Ghi chép: Một thoáng Đông Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Người ta bảo rằng cho dù có phát triển đến mức nào, nhịp điệu Đông Đức vẫn không thể sánh bằng Tây Đức.
Xe đậu ở sân vận động một làng có CLB tên Frankonia Wernsdorf, chúng tôi giật mình bởi tấm bảng đề lịch sử từ năm 1919. Một CLB làng thôi mà đến chừng ấy tuổi. Thực tế, bóng đá Đông Đức là một phần của lịch sử bóng đá Đức, để đưa bóng đá Đức tới những thành công của ngày hôm nay, mảnh đất này hoàn toàn xứng đáng được mọi người nhắc tới. Nhưng bóng đá Đông Đức hiện nay đã lụi tàn, Nhìn tổng thể 36 đội chơi ở hai hạng đấu cao nhất của nước Đức, chỉ có 1 cái tên duy nhất từng chơi ở giải VĐQG Đông Đức là FC Union Berlin (Bundesliga 2). Những cái tên nổi danh một thời như Dynamo Dresden, FC Magdeburg, FC Carl Zeiss Jena, Hansa Rostock, Energie Cottbus, đều đang phải lặn ngụp ở giải hạng ba, hạng tư.
Chúng tôi bắt gặp ở các làng quê hình bóng một thời sổi nổi của hàng chục nghìn thanh niên Việt xuất khẩu lao động sang Cộng Hòa dân chủ Đức. Còn đó những chiếc xe ô tô Trabant trứ danh một thời. Những năm thập niên 80, người Đức muốn con em mình có ô tô chạy sau này, phải đang ký và chờ đợi 18 năm. Hiện có một chiếc xe Trabant màu trắng ngà còn cáu cạnh được đặt trên vị trí nổi bật trong bảo tàng DDR (bảo tàng Cộng hòa dân chủ Đức) ở thủ đô Berlin của nước Đức. Trabant nay trở thành một thứ hấp dẫn khách du lịch. Công ty Trabi Safari cho thuê xe Trabant để khách bon bon quanh Berlin, Dresden, và Potsdam.
Ngồi ăn chè thập cẩm quán chị Tám bên hông chợ Đồng Xuân tại Đức, cô nữ sinh ngày nào giờ đã già, đơn chiếc. Đã 11 năm bán ở đây, chị nói: “Ai đến chợ Đồng Xuân cũng biết chị. Quán chị kẹo, trà, chè bình dân, lại thích tám chuyện nên ai cũng biết cũng thương. Lần nào em sang, không thấy chị có nghĩa chị đã chết rồi”. Thấy cái bảng cá độ bóng đá to vật trên bức tường ngay cổng chợ, chúng tôi nói đùa, chị tham mưu cho đánh “một nhát” tỷ số trận chung kết. Chị Tám xua tay “thôi thôi, chỉ có chết thôi em ạ. Dân mình bên này cá độ bóng đá ác lắm, mùa EURO này “chết” nhiều, chỉ nhà cái hưởng”.
Chị Tám sống ở Đông Đức đã 30 năm. Cái thời thanh xuân của chị, cũng đầy lạc quan sống trong các nông trường, xí nghiệp, rất vất vả. Chỉ khi bức tường Berlin sụp đổ, cơ hội cho người Việt ở Đức đã mở ra. Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức tương đối đông. Theo con số mà Đức công bố là khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Đức, trong đó khoảng 40.000 người sang Đức theo diện thuyền nhân (Boat People). Trên toàn nước Đức có hơn 8.000 doanh nghiệp của người Việt Nam. Riêng Berlin đã có 1.500 doanh nghiệp người Việt Nam có đăng ký tại Phòng Công nghiệp và Thương mại của chính quyền sở tại. Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu ở các bang phía Đông Đức. Họ kinh doanh chủ yếu trong các ngành nghề thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, sản xuất nhỏ. Ở phía Tây Đức, người Việt Nam chủ yếu làm việc trong các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp của Đức.
Đứng trước chợ Đồng Xuân phồn thịnh của cộng đồng người Việt tại Berlin, lòng dâng lên tự hào bởi cuối cùng người Việt tại Đức đã ngày càng giàu mạnh.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa