Ca sĩ Tân Nhàn: 'Trở về' với truyền thống để cống hiến
(Thethaovanhoa.vn) - Từ sau album Yếm đào xuống phố được đề cử vào hạng mục Album của năm ở mùa Cống hiến lần 9-2014 đến nay, ca sĩ Tân Nhàn vẫn luôn có nhiều hoạt động nghệ thuật nổi bật với nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng. Chỉ tính riêng năm 2019, Tân Nhàn đã đánh dấu sự bứt phá của mình trên con đường âm nhạc khi tổ chức thành công hai liveshow Trở về và Tứ ân.
Liveshow Trở về vừa đoạt giải Chương trình của năm - Giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020 của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
“Trở về” với âm nhạc truyền thống
Chỉ cần nghe qua tên gọi của chương trình đã thấy sự hàm chứa ý nghĩa trở về với nguồn cội văn hóa dân tộc, với quê hương, với gia đình, đồng thời là cơ hội để Tân Nhàn tôn vinh những làn điệu dân gian như xẩm, chèo, chầu văn, quan họ… Cô kéo khán giả lại gần hơn với nhạc truyền thống, với những gì là cốt lõi của âm nhạc Việt Nam.
- Giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020: 'Giải thưởng lớn', 'giấc mơ' đã thành sự thật
- Lần đầu tiên Giải Âm nhạc Cống hiến có 'poker'
Nhiều ý kiến cho rằng Tân Nhàn đã “mạo hiểm” khi “khoác tấm áo mới” cho âm nhạc truyền thống trên nền nhạc jazz với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng. Sự mạo hiểm ấy đã được Tân Nhàn “thử” trong album Yếm đào xuống phố (2013). Không ai có thể ngờ được rằng, jazz với phong cách âm nhạc mang nhiều tính ngẫu hứng lại có thể kết hợp được với chèo - một thể loại có tính khuôn mẫu, khó phá cách. Nhưng “thật bất ngờ”, cách làm này của Tân Nhàn và ê-kíp đã nâng tầm những tác phẩm tưởng như chỉ phù hợp với những chiếu đình, hay sân khấu nhỏ lên một tầm cao mới. Các bài trong Yếm đào xuống phố hay trong liveshow Trở về đều được giữ nguyên gốc, tính khuôn mẫu của âm nhạc truyền thống, nhưng vẫn thấy được sự “biến hóa” trong tính ngẫu hứng, tự do của Jazz được phối rất khéo trong đó.
Thực ra, cách làm này của Tân Nhàn nếu so với thế giới không có gì mới mẻ. Hay như ở Việt Nam, trước đây, nghệ sĩ Nguyên Lê đã từng thực hiện dự án Nguồn cội, nhạc sĩ Quốc Trung với album Đường xa vạn dặm, hay cách đây hai năm, NSƯT Đăng Dương cũng đã làm nức lòng khán giả cũng như giới chuyên môn bằng một “bữa tiệc âm nhạc ngon mà lạ" mang tên Mặt trời của tôi cũng bằng việc “khoác áo mới” cho các tác phẩm dân ca theo phong cách mới a cappella, acoustic, tiêu biểu như các bài Xe chỉ luồn kim, Qua cầu gió bay, Bèo dạt mây trôi, Gió đánh đò đưa, Trống cơm…
Mùa giải Cống hiến lần thứ 13-2018, NSƯT Đăng Dương đã được xướng tên ở hạng mục giải Chương trình của năm chính là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của anh, phá bỏ đi quan niệm đã mặc định trong suy nghĩ của nhiều khán giả bấy nay khi họ cho rằng anh chỉ thành công và hát tốt các ca khúc nhạc đỏ, nhạc chính thống.
Với Tân Nhàn cũng vậy, “cuộc chơi” của cô với âm nhạc truyền thống cũng đã từng gây ra ít nhiều tranh cãi, nhưng vượt qua tất cả, Tân Nhàn vẫn “đi ngược dòng định kiến” để thỏa mãn đam mê, đi tìm lại các giá trị cũ, bảo tồn và phát triển nó trong đời sống đương đại bằng những hoạt động, dự án nghiêm túc.
Và cũng giống như NSƯT Đăng Dương, những nỗ lực của Tân Nhàn đã được đền đáp xứng đáng khi được vinh danh ở hạng mục Chương trình của năm với liveshow Trở về.
Tiếp tục cống hiến vì âm nhạc truyền thống
Thực ra, nhìn vào đời sống âm nhạc nước nhà những năm trở lại đây, việc tự đổi mới trong phong cách âm nhạc bằng việc quay lại với âm nhạc truyền thống hay khai thác cả những điển cố văn học, ca dao tục ngữ dân gian đưa vào các sản phẩm âm nhạc đã được nhiều nghệ sĩ thực hiện, mang lại hiệu ứng tốt đối với khán giả.
Theo Tân Nhàn, “đó là một điều rất đáng mừng vì nó chứng minh một điều: thị hiếu giữa cung và cầu đã có sự thay đổi, các giá trị của âm nhạc truyền thống đã được lan tỏa nhiều hơn đến công chúng. Thêm nữa, nó cũng chứng minh âm nhạc Việt Nam không hề đi xuống mà đang rất phát triển…”.
* Và Tân Nhàn có nghĩ âm nhạc Việt Nam đã tiệm cận và hòa nhập với âm nhạc thế giới?
- Nhàn nghĩ âm nhạc Việt Nam đang tiệm cận và hòa nhập với âm nhạc thế giới rồi. Chẳng hạn, Nhàn thấy những tác phẩm âm nhạc của Sơn Tùng M-TP rất gần với những sản phẩm của các ngôi sao thế giới. Điều đó là rất đáng mừng bởi nó cho thấy những nghệ sĩ trẻ ở ta hiện nay đã, đang và còn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, chịu đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc của mình. Và những sản phẩm âm nhạc sử dụng các chất liệu âm nhạc truyền thống mang định hướng quốc tế nếu có nhiều hơn nữa thì đó là điều rất đáng mừng cho đời sống âm nhạc Việt Nam.
* Nhưng để tận dụng, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam cho những sản phẩm âm nhạc phù hợp với đời sống đương đại, Tân Nhàn có phải “tầm sư học đạo” từ các nghệ nhân dân gian?
- Về thanh nhạc, Nhàn đã được học nhiều rồi, nhưng ở lĩnh vực âm nhạc truyền thống thì Nhàn còn rất non nớt. Thế nên, từ sau khi phát hành album Yếm đào xuống phố (2013) được đề cử vào hạng mục Album của năm của giải Âm nhạc Cống hiến lần 9-2014 đến nay, Nhàn đã không ngừng học hỏi từ các nghệ nhân và coi đó là việc rất quan trọng. Nhàn học rất nhiều, từ hát văn, hát xẩm, hát chèo cho đến quan họ… và thật may mắn, dù hơi muộn nhưng Nhàn cũng đã gặp và học được rất nhiều từ các nghệ nhân giỏi của Việt Nam…
* Ngoài học cho mình, được biết Tân Nhàn với tư cách là tiến sỹ âm nhạc, Phó trưởng khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) còn sưu tầm, nghiên cứu và thu âm những làn điệu âm nhạc truyền thống để làm một bộ “giáo án tham khảo” dành cho sinh viên thanh nhạc?
- Đúng vậy! Nhàn đang làm và làm trong nhiều năm, làm từng phần nhỏ một. Trước mắt Nhàn đang đi sưu tầm một số làn điệu và chính Nhàn sẽ hát, ghi thành một chương trình dù là sơ lược thôi nhưng đó sẽ là tài liệu tham khảo cho các sinh viên Khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và biết đâu sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các sinh viên các trường nghệ thuật khác trong cả nước. Với cương vị là một “người đưa đò” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhàn luôn muốn để lại một “di sản” cụ thể để như là cách lan tỏa tình yêu đến các thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống của dân tộc.
* Đó là việc lâu dài. Còn sắp tới đây, nghe nói Tân Nhàn tiếp tục sản xuất đĩa than về nhạc truyền thống trên nền nhạc jazz?
- Đó là một đĩa than toàn những bài cũ được phối lại theo phong cách mới, cả phần hát và nhạc được thu âm analog có độ phân giải cao, chiều lòng những đôi tai khó tính nhất. Mục đích của Nhàn khi bắt tay vào dự án này là mong muốn không chỉ người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế sẽ được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc một cách mới mẻ trên nền nhạc jazz cũng như giao hưởng về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
* Hiện nay, cả thế giới đang đối mặt với dịch Covid-19, các sự kiện văn hóa giải trí ở tây cho đến ta đều đóng băng… Tân Nhàn vượt qua khó khăn này như thế nào?
- Nhàn không phải là một nghệ sĩ sáng, trưa, chiều tối đi “chạy sô” nên dịp này cũng không khác gì là dịp nghỉ Tết kéo dài của Nhàn thôi. Và với Nhàn, mỗi kỳ nghỉ đều rất tuyệt vời. Chỉ có điều kỳ nghỉ này nó hơi buồn vì dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề, làm khổ rất nhiều người nói chung. Và với Nhàn, kỳ nghỉ này là kỳ có nhiều thời gian nhất để Nhàn tập trung vào nghiên cứu, đầu tư cho chuyên môn hơn và tái tạo năng lượng, chuẩn bị cống hiến cho những sản phẩm âm nhạc trong tương lai.
Nhàn mong rằng dịch sẽ qua nhanh, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, nền kinh tế lại khởi sắc. Vì kinh tế có phát triển thì đời sống người dân mới ấm no và âm nhạc cũng mới phát triển được!
* Tân Nhàn nghĩ sao về tinh thần “chống dịch như chống giặc” của người Việt, đặc biệt là của các nghệ sĩ?
- Có thể nói bằng ba từ: Rất tuyệt vời! Tinh thần “chống dịch như chống giặc” từ các cấp lãnh đạo cho đến những người dân, trong đó có các văn nghệ sĩ.
Mọi người đã rất đoàn kết, có ít ủng hộ ít, có nhiều ủng hộ nhiều và qua thông tin của báo chí, tôi được biết, các nghệ sĩ của chúng ta đã ủng hộ tiền, vật chất cho việc phòng chống dịch bệnh không hề thua kém các nghệ sĩ quốc tế. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, chứng minh cho bạn bè thế giới thấy rằng Việt Nam là đất nước an toàn, đáng sống ngay cả trong lúc dịch bệnh đang leo thang như thế này!
* Cảm ơn Tân Nhàn về cuộc trò chuyện!
Phạm Huy (thực hiện)