong lịch sử, nhưng được ba nhà biên kịch Ethan, Joel Coen và Matt Charman thêm thắt tình tiết để trở nên hấp dẫn hơn. Như thế, Bridge Of Spies hội tụ những thành phần xuất sắc nhất, từ đạo diễn, biên kịch đến dàn diễn viên.
Vì bối cảnh phim trải rộng trên rất nhiều quốc gia nên quá trình sản xuất phim rất phức tạp. Sau khi quay xong tại New York, cả đoàn tiếp tục di chuyển tới Berlin và Potsdam (Đức), rồi bay sang Wrocław (Ba Lan). Những phân đoạn cuối cùng của bộ phim được hoàn thành tại căn cứ quân sự Beale gần Marysville, California.
Bridge Of Spies dự kiến sẽ được hãng Walt Disney tung ra vào ngày 16/10 tới đây tại Bắc Mỹ. Trong khi đó, hãng 20th Century Fox sẽ chịu trách nhiệm phát hành tại các thị trường còn lại trên thế giới.
Trailer phim Bridge Of Spies:
BXH 10 phim ăn khách nhất Bắc Mỹ tuần qua: |
Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa