Giải Ngoại hạng Anh và sự bối rối của người xem Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ quán cà phê tuần này trò chuyện cùng với một bình luận viên bóng đá trên truyền hình. Họ lý giải cuộc cạnh tranh bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh giữa các đài và khả năng người Việt sẽ không được xem Ngoại hạng Anh nữa.
- Vén màn bí mật đấu thầu bản quyền giải Ngoại hạng Anh: Không cho 'liên danh', không có giá sàn
- Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh
+ Bình luận viên: Đó mới chính là cạnh tranh thị trường. Tất cả cùng nhau ngồi lại, rồi ép giá lại người nắm giữ bản quyền không phải nguyên tắc hoạt động của cơ chế thị trường. Mà cũng không làm nổi điều đó. Bên bán bản quyền không ai chấp thuận việc bán cho một người rồi sau đó phân chia ra cho những người khác. Chúng ta cũng tưởng tượng là bản quyền nếu không bán được giá cao thì cũng phải bán giá rẻ, vì như thế còn hơn là bỏ đấy mà không kiếm được đồng nào.
Nhưng tưởng tượng như thế là không đúng. Như bản quyền Champions League, họ phân chia ra làm nhiều gói, có gói gồm những trận đấu chất lượng với các CLB hàng đầu, có gói gồm những trận đấu ít hấp dẫn hơn. Họ hiện mới chỉ có khách hàng là Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), nhưng cũng không cho đài này phát sóng những trận cầu đinh. Nguyên tắc của họ là anh mua được gói nào, anh chỉ phát các trận tương ứng. Họ sẵn sàng cất bản quyền trong kho.
+ Nhưng giá bản quyền đã tăng chóng mặt. Từ 900.000 USD cho 2 mùa 2002-03 và 2003-04, cho đến 2 triệu USD trong 3 mùa từ 2004 đến 2007, giá bản quyền tiếp tục tăng phi mã lên mức 4 triệu USD từ mùa 2007 – 2010, 13 triệu USD từ mùa 2010 – 2013 và mới nhất là 35 triệu USD cho 3 mùa từ 2013 – 2016. Và số tiền trả tiền dịch vụ truyền hình của mỗi người xem cũng tăng. Những ai dùng dịch vụ VTVcab đã phải trả gần gấp đôi so với khoảng chục năm trước. Một người dùng VTVcab lại muốn xem thêm các kênh K+ có độc quyền Giải Ngoại hạng Anh hiện tại phải trả một tháng là 310 ngàn đồng.
Giá bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam tăng theo cấp số nhân
- Anh sẽ đúng nếu như cả thế giới đứng im còn Việt Nam lại tăng. Giai đoạn 1992-1997, bản quyền giải đấu này chỉ hơn 200 triệu USD, rồi cán mốc 1 tỉ USD vào giai đoạn 1997-2000, và nay là khoảng 7,5 tỉ bảng Anh, tức là khoảng 11-12 tỉ USD. Ở Mỹ, cách đây ba năm, Fox Sports kết thúc gói hợp đồng bản quyền ba năm của họ thì NBC Sports nhảy vào mua với giá khoảng 250 triệu USD/3mùa. Và nay thì NBC Sports phải trả 1 tỉ USD cho 6 mùa. Tức là tăng khoảng gấp đôi. Nhưng anh đừng nghĩ là Ngoại hạng Anh chỉ bóc lột thế giới. Họ còn bóc lột chính các đài truyền hình Anh. Sky Sports và BTC Sports phải cùng nhau bỏ ra 5,1 tỉ bảng để mua bản quyền trong ba mùa tới. Tức là việc giá bản quyền Ngoại hạng Anh tăng ở Việt Nam là nằm trong xu hướng tất yếu chung.
+ Nhưng tôi sợ là nó đã vượt quá sức của các đài và khả năng chi trả của người xem ở Việt Nam.
- Truyền hình ở Việt Nam đắt hay rẻ vẫn là một sự tranh cãi. Tôi muốn lấy một ví dụ ở Mỹ, nơi mà một gia đình bốn người có mức thu nhập hàng tháng khoảng 6 ngàn USD được xếp vào diện trung lưu, thì tiền truyền hình họ phải trả một tháng vào khoảng 50-90 USD. Tức là vào khoảng gần 1 – 1,5%. Tỉ lệ này cũng tương đương với Việt Nam nếu chúng ta tính rằng thu nhập bình quân của một gia đình ở thành phố là 20 triệu đồng/tháng. Nếu tăng giá nữa thì tỉ lệ để dành một phần thu nhập để nuôi truyền hình của người Việt sẽ cao hơn. Nhưng vấn đề là chi tiêu của người Việt là vô cùng. Một bữa nhậu có thể trả đủ tiền truyền hình cho một năm.
+ Vậy là viễn cảnh không có giải ngoại hạng Anh trên truyền hình Việt Nam là không nhỏ.
- Tôi cho rằng vẫn có ngoại hạng Anh trên truyền hình Việt, nhưng chưa chắc sẽ là những trận hay nhất.
+ Như thế cũng không phải điều mà mọi người chờ đợi. Liệu quảng cáo có thể bù đắp được chi phí mua bản quyền không?
- Với chi phí 35 triệu USD cho ba mùa bản quyền truyền hình mà K+ đã bỏ ra trong thời gian qua. Tính bình quân, mỗi vòng họ truyền hình trực tiếp được khoảng 8 trận, và như vậy, chi phí bản quyền mỗi trận là 35 ngàn USD. Nguồn thu bù đắp lại của K+ là tiền thuê bao hàng tháng, nhưng sẽ là lý tưởng nếu như có quảng cáo. Tiếc rằng không chỉ K+ mà các đài khác nhau cùng gặp khó khăn trong việc gọi quảng cáo cho các chương trình bóng đá. Đây là một nghịch lý thực sự. Việt Nam là quốc gia có nhiều người cuồng nhiệt vì bóng đá, nhưng quảng cáo lại chỉ đổ vào mấy chương trình gameshow và ngay cả các bộ phim Hàn Quốc sướt mướt cả chục năm qua chưa thay đổi mô típ cũng hút quảng cáo. Sky Sports có chi phí bản quyền một trận lớn gấp 300 lần K+ nhưng họ biến nó thành con gà đẻ trứng vàng. Ngay cả các kênh truyền hình Thái Lan, họ trả gấp tám lần chúng ta và chưa bao giờ sợ lỗ.
+ Nhưng là người dân, tôi cảm thấy bối rối vì phải lắp đặt hàng loạt hệ thống truyền hình khác nhau nếu muốn xem đủ các giải bóng đá hàng đầu và các môn thể thao yêu thích.
- Đây là bất cập thực sự, và lỗi không phải của các nhà đài. Trong khi ở Mỹ, có khoảng 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và họ phân chia theo vùng để tiếp cận thị trường. Và bốn nhà cung cấp này có đầy đủ các kênh cơ bản cũng như kênh thể thao phổ biến. Người xem không quan trọng là bản quyền thuộc về CBS, Fox Sports, NBC Sports hay BeinSports, vì cuối cùng tất cả các kênh ấy đều có trên hệ thống cáp hay kỹ thuật số nhà họ cả. Chỉ quan trọng là các đài cạnh tranh tìm quảng cáo và đẩy giá bán kênh của mình cho các hệ thống lên mà thôi.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần