Giá vàng hôm nay: Vàng trong nước tăng cao, thế giới phá kỷ lục
Giá vàng đã đạt tới kỷ lục mới trong phiên 2/4 khi các nhà đầu tư mua vào tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông ngày càng gia tăng.
Giá vàng trong nước
Giá vàng các thương hiệu trong nước được điều chỉnh tăng giá mua với mức tăng cao nhất là 400.000 đồng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 79,3 triệu đồng/lượng mua vào và 81,32 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 700.000 đồng giá mua và 200.000 đồng giá bán.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 78,6 triệu đồng/lượng mua vào và 81,1 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá mua và giá bán vàng Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 79,1 triệu đồng/lượng và 81,05 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng giá mua và 350.000 đồng giá bán.
Giá vàng Vietinbank ở mức 79,3 triệu đồng/lượng mua vào và 81,32 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng giá mua và 200.000 đồng giá bán. Vàng miếng thương hiệu PNJ đang mua vào mức 79,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 81,2 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng giá mua và 400.000 đồng giá bán.
Giá vàng chinh phục kỷ lục mới trong phiên 2/4
Vàng đã đạt tới kỷ lục mới trong phiên 2/4 khi các nhà đầu tư mua vào tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông ngày càng gia tăng. Thị trường phần lớn "phớt lờ" việc đồng USD tăng mạnh và đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Khoảng 1 giờ 07 phút sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.268,44 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 2.276,89 USD/ounce trong phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,1% lên 2.281,8 USD/ounce.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại TD Securities nhận thấy có một số nhu cầu đối với tài sản an toàn khi căng thẳng tại Trung Đông ngày càng leo thang.
Trong khi đó, chuyên gia Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết ngoài sức mua vàng từ các ngân hàng bán lẻ và ngân hàng trung ương, các nhà đầu cơ cũng đang theo đà mua vào sau khi vàng phá mốc trên 2.200 USD/ounce.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố tăng giá đã khiến giá vàng tăng gần 10% từ đầu năm 2024 đến nay.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman nhận định điều khiến sự tăng giá của vàng trở nên bất thường là nó diễn ra bất chấp những trở ngại truyền thống như đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, khả năng lãi suất dài hạn của Mỹ tăng cao hơn.
Chỉ số đồng USD đã tăng sau số liệu ngày 1/4 cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lần đầu tiên trong một năm rưỡi trong tháng 3/2024.
Các nhà giao dịch đã giảm đặt cược về việc cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024 xuống 58% so với khoảng 60% trước khi có dữ liệu trên, điều này trong các trường hợp thông thường sẽ gây áp lực lên giá vàng có lãi suất bằng 0.
Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong có trụ sở tại New York cho biết, mặc dù thị trường vàng vẫn ở trong "tâm trạng tăng giá cao", song nó cần sự củng cố trong bối cảnh quan điểm thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể quay trở lại.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 3,2% lên 25,89 USD/ounce, giá bạch kim tăng 2,4% lên 923 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,1% lên 996,88 USD/ounce.