Giá vàng thế giới hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp
Giá vàng thế giới hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp nhờ sự hỗ trợ từ các biện pháp kích thích của Trung Quốc và hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, giá bạc cũng vượt mốc 30 USD/ounce chạm mức cao nhất trong 11 năm.
Khoảng 0 giờ 45 phút sáng ngày 18/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,5% lên 2.412,83 USD/ounce, áp sát mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce ghi nhận được trong phiên 12/4. Giá vàng giao ngay đã tăng hơn 2% kể từ tuần này tính đến thời điểm hiện tại.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,3% lên 2.417,40 USD/ounce.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Bart Melek tại ngân hàng đầu tư TD Securities cho biết giá vàng đang tăng cao bất chấp đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng. Điều này có thể do các biện pháp kích thích của Trung Quốc đã hỗ trợ vì các kim loại cơ bản khác cũng đang hoạt động rất tốt.
Thị trường kim loại quý đã đi lên sau khi Trung Quốc, nước tiêu thụ chính kim loại công nghiệp và vàng, thông báo các biện pháp chưa từng có để ổn định lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng. Giá bất động sản giảm và các chỉ số vĩ mô khác có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Theo ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư Pinpoint Asset Management, khả năng Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong quý II/2024 đang tăng lên.
Nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều. Trong đó, thị trường bất động sản nợ nần chồng chất, tiêu dùng tăng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao đặc biệt trong giới trẻ là những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt. Số liệu chính thức cho thấy giá bán và doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc tiếp tục trượt dốc trong tháng Tư, gây thêm áp lực lên lĩnh vực đang ngập trong nợ nần này.
Chuyên gia Melek cho rằng cuối cùng vàng cũng đang phản ứng với thông tin lạm phát của Mỹ có thể đang được kiểm soát. Theo đó, các cuộc thảo luận về việc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài đang giảm dần.
Các nhà giao dịch dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng hai lần trong năm 2024, đợt cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 11/2024. Lãi suất thấp hơn có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng thế giới đã bất ngờ đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 13/5 do hoạt động bán ra chốt lời, khi các nhà đầu tư chờ đợi các số liệu lạm phát để tìm manh mối về đợt cắt giảm lãi suất tại Mỹ trong năm nay.
Chiến lược gia Phillip Streible tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures nhận định một số nhà đầu tư đã rời khỏi thị trường vàng trước khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu về tình hình kinh tế và Mỹ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng trở lại trong phiên 14/5 khi lạm phát tại Mỹ vẫn cao. Sang đến phiên 15/5, giá vàng thế giới áp sát mức cao nhất trong một tháng do đồng USD yếu và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thấp.
Chuyên gia Phillip Streible tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures, cho biết, số liệu CPI có thể là dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ hạ nhiệt theo thời gian và Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 4/2024 sau khi tăng 0,4% trong tháng 3/2024 và tháng 2/2024, cho thấy lạm phát tiếp tục xu hướng giảm vào đầu quý II/2024 nhằm thúc đẩy kỳ vọng của thị trường tài chính về việc Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Các nhà kinh tế được hãng tin Reuters thăm dò dự báo CPI của Mỹ sẽ tăng 0,4% trong tháng 5/2024.
Bước sang phiên 16/5, giá vàng giảm nhẹ do đồng USD phục hồi, mặc dù nhiều dấu hiệu lạm phát giảm tại Mỹ đã củng cố hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay và giúp giữ kim loại quý này gần mức đỉnh của một tháng.
Đồng USD đã tăng 0,2% so với các đồng tiền khác sau khi chạm mức thấp của nhiều tháng trong phiên trước đó do dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4/2024. Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff tại chuyên trang về thị trường vàng thế giới Kitco Metals cho biết thị trường vàng đang chứng kiến một số áp lực chốt lời từ các nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn sau những đợt tăng gần đây, trong khi Chỉ số đồng USD mạnh hơn hôm nay cũng đang gia tăng áp lực đó.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay đã tăng vọt 4,8% lên 31,02 USD/ounce sau khi vượt qua mức kháng cự quan trọng là 30 USD/ounce. Lần gần nhất giá bạc chạm mức giá 30 USD là vào đầu năm 2021.
Chuyên gia Melek cho hay bất cứ khi nào Trung Quốc đưa ra những biện pháp kích thích, điều đó đều có lợi cho thị trường bạch kim. Giá bạch kim đã tăng 2,3% lên 1.081,37 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất trong một năm hôm 16/5. Giá kim loại quý này đã tăng 9% trong tuần này do tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu vẫn tiếp diễn.
Ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) cho biết chủ đề "năm của kim loại quý" vẫn đang thu hút được nhiều sự quan tâm trong những tuần gần đây, đặc biệt là đối với vàng, bạc và đồng.
Ngân hàng BNP Paribas nói rằng giá bạc thậm chí có thể thú vị hơn vàng. Ngoài ra, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư ROTH Capital Partners (Mỹ) dự đoán giá vàng và bạc sẽ tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Chiến lược gia kỹ thuật JC O'Hara tại ROTH Capital Partners, cho biết giá vàng "có vẻ như sẽ đi lên và vượt qua mức cao gần đây được thiết lập trong tháng 4/2024. Ông dự đoán giá vàng có thể leo lên 2.600 USD/ounce. Đối với bạc, ông O'Hara cho biết nếu giá kim loại quý này có thể vượt qua mốc 30 USD/ounce, nó có thể tiến tới mức 35-37 USD/ounce.
Vàng, thường được coi là tài sản "trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn tài chính, đã có xu hướng đi lên kể từ cuối năm 2022 bất chấp lãi suất cao và đồng USD tương đối mạnh.
Giá vàng, giống như bạc, có xu hướng đi ngược với lãi suất. Môi trường lãi suất cao hơn thường làm giảm nhu cầu đối với vàng và bạc vì các kim loại quý này không sinh lời, điều đó khiến chúng kém hấp dẫn hơn so với các khoản đầu tư có lãi suất, như trái phiếu.
Theo các chuyên gia ngành, hoạt động đầu tư vàng tại Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn tích cực trong vài quý tới nhờ nhu cầu tăng, kinh tế phục hồi và việc ngân hàng trung ương liên tục mua vàng.
Ông Wang Lixin, Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tại Trung Quốc, cho biết sức hấp dẫn của vàng dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, nhờ chính sách tiền tệ trong nước thận trọng và lãi suất thấp hơn. Điều này sẽ giúp giảm thêm chi phí đầu tư vàng và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các lựa chọn tích trữ tài sản khác như kim loại quý.
WGC cho biết việc các ngân hàng trung ương mua vàng, một xu hướng bắt đầu từ năm 2022, đã góp phần hơn nữa vào đà tăng này, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu hoạt động mua vào vàng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) tiếp tục chuỗi mua vàng khi bổ sung 57 tấn vào dự trữ vàng trong quý đầu tiên, đánh dấu tháng tăng thứ 17 liên tiếp. Việc tích lũy chiến lược này đã đẩy lượng vàng nắm giữ của Trung Quốc lên 2.262 tấn trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, tiêu thụ vàng của nước này tăng 5,94% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2024, với lượng tiêu thụ kim loại quý lên tới 308,91 tấn.