30 năm ngày mất của Bob Marley - Bị lu mờ ở chính quê nhà...
(TT&VH) - Hôm 11/5, người hâm mộ dòng nhạc reggae đã kỷ niệm 30 năm ngày mất của Bob Marley - siêu sao âm nhạc quốc tế đầu tiên của Thế giới thứ 3, người qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 11/5/1981 ở tuổi 36.
Di sản âm nhạc của Bob Marley ít nhiều đã bị lu mờ khi mà giờ đây thanh niên Jamaica thích tới vũ trường hơn là nghe nhạc reggae.
Tuy nhiên, Marley vẫn là một nhân vật được thần tượng hóa. Nhiều người hâm mộ đã tới bảo tàng Bob Marley ở thủ đô Kingston của Jamaica, nơi Marley từng sống và cho ra đời rất nhiều ca khúc.
Bên cạnh đó còn có các tour hằng ngày tới ngôi làng Nine Mile ở giáo xứ nông thôn Saint Ann, nơi Marley cất tiếng khóc chào đời vào tháng 2/1945 và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của ông.
Thầm lặng ở Jamaica
Sinh năm 1945, Marley nổi danh toàn cầu với những ca khúc ăn khách như Get Up, Stand Up và No Woman, No Cry. Phần ca từ trong các nhạc phẩm của ông thường nói về sự công bằng xã hội và sự hòa hợp. Chính điều đó dã khiến Marley trở thành thần tượng ở các nước đang phát triển. Mặc dù hình ảnh của ông vẫn xuất hiện trong nhiều sản phẩm, như giày, áo phông…, thế nhưng ở quê hương, di sản của Marley đang bị lu mờ dần.
Tổ chức Marley, đơn vị giám sát di sản của ca sĩ, cho biết không có một sự kiện lớn nào được tổ chức nhân 30 năm ngày mất của ông, mà chỉ có những hoạt động tưởng nhớ ông một cách thầm lặng. Còn âm nhạc của Marley, người đã giới thiệu nhạc reggae tới khán giả quốc tế, giờ chỉ còn được phát trên đài phát thanh bản địa. Thông điệp của ông không tới được với thanh niên Jamaica ngày nay. Những ca khúc hay của Marley như Three Little Birds và One Love lại không được ưa chuộng bằng những nhạc phẩm như Exodus hay The Heathen.
Reggae là thể loại nhạc được phát triển đầu tiên tại Jamaica vào cuối thập niên 1960. Mặc dù từ này thường dùng để chỉ nhiều thể loại nhạc của Jamaica nhưng thuật ngữ reggae thật ra dùng để chỉ một phong cách âm nhạc riêng biệt được hình thành trên sự phát triển của loại nhạc ska và rocksteady
Trong khi đó, căn nhà của Marley ở thị trấn Trench, khu người da đen ở gần thủ đô Kingston, nơi đã truyền cảm hứng cho Marley sáng tác những ca khúc đáng nhớ nhất trong thời gian ông sống ở đây từ những năm 1960, cũng chỉ đón được rất ít khách tham quan. Căn nhà này hiện vẫn còn chiếc xe tải Volkswagen mà Marley từng dùng để đi bán đĩa nhạc của mình và chiếc giường ngủ của ca sĩ.
Vẫn được công chúng thế giới ngưỡng mộ
Tuy nhiên, người nghệ sĩ này vẫn được công chúng nước ngoài nhớ đến. Marley từng trình diễn ở Bỉ 2 lần. Theo Brice DePasse, một nhà báo làm việc tại đài truyền hình Nostalgie, thì chương trình hòa nhạc của Marley đã để tại một dấu ấn không phai mờ. “Marley đã trở nên nổi tiếng ở Bỉ kể từ khi ông trình diễn lần đầu tiên ở đây vào năm 1977. Từ đó đến nay không có ngày nào thiếu âm nhạc của ông” - DePasse cho biết.
David 'Ziggy' Marley, con trai của Bob Marley, trong ngày khai mạc |
Còn Yuya Furukawa (29 tuổi), là một người hâm mộ đến từ Kumamoto, Nhật Bản, cho biết: “Ở Nhật, Marley giống như một vị thần”.
Sau khi Bob Marley (1945 – 1981) qua đời, ảnh của ông được in trên tem thư Jamaica. Năm 1994, Bob Marley đã được vinh danh tại “Rock and Roll Hall of Fame”. Năm 2001, ông được truy tặng giải Grammy thành tựu trọn đời và một ngôi sao trên Đại lộ Hollywood. Bob Marley luôn có mặt trong “Danh sách 50 nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại” của tạp chí Billboard.
Trong khi đó, bảo tàng Grammy ở Mỹ đang tổ chức triển lãm các kỷ vật của Marley. Và có lẽ kỷ vật có ý nghĩa nhất trong triển lãm này là chiếc đàn guitar đầu tiên của Marley, cây đàn màu gụ hiệu Gibson Les Paul.
Các nhà tổ chức triển lãm cho biết cây đàn này được mượn từ bộ sưu tập của bảo tàng Bob Marley ở Kingston, Jamaica. “Đó là “đứa con” của ông. Là “vũ khí” của ông và là vật gần gũi với ông nhất trên sân khấu cũng như ngoài sân khấu. Cây đàn gỗ này có dính cả mồ hôi của Marley” - Ziggy Marley, con trai của Bob Marley và cũng là một ngôi sao của dòng reggae - cho hay và còn cho biết anh từng chơi cây đàn này trên sân khấu cho đến khi có ý kiến cho rằng nó nên được đặt trong bảo tàng.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày chiếc áo khoác bằng vải bông chéo màu xanh da trời có hình thêu mà Marley từng mặc cũng như nhiều bức ảnh, các áp-phích hòa nhạc...
Roger Steffens, một sử gia về Marley đồng thời là người nghiên cứu về dòng nhạc reggae, khẳng định âm nhạc của Marley vẫn sống “bởi những gì mà ca sĩ hát vẫn phù hợp với thực tế của chúng ta hiện nay”.
Bảng xếp hạng Billboard 1.21 (Adele) |
Việt Lâm