'Giấc mơ Mỹ' ở đâu?
(Thethaovanhoa.vn) - Khởi chiếu từ ngày 8/12, sau hơn một tuần trụ rạp, đến nay có thể nói Giấc mơ Mỹ đã cầm chắc phần... thất bại, vì lời tạm biệt các cụm rạp đang hiển diện rõ ràng. Theo dự kiến, ngày 18/12 CGV chỉ chiếu còn 5 suất cho toàn hệ thống, Galaxy còn 25 suất, BHD còn 9 suất - đây là một “kỷ lục” nhanh chóng vắng khách mà khó có phim Việt nào so kè cho kịp.
Với kinh nghiệm của nhiều phim truyền hình và chiếu rạp như Cô lái taxi, Nữ võ sĩ, Xin lỗi tình yêu, Tôi là ngôi sao… Hồng Ngân đã hoàn thành sứ mệnh về khía cạnh sản xuất. Nhưng về nội dung kịch bản, diễn xuất và chất lượng của câu chuyện phim thì đúng là thảm họa.
Trả lời Thế giới điện ảnh, Hồng Ngân cho biết “chỉ muốn đem đến điều mà điện ảnh Việt Nam chưa làm đó là khai thác yếu tố phim quay 80% tại Mỹ và quay với bối cảnh thật”. Thế nhưng xem xong phim này, hóa ra phải đặt tên là Giấc mơ Việt mới đúng, vì quay 80% ở Mỹ nhưng các nhân vật chính chủ yếu mơ về Việt Nam.
Hoàng Linh (Mai Thu Huyền thủ vai) và chồng Thế Vinh (Bình Minh) là những bác sĩ giỏi, rất thành công tại Việt Nam. Một lần Hoàng Linh bị hãm hại, làm chết bệnh nhân trong khi phẫu thuật, bị buộc thôi việc, còn chồng thì ngoại tình với đồng nghiệp, họ ly dị rồi chuyển qua Mỹ sống.
Trên đất Mỹ, họ sống bằng nghề bỏ báo, nghề làm móng tay móng chân, nhưng Hoàng Linh vẫn học tiếp đại học y khoa. Suốt quá trình sống ở Mỹ, cả hai chỉ nghĩ về Việt Nam chữa bệnh, sau khi lấy bằng thì Hoàng Linh về Việt Nam làm bác sĩ tại bệnh viện cũ. Thế Vinh vì bệnh nan y qua đời, nên không về kịp. Vậy thì giấc mơ Mỹ ở đâu?
Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay là một thách thức lớn không chỉ với ngành y khoa, mà còn mọi ngành nghề khác. Có khi giỏi toán tại Việt Nam thì phải đi Mỹ làm, nhưng giỏi y khoa tại Mỹ lại qua Việt Nam hoặc đi các nước khác làm việc. Vài năm trở lại đây, mặc dù sinh viên trong nước đi Mỹ du học rất nhiều, nhưng giới âm nhạc, phim ảnh Việt kiều, gốc Việt thì lại về Việt Nam để làm việc. Vì vậy, giấc mơ Mỹ hiện tại đã khác 5-10 năm trước rất nhiều, không đơn thuần là chuyện dị biệt văn hóa, pháp luật.
“Tôi có hai phiên bản cho kịch bản Giấc mơ Mỹ, một cho phim truyện truyền hình dài tập, một cho điện ảnh. Tôi vẫn thích điện ảnh hơn” - Davina Hồng Ngân trả lời báo Sài Gòn giải phóng. Xem xong phim, cái cảm giác “rút gọn” truyền hình thành phim chiếu rạp rõ ràng nhất ở khía cạnh minh họa, có quá nhiều thứ, nhưng ít thứ rõ nét.
Phim là một sự ngẫu nhiên đến phi lý, Hoàng Linh và Thế Vinh ly dị, mỗi người mỗi ngả, nhưng sang Mỹ lại gặp nhau ngay khi cần. Bất cứ ý tưởng nào kịch bản có, là phim có hình để minh họa, mà thường là minh họa cho có, nên nhiều cảnh “tung” mà không “hứng”, trôi tuốt tuồn tuột.
Chính vì muốn thơ mộng hóa, thanh cao hóa một chuyện tình ngang trái mà đạo diễn bất chấp những tình huống phi lý để kể. Ví dụ một chàng trai bỏ báo không nhà cửa, phải ngủ trên xe giữa mùa tuyết rơi như Thế Vinh, nhưng khi cần là có thể thu xếp cả một dự án y khoa thiện nguyện quốc tế. Đường dẫn cho chuyện này không hề có, chỉ có ý chí của đạo diễn là rõ ràng.
Trong quá trình truyền thông, phim được nhấn nhá với tít phụ là “Một tuyệt tác nhân văn”. Điều này cũng là một thất vọng lớn với người xem. Vì tổng hòa mọi khía cạnh, Giấc mơ Mỹ chưa thể là một phim trung bình, với thang điểm 10, thì chắc chắn phim này phải… thi lại.
Văn Bảy