A+ A A- Kiểu đọc sách

Tạo thuận lợi cho người lao động F0 điều trị tại nhà hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

14:27 10/03/2022
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với số lượng người mắc mới COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng, hiện có hàng trăm ngàn người đang có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Bộ Y tế đề xuất cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Bộ Y tế đề xuất cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Bộ Y tế đã đề xuất, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Lý do là theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị COVID-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã cấp. Họ không thể sử dụng giấy này để thực hiện các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ gồm Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp, Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp, Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp, Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng  bảo hiểm xã hội do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà, Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung, Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến, có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, để Bảo hiểm xã hội căn cứ vào đó làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19.

Trong trường hợp không ban hành nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ nêu trên vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế).

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn đã trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN về quan điểm của Bảo hiểm xã hội đối với đề xuất của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

* Thưa ông, nhiều người lao động đang cảm thấy phiền hà khi tốn nhiều thời gian để xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, vậy Bảo hiểm xã hội Việt Nam có ý kiến gì về vấn đề này?

- Chúng tôi đã sớm nhận diện được vấn đề và đã có văn bản gửi Bộ Y tế từ tháng 6/2021 – khi dịch bùng phát ở Bắc Giang và sau đó là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tại các địa phương có tình trạng F0 điều trị tại nhà không được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; điều trị tại các bệnh viện dã chiến thì không được cấp Giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, nên cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán cho người lao động.

Thực tế ngay sau đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0 để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm xã hội. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có 5 văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi cho người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, phải chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo tôi được biết, Bộ Y tế cũng vừa có tờ trình gửi Chính phủ để sửa đổi các quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, trong đó có vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.

* Bộ Y tế có đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam như thế nào, thưa ông? Liệu đã đủ để tạo điều kiện cho người lao động chưa?

-  Tôi cho rằng, về cơ bản các loại giấy tờ này đã đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy là muộn, nhưng Bộ Y tế cũng đã có những bước cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết chế độ cho người lao động. Một số đề xuất, kiến nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Bộ Y tế tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 56.

Quan điểm của chúng tôi luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội lên hàng đầu. Quốc hội, Chính phủ đã có các nghị quyết, chúng ta làm việc này là vì người lao động, chi cho người lao động, không có động cơ cá nhân, thì cải cách hành chính vì người lao động là tất yếu, cần triển khai kịp thời. Lúc người lao động cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ Quỹ bảo hiểm xã hội mà họ có đóng góp, thì phải nhanh chóng chi trả, để họ tháo gỡ những khó khăn trước mắt trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nâng cao hiệu quả điều trị F0 tại nhà. Ảnh: TTXVN

* Từ phía cơ quan thực thi chính sách, còn điều gì khiến ông băn khoăn?

- Với 7 loại giấy tờ này, Bộ Y tế cần hướng dẫn thêm. Ví dụ như F0 điều trị tại nhà, có xét nghiệm của cơ sở y tế, nhưng điều trị từ ngày nào đến ngày nào, bao nhiêu ngày, thì lại không có thông tin. Như vậy, Bộ Y tế phải đưa ra số ngày điều trị bình quân để Bảo hiểm xã hội áp dụng thanh toán. Chẳng hạn, trạm y tế xác nhận là bệnh nhân F0, nhưng chỉ xác nhận ngày đầu, ngày kết thúc điều trị không thể xác định chính xác được, do vậy nên đưa ra một mức trung bình. Số ngày điều trị bình quân cũng tùy thuộc vào trạng thái người bệnh đã tiêm mấy mũi, từng mắc COVID-19 hay chưa, người tiêm 2 mũi vaccine khác với người đã tiêm 3 mũi…

Đây là điều tôi băn khoăn nhất. Để xác định số ngày điều trị, cần có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, mà cụ thể ở đây là ngành y tế.

* Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết chế độ cho người lao động, thưa ông?

- Về phía ngành Bảo hiểm xã hội, chúng tôi đã sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất cho người lao động bị F0. Chúng tôi chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi thông tư được ban hành.

Tôi cũng mong báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, đề nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân thì khẩn trương mở tài khoản để khi thông tư hướng dẫn được ban hành, Bảo hiểm xã hội chuyển thẳng tiền vào tài khoản, coi như bỏ tiền vào túi của bệnh nhân, không qua chủ sử dụng lao động. Như vậy sẽ rất nhanh, giống như việc chi trả tiền hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa qua.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân/TTXVN (thực hiện)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...