'Giấc mơ trưa' cho người lao động
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội và một số khu vực vừa trải qua những đợt nắng nóng kinh hoàng. Thực tế, năm 2019 cũng được dự báo là năm kỷ lục về nắng nóng.
Qua những đợt nắng nóng như vậy, chúng ta thấy rằng, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động ngoài trời đang là một vấn đề rất cần được quan tâm, chia sẻ. Việc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội tổ chức thí điểm dùng xe buýt lưu động có điều hòa mát mẻ làm chỗ trú nắng cho người lao động là một minh chứng…
Theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, các MC vẫn thường khuyến cáo rằng nếu như bạn không có việc phải ra ngoài thì tốt nhất nên ở trong nhà vì thời tiết 39 - 40 độ C gây ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe.
Đúng là trong điều kiện thời tiết như vậy thì nên hạn chế ra ngoài đường. Nhưng với những người bán hàng rong, lái xe ôm, công nhân làm tại các công trường… thì sao? Sau khi phải phơi mình dưới cái nắng nóng thiêu đốt thì việc tìm cho mình một chỗ nghỉ ngơi, để có “giấc mơ trưa” hồi phục sức khỏe cho công việc buổi chiều là không hề dễ dàng.
Kinh nghiệm chống nắng nóng từ những bác xe ôm, những chị bán hàng rong là: phải mặc áo khoác dài tay, áo dày càng tốt, để hạn chế mất nước, mặc kín cơ thể từ đầu đến chân, đeo khẩu trang nhúng nước ẩm, đội mũ hoặc nón che kín đầu, trùm vai và gáy. Luôn mang theo một chiếc khăn mặt, khi cần có thể rửa mặt, làm mát đầu giúp tỉnh táo hơn. Có sẵn một tấm ni-lông vuông dùng để nằm nghỉ trưa.
Tôi nhớ thời kỳ chúng tôi còn lắp đặt thiết bị máy tại một số công trình gần Hồ Tây. Buổi trưa trong công trường nhếch nhác, bụi bặm cho nên mấy anh em thường ra ngoài ăn cơm rồi sau đó đi tìm chỗ để nghỉ ngơi. Những khu vực sát hồ, có bóng cây, có bãi cỏ là địa điểm chúng tôi chọn. Mấy anh em khóa xe cẩn thận rồi trải tấm ni-lông cùng nhau ngả lưng, quần áo bảo hộ che kín chân tay, mũ bảo hộ lao động dùng để che mặt khỏi bị chói nắng… Làm được một giấc tỉnh dậy thấy khỏe hơn, đỡ mệt hơn hẳn.
Nhiều hôm chúng tôi gặp những tốp ba, bốn chị bán hàng rong, buổi trưa cũng tụ họp về đấy. Các chị ngả nón, trải giấy báo ra ăn cơm, chia nhau chai nước mát rồi cũng chụm xe đạp vào, khóa dây bánh trước và tranh thủ nằm nghỉ. Có người dựa vào gốc cây, úp cái nón che mặt. Một số người khác thì quây xe xung quanh, căng miếng ni-lông lên trên, để che bớt ánh sáng rồi tranh thủ chợp mắt sau nhiều giờ đạp xe rong ruổi bán hàng.
Với những ngày có mưa, buổi trưa mệt hơn vì hầu như không được ngủ, có chỗ ngồi trú không bị ướt là tốt lắm rồi. Chúng tôi khi đó phải ngồi quán cóc vỉa hè, uống trà đá, tranh thủ dựa lưng vào tường gà gật. Còn những người bán hàng rong, các bác xe ôm thường hay tìm đến các nhà chờ của xe buýt, những khu vực gầm cầu vượt hoặc là những vỉa hè có mái hiên ven đường tránh mưa. Có chị nhiều hôm không có chỗ trú buộc phải mặc áo mưa, dựng xe đứng sát vào vỉa hè chờ mưa ngớt.
***
Có cách nào để giúp cho những người lao động ngoài trời có được chỗ tạm trú nắng mưa buổi trưa, để họ không còn phải vạ vật nằm nghỉ nơi công viên, vỉa hè hay là quanh các khu vực vườn hoa, hồ - những nơi hiếm hoi có được không khí dễ chịu trong những ngày nóng nực, oi bức?
Hội Chữ thập đỏ Hà Nội mới đây đã tổ chức thí điểm dùng xe buýt lưu động kết hợp với dựng các nhà bạt làm điểm nghỉ ngơi, hỗ trợ y tế cho người lao động ngoài trời. Theo đó, từ 9h đến 14h mỗi ngày, những chiếc xe lưu động sẽ đi đến những điểm tập trung đông người lao động cho họ một chỗ nghỉ ngơi, tránh nóng và hồi phục sức khỏe để tiếp tục làm việc. Điểm tránh nóng trong xe buýt được bật điều hòa mát mẻ, những người lao động ngoài trời và người dân đi qua có thể dừng chân, vào nghỉ ngơi uống nước.
Được biết ở Hà Nội hiện có 3 điểm tránh nóng miễn phí đặt tại những khu vực bị ảnh hưởng lớn của thời tiết và tập trung nhiều người lao động ngoài trời trong các đợt nắng nóng cao điểm.
Sắp tới đây, dự án tiếp tục thử nghiệm mở rộng thêm điểm tránh nóng tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).
Đây là việc làm tuy không thể giúp được quá nhiều người, nhưng rất ý nghĩa. Những điểm tránh nóng lưu động trong ngày này ví như bóng mây, như cơn gió mát lành, làm tỉnh cả người giữa cái nóng oi bức khiến người ta sắp lả đi vì mệt. Những ai từng phải lao động ngoài trời mới thấm thía hết điều này.
William Arthur Ward - một nhà giáo dục Mỹ - đã nói rằng: Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác và chia sẻ cùng người khác.
Hãy cùng nhau lan tỏa những việc làm như thế để chuyện nghỉ trưa của những người lao động ngoài trời trở thành “giấc mơ có thật” trong những ngày thời tiết mưa, nắng khắc nghiệt.
Xuân An