Giải mã cái chết yểu của 'Pan'
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ thu 40,5 triệu USD sau tuần đầu ra mắt, bom tấn Pan (Pan và vùng đất Neverland) với kinh phí sản xuất lên tới 150 triệu USD, đang đứng trước nguy cơ bị biến thành “quả bom xịt” lớn nhất mọi thời.
Về phần mình hãng phim Warner Bros đối mặt với câu hỏi, rằng họ đã sai ở đâu? Trang AV Club đã thay Warner Bros đưa ra câu trả lời, khi phân tích các nguyên nhân quan trọng nhất khiến Pan, bộ phim được đầu tư với nhiều ngôi sao, có cảnh quay tại nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, lại không thành công dù đã đi theo đúng công thức giúp ăn khách.
Ý tưởng vàng, hóa ra vàng giả
Điện ảnh hiện nay rất ưu ái các phần tiếp theo và làm lại. Chọn một câu chuyện kinh điển được nhiều thế hệ yêu thích, biến hóa nó thành một thế giới sống động trên màn ảnh là cách nhanh nhất để mang về thành công ở phòng vé. Công thức này đã được chứng minh hiệu quả hết lần này đến lần khác.
Không phải mọi bộ phim đều kể tiếp từ đoạn kết thúc của phim trước đó. Để đổi mới, phần trước (prequel) ra đời và cũng trở thành một thế lực phòng vé bên cạnh phần tiếp theo (sequel). Nghĩ ra phần trước của một chuyện quen thuộc (Peter Pan chẳng hạn) là công việc đòi hỏi trí sáng tạo, cho nhà sản xuất “giấy phép sáng tạo” để chơi đùa với các nhân vật.
Khi Warner Bros chọn sản xuất Pan, kể về khoảng thời gian trước khi câu chuyện kinh điển trong Peter Pan diễn ra, nhiều người nghĩ họ có một ý tưởng vàng. Nhưng khi sản phẩm ra đời, có vẻ như đó lại chỉ là vàng giả.
Doanh thu của Pan trong tuần đầu tiên không tệ như John Carter, quả bom xịt lớn nhất năm 2012 của Disney, nhưng cũng đủ đẩy Pan đến bờ vực thất bại vì tuần đầu tiên luôn là tuần quyết định với mọi bộ phim bom tấn.
Giờ đây, câu hỏi lớn nhất với Warner Bros là tại sao? Có phải người ta đã chán câu chuyện Peter Pan? Hay đơn giản là chẳng còn gì để kể về Peter Pan vì người ta đã kể hết rồi?
Câu trả lời ở đây vượt ra ngoài cả chất liệu gốc của bộ phim. Pan kể về Peter (Levi Miller đóng), một cậu bé bị mẹ bỏ rơi phải sống ở trại trẻ mồ côi. Cậu cùng người bạn thân nhất ăn cắp thức ăn ở người quản lý trại trẻ để chia cho các bạn. Trong lúc đó, cậu tìm thấy bức thư của người mẹ Mary nhắn nhủ rằng hai mẹ con sẽ gặp lại nhau “ở thế giới này hoặc một thế giới khác”.
Vì bị phát hiện ăn cắp, Peter bị bắt và đưa đến Neverland, một vương quốc huyền bí tồn tại xuyên không gian và thời gian. Tại đó, cậu phải làm nô lệ cho tên thuyền trưởng Blackbeard (Hugh Jackman), kết bạn với James Hook (Garrett Hedlund), chính là thuyền trưởng Hook - kẻ thù chính của Peter Pan sau này.
“Vĩ đại do số phận”
Trong bài phê bình chấm cho Pan số điểm thấp C+, trang AV Club đưa ra một nhận định sắc sảo về nguyên nhân thất bại của bộ phim.
Trong đó, Peter là “người được chọn”, là cậu bé biết bay trong lời nguyền sẽ gây ra cái chết của thuyền trưởng Blackbeard, chính là người sẽ cứu Neverland một lần và mãi mãi. Đó là mô típ vô cùng quen thuộc trong các bộ truyện dành cho giới trẻ.
Nhân vật chính mang một sứ mệnh bí mật được thừa hưởng từ thế hệ trước. Ví dụ thành công nhất của mô típ này là Harry Potter, Twilight, Divergent. Mặc dù vậy, trong Harry Potter, J.K. Rowling vẫn tạo ra một tập thể đủ mạnh để dẫn dắt và hỗ trợ Harry Potter vượt qua những thử thách sống còn. Nhưng trong Pan, mô típ này lại được thể hiện theo lối cũ mòn.
Theo AV Club, Pan theo đuổi công thức “người được chọn” mà không bận tâm đến việc xây dựng một nền tảng vững mạnh hỗ trợ cho người anh hùng đó. Ý tưởng này làm nên những nhân vật chính “sinh ra và kế thừa sứ mệnh anh hùng”, được ấn định để trở thành vĩ đại. Đó là điều mọi thiếu niên đều muốn nghe nói về mình, khi họ đang hoang mang và không chắc chắn về bản thân.
Trong những lần trước, công thức này vẫn thành công. Nhưng lần này, công chúng cho thấy nếu phải nghe nhiều quá một thông điệp, họ sẽ phát ngán. Nhất là khi nhà sản xuất cố lồng mô típ này vào chất liệu gốc quá quen thuộc là Peter Pan.
Rõ ràng, thất bại của Pan khiến Hollywood phải tính toán đến một sự thay đổi.
Trailer phim Pan:
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa