'Born To Run' của Bruce Springsteen: Trốn chạy khỏi cảnh sống mòn
(Thethaovanhoa.vn) - Vào thời điểm sự nghiệp vừa chớm nở đã có dấu hiệu vụt tắt, chàng thanh niên 24 tuổi Bruce Springsteen đã nhắm tới mục tiêu viết một ca khúc rock’n’roll vĩ đại nhất từ trước tới nay như chiếc phao cứu cánh.
Nhưng Born To Run không chỉ cứu được cả sự nghiệp của Springsteen, nó còn đi vào hàng bất hủ như bức tranh khắc họa thực tại mù mờ của nước Mỹ thập niên 1970.
Springsteen mất tới 6 tháng để viết Born To Run nhưng ngay trong tuần phát hành, nó đã giúp anh chàng lôi thôi nhạt nhòa tới từ New Jersey lên thẳng trang bìa tạp chí Newsweek và Time.
Chất liệu từ cuộc sống
Vào thời điểm trước khi phát hành Born To Run, Springsteen thật sự cần thay đổi. Mặc dù được hãng đĩa Columbia quảng bá rầm rộ, hai album đầu của anh, Greetings From Asbury Park, N.J. và The Wild, The InnocentAnd The E Street Shufffle, đều có doanh thu thảm hại. Và dù ban nhạc của anh E Street Band hầu như sống trong phòng thu âm hay đi lưu diễn nhưng số tiền họ kiếm được hầu như không đủ sống. Hãng đĩa đã nghĩ tới việc gạt bỏ anh cùng ban nhạc.
Nhận thấy cần phải làm một cú đột phá, vào cuối năm 1974, Mike Appel, quản lý của Springsteen, đã tung một đoạn ngắn Born To Run cho một số DJ. Trong vài tuần, nó đã trở thành hit ngầm. Thanh niên đổ xô tới các cửa hàng băng đĩa để tìm bản thu của một đĩa đơn mới chưa tồn tại, và các đài phát thanh không nằm trong danh sách phân phối của Appel đã đua nhau yêu cầu ông tung album mới, một album cũng chưa hề tồn tại.
Ở Philadelphia, nhu cầu về ca khúc mạnh tới mức WFIL, đài 40 AM hàng đầu ở thành phố, đã phải lên sóng nó nhiều lần trong ngày! Giữa tầng lớp lao động ở Cleveland, DJ Kid Leo chơi ca khúc như nhạc tôn giáo vào đúng 5h55 mỗi chiều thứ Sáu trên WMMS, cho tới khi ca khúc chính thức phát hành.
Pha trộn đầy năng lượng giữa kèn, keyboards, guitar và bộ gõ, Born To Run là bản ballad vô cùng cuốn hút về khao khát giải thoát, chứa đầy những vấn đề mà tầng lớp lao động lập tức nhận ra. Chất liệu của nó lấy từ chính cuộc đời Springsteen, tuy mới bắt đầu nhưng đã nhiều phiền muộn.
Hồi tưởng lại những năm thành niên ở Freehold, New Jersey, Springsteen có lần miêu tả về căn nhà anh lớn lên là một “nhà 2 tầng, 2 căn, đổ nát, ngay cạnh trạm xăng”. Có một số nhà máy sản xuất ở đó -3M, Nescafé, nhà máy sản xuất thảm hay giấy - nhưng vào thời hậu chiến, thành phố cũng giống như nhiều khu đô thị trung bình khác, đang chết dần. “Một kiểu khu vực thật sự bảo thủ. Trì trệ vô cùng. Có một vài nhà máy, vài trang trại hay kiểu vậy. Nếu không học lên đại học thì coi như kết thúc tại đây. Thật sự không có gì nhiều” - Springsteen chia sẻ năm 1984.
Bố anh là người lao động chân tay và ít nhiều cay đắng. Springsteen không bao giờ quên chuyện mẹ anh đã phải cố gắng thế nào để kiếm cho con cây guitar đầu tiên hay bố anh ghét nghe anh chơi đàn ra sao. Anh nói bố từng bật vòi gas trong nhà bếp, nằm dưới buồng ngủ của anh để đuổi anh ra ngoài.
Nhà đã chẳng phải nơi vui vẻ nhưng trường học cũng vậy. Bản chất là một kẻ cô độc, anh sống không để lại dấu ấn gì mấy. Ở trường trung học Freehold, anh không chơi thể thao, không tham gia các hoạt động ngoại khóa và thậm chí chẳng cố tỏ ra vui vẻ. Ngay cả tiếng xấu cũng không có! Một người bạn cùng lớp sau này nhớ lại: “Nếu anh ta không trở thành Bruce Springsteen thì sao tôi nhớ được anh ta? Thật không thể nghĩ ra được. Không có cây đàn trong tay, anh ta hoàn toàn không có gì để nói”.
Niềm đam mê duy nhất của Springsteen là âm nhạc. Anh tham gia vào ban nhạc đầu tiên của mình, the Castilles, khi vẫn đang học trung học. Thành công nhỏ lẻ sớm đến, tạo sức bật để Springsteen bắt đầu những ngày lang thang khắp nhiều vùng miền. Sống trong những căn hộ tồi tàn, anh đã sáng tác ra hàng trăm ca khúc mang hình ảnh phong phú về cuộc sống của tầng lớp lao động. Không được học hành bài bản, nhưng với đam mê và quyết tâm, anh dần trở thành bậc thầy về câu chữ, thấu hiểu nỗi lòng của hàng triệu người đang cố gắng tìm lối thoát trong thập niên 1970 đầy khó khăn.
Động lực giải thoát
Thập niên 1970 là thời kỳ trừng phạt đối với tầng lớp lao động Mỹ. Một sự kết hợp bạo tàn giữa cú sốc cung cấp hàng hóa, chính sách tiền tệ lỏng lẻo và thâm hụt liên bang - hiệu ứng nôn nao từ sau chiến tranh Việt Nam - gây ra cả tỷ lệ lạm phát lẫn thất nghiệp cao ngất, mà các nhà kinh tế gọi là “lạm phát đình đốn”, làm gián đoạn 1/4 thế kỷ của tăng trưởng và thịnh vượng.
Cùng với những thách thức này, nhiều công việc công nghiệp được trả lương cao từng giúp công nhân cổ xanh vươn lên hàng ngũ trung lưu bắt đầu biến mất. Những nơi từng là thành phố công nghiệp hưng thịnh dần thành đống đổ nát, như quê nhà Springsteeen.
Trong những dòng đầu tiên của Born To Run, Springsteen đã nhắc tới 1 trong những phép ẩn dụ yêu thích của mình: Ô tô như một động cơ để thoát khỏi những ngõ cụt chồng chéo và nỗi thất vọng dường như đang kìm hãm người Mỹ trẻ, thuộc tầng lớp lao động. Những giấc mơ Mỹ tan vỡ, những thành quách sụp đổ, “Chúng ta phải thoát ra khi còn trẻ” là lời nhấn mạnh trong Born To Run.
Giữa thập niên 1970, Springsteen được biết tới rộng rãi như là “nhà thơ của rock’n’roll”, người đã nhìn đám đông qua lại trên đường phố, quan sát những kẻ móc túi, những người đẩy xe, nếm mùi những cô gái buông thả nhưng vẫn giữ mình xa khỏi những rắc rối. Tất cả đều được đưa vào âm nhạc, biến anh thành “con chuột cống đáng khen ngợi tới từ thành phố nghỉ mát đang chết dần chết mòn New Jersey”, như báo chí miêu tả. Nhưng không chỉ hát về thực tại thối nát, nhạc của Springsteen là sự tái sinh, luôn có hy vọng và nỗ lực vượt qua khốn khó. Một sự đổi mới của rock.
- 'Letter To You' của Bruce Springsteen: Âm nhạc như một sự cứu rỗi
- Bruce Springsteen lần đầu trình diễn ở Nam Phi
Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ cuối cùng cũng đoàn kết lại dưới ngọn cờ của E Street Band để nổi dậy chống lại nhạc pop ủy mị kiểu Donny Osmond, The Bee Gees, Chicago, America, Elton John, và The Carpenters, tất cả những cái tên thống trị BXH đầu thập niên 1970.
Kết hợp các yếu tố của jazz, funk, motown và rhythm and blues, các hóa thân khác nhau của ban nhạc Springsteen - Child, Steel Mill, Dr. Zoom and the Sonic Boom, The Bruce Springsteen Band và cuối cùng, The E Street Band - ngày càng thu hút sự chú ý rộng rãi của những người đàn ông, phụ nữ tới từ các gia đình cổ xanh thường lui tới sân khấu âm nhạc bờ biển Jersey, những người nhận thấy âm nhạc thịnh hành không phù hợp với tuổi trẻ của họ. Họ, những người hứng chịu nhiều cú sốc về kinh tế và văn hóa của thập kỷ, tìm thấy ở Springsteen sự đồng cảm, và cả động lực giải thoát.
Ngày nay, theo nhiều cách, có thể nói rằng nước Mỹ đang ở trong thập kỷ tương đối thịnh vượng. Trung tâm thành phố Freehold đã khôi phục được vẻ đẹp lộng lẫy ban đầu. Tuy nhiên, Born To Run không phải vì vậy mà mất đi tính thời sự, nhất là giữa đại dịch Covid-19.
“Này, đừng nhầm lẫn nghệ sĩ với nghệ thuật. Các ca khúc có nghĩa này khi tôi viết chúng và lại mang nghĩa khác với tôi bây giờ. Và chúng có thể lại mang nghĩa khác nữa với mọi người. Mọi người nên thưởng thức nó theo cách riêng của mình” - Springsteen nói. Thật vậy, mhững người bị số phận thử thách luôn có thể học tập Springsteen trong Born To Run: Cùng nhau, ta có thể phá vỡ gọng kìm và chạy thẳng tới tương lai tươi sáng hơn.
Ca khúc “Born To Run” của Bruce Springsteen:
Đôi nét về ca khúc “Born To Run” Born To Run là đĩa đơn chủ đề trong album cùng tên của Bruce Springsteen, phát hành ngày 25/8/1975. Vào thời điểm ra mắt, nó được Billboard ca ngợi là “một trong những thánh ca rock hay nhất từng được tạo ra về tự do cá nhân”, là “ca khúc quái vật với cách hòa âm phối khí đa tầng”. Ngày nay, Born To Run được Rolling Stone xếp thứ 21 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại, được Đại sảnh Danh vọng rock and roll đưa vào danh sách 500 ca khúc định hình rock and roll. |
Thư Vĩ