Giải bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần: Giải quyết khó khăn trước mắt
Sau thời gian dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn và nghĩ đến giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến tháng 5/2022, số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đã có dấu hiệu giảm, song không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ về chính sách nhân văn này của Đảng, Nhà nước. Phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chùm 3 bài viết về vấn đề này.
Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để làm thủ tục rút bảo hiểm một lần. Nguyên nhân được người lao động lý giải là do cần tiền trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt cũng như họ chưa thực sự đồng tình với chính sách bảo hiểm xã hội.
Xếp hàng rút bảo hiểm xã hội một lần
Có mặt từ rất sớm tại Bảo hiểm Xã hội thành phố Thủ Đức xếp hàng để chờ làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, anh Nguyễn Ngọc Trai (công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 1, trọ ở thành phố Thủ Đức) cho biết, anh đã xếp hàng đến ngày thứ 2 nhưng vẫn chưa được gọi tên vì người đến rút bảo hiểm xã hội quá đông. Anh Trai kể, sau khi nghỉ việc trở về quê hơn nửa năm để tránh dịch, anh trở lại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc. Anh đã nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. “Dù mình có thâm niên, tay nghề nhưng nhiều nơi từ chối vì tuổi cao, nơi nhận lại yêu cầu phải học việc lại từ đầu, lương rất thấp. Trước mắt, để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình, mình buộc phải tính đến phương án rút bảo hiểm xã hội một lần vì tiền tích lũy đã cạn rồi”, anh Trai chia sẻ.
Cũng thất nghiệp ở tuổi ngoài 40, anh Lê Đức Tuấn (công nhân ở Khu Công nghiệp Tân Bình) cho rằng mình không còn cơ hội xin việc ở các doanh nghiệp tư nhân bởi đi đâu cũng bị “chê” già. Đọc thông tin trên mạng về việc tuổi hưởng lương hưu tăng, tiền lương hưu không đủ sống, anh Tuấn rất băn khoăn. Suy nghĩ mãi, cuối cùng, anh Tuấn đã đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi hưởng hết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tương tự, chị Trần Thị Thanh Thảo (ngụ Quận 7) cũng quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần sau hơn 1 năm nghỉ việc để tạo vốn làm ăn cũng coi như là đảm bảo “lương hưu” sau này, nếu may mắn hơn còn có đồng ra đồng vào lo cho gia đình, con cái.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn Thành phố có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thông tin từ Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần ở nữ giới là trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút bảo hiểm xã hội một lần phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20-30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài Nhà nước.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 3 và tháng 4/2022, người lao động từ các tỉnh, thành quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm rất lớn. Do chưa xin được việc làm, đời sống của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn và nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Giải quyết khó khăn trước mắt
Theo các chuyên gia lao động - việc làm, người lao động có nhiều lý do để rút bảo hiểm xã hội một lần khi hội đủ điều kiện. Dưới tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ mất việc tăng cao, thời gian nghỉ dịch kéo dài khiến cho nhiều người tiêu sạch số tiền tích lũy. Sau khi dịch qua đi, có người về quê với ruộng đồng, có người quay trở lại thị trường lao động nhưng không có tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt, vì thế họ nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. “Hơn 10 năm tham gia bảo hiểm xã hội, nếu rút một lần, tôi cũng được gần 100 triệu đồng, không nhiều nhưng cũng có thể lo cái ăn cái mặc hàng ngày trong khi chờ công việc mới”, chị Minh Hòa, công nhân tại một khu công nghiệp đóng trên địa bàn quận Tân Bình cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần là khi một số người quyết định chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do và không tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động đến từ tỉnh khác làm việc thì do ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ chọn hưởng bảo hiểm hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Nhiều người chọn giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần để làm vốn, tìm sinh kế mưu sinh…
- Sớm gỡ vướng thủ tục để F0 được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội
- Tạo thuận lợi cho người lao động F0 điều trị tại nhà hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Cảnh báo hiện tượng nhắn tin mạo danh Bảo hiểm xã hội để lừa đảo
Cùng chung quan điểm, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đời sống của nhiều người lao động tại Thành phố gặp khó khăn, nhất là công nhân lao động ngoài tỉnh, không có người thân quen, phải đi ở trọ, ở mướn. Vì thế, rút bảo hiểm xã hội một lần được cho là “cứu cánh” khẩn cấp để họ chi tiêu trước mắt cho bản thân và gia đình. Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế của người lao động lúc về già cũng như khi ốm đau bệnh tật… Đây là giải pháp cho hoàn cảnh hiện tại của người lao động; là do quá khó khăn, thiếu trước, hụt sau kéo dài từ khi dịch bệnh đến thời bão giá hiện tại.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, phần lớn người lao động có xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần sau một năm không tham gia bảo hiểm xã hội ở khu vực tư nhân. Ở khu vực Nhà nước, có thể do tính chất công việc ổn định nên trường hợp người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần không phổ biến.
Đinh Hằng – Thanh Vũ/TTXVN