GĐĐH Hồ Văn Chiêm: 'SLNA cũng từng là nạn nhân của bạo lực sân cỏ'
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của ông Hồ Văn Chiêm trong buổi trò chuyện với Thể thao & Văn hóa chiều qua 19/9 sau án kỷ luật dành cho trung vệ Quế Ngọc Hải.
Ông Chiêm có vẻ “ấm ức” khi lò SLNA đang bị cho là nơi đào tạo những “tiều phu sân cỏ”. Ông Chiêm bảo rằng bóng đá Việt Nam, đội nào hiện nay cũng có tâm lý máu lửa khi ra trận. Vì kết quả mà cầu thủ có thể mất khả năng kiểm soát bản thân trên sân và nhiều pha bóng dẫn đến chấn thương là điều không mong muốn.
Trận đấu trên sân Vinh giữa SLNA - SHB Đà Nẵng, SLNA đang bị dẫn bàn và chơi thiếu người nên Quế Ngọc Hải đã thi đấu máu lửa nhằm ngăn chặn đội nhà bị thua thêm. “Nói thế không phải để biện minh cho Ngọc Hải mà tôi chỉ muốn giải thích thêm phần nguyên nhân khiến Hải có thể hành động như thế. Với hành động đó thì án phạt với Ngọc Hải là cấm thi đấu 6 tháng là chính xác. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về điều khoản phải đền bù chữa trị cho Anh Khoa”.
Theo ông Chiêm, Ban Kỷ luật không nên đưa những điều ngoại lệ vào án phạt mà nên đưa những điều đã có trong luật thì chuẩn hơn.
“Việc Ngọc Hải phải chăm nuôi, bồi thường các khoản viện phí cho VĐV bị chấn thương thì tôi hình dung đây như một bản án hình sự cố tình đánh nhau, gây thương tích bao nhiêu phần trăm đó nên bắt người gây thương tích buộc phải đền bù theo luật. Nên nhớ đây chỉ là một tình huống va chạm trong bóng đá nên tôi thấy điều đó là không hay.
Giả sử Hải phải chi trả toàn bộ cho Khoa điều trị ở bệnh viện trong nước khoảng tầm 80-100 triệu đồng nhưng nếu Khoa yêu cầu sang Singapore hay Mỹ để điều trị thì số tiền phải gấp nhiều lần con số trên. Thế thử hỏi Ngọc Hải có thể đủ tiền để tự trả cho toàn bộ kinh phí này. Điều này là vô lý”.
Chuyện SLNA thi đấu rất máu lửa, quyết liệt nên được gắn vào mác “chặt chém” đã được biết đến như đặc sản. Dù thế, cũng ít người biết rằng họ từng là nạn nhân của bạo lực. Ông Chiêm lấy ví dụ: Năm 2009, trên sân Cao Lãnh, SLNA có 2 cầu thủ phải nhập viện khẩn cấp.
Đầu tiên là thủ môn Đức Anh bị Timothy đạp gãy chân (ống đồng), sau đó thủ môn dự bị là Thành Đạt cũng phải nhập viện vì bị gãy cả 3 răng trong một pha va chạm với chính tiền đạo Timothy. Nhưng sau đó, cả hai cầu thủ đều không nhận được một lời hỏi thăm động viên nào từ cầu thủ đội bạn, lãnh đạo đội Đồng Tháp.
Hôm đó SLNA phải cấp cứu cả hai ở bệnh viên Đồng Tháp, sau đó chuyển về bệnh viên ở Sài Gòn để điều trị. Tất cả kinh phí đó đều do SLNA và cầu thủ phải gánh chịu, trong khi cầu thủ gây tai nạn không bị khiển trách hay án phạt.
Hay trong trận đấu trên sân Hàng Đẫy găp HN T&T chúng tôi bị đội bạn phạm lỗi nhiều đến nỗi Đình Đồng phải đi chụp phim trong đêm vì bị đạp thẳng vào ngực thế nhưng có ai hỏi han gì cả. Từ sự quan sát của người làm bóng đá nhiều năm tôi thấy bóng đá Việt Nam giờ đang có nhiều thứ làm ảnh hưởng đến lối đá bạo lực của cầu thủ: áp lực thành tích, áp lực khán giả, đá vì tiền thưởng treo cao,… nên nhiều khi cầu thủ mất kiểm soát.
SLNA luôn bị quy chụp là chặt chém đối thủ, nhưng chúng tôi cũng nhiều lần là nạn nhân của bạo lực. Dù sao tôi cũng khẳng định quan điểm của SLNA là nói không với bạo lực. Đối với cầu thủ nào vi phạm sẽ bị xử lý nội bộ bằng những án phạt riêng. Ngọc Hải cũng vậy sau khi chịu án của VFF xong chúng tôi sẽ xử lý như đã từng làm với Đình Đồng”.
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa