Gạt tay vào má - tinh hoa võ học
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 30/9, có một tin vui với nền võ thuật cổ truyền Việt Nam. Môn vovinam lần đầu có mặt tại Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á (ABG) chính thức bước vào tranh tài. Buổi sáng thi đấu đầu tiên, Việt Nam góp mặt ở cả 2 “trận” chung kết là Đòn chân tấn công và Đa luyện vũ khí nữ.
Ở nội dung đòn chân tấn công, nội dung đặc sắc nhất của môn võ vovinam, bộ tứ Việt Nam với những đòn đánh đẹp mắt và sáng tạo khiến khán giả trầm trồ thán phục, được các giám định cho 275 điểm, vượt đội Myanmar giành HCV. Đến nội dung Đa luyện vũ khí nữ ta cũng giành chiếc HCĐ với 263 điểm.Môn võ Việt tại ABG lần này tranh tài với 9 bộ huy chương với các nội dung quyền tinh túy nhất của vovinam: Tinh hoa nghi kiếm pháp, đòn chân tấn công, song luyện mã tấu, đa luyện vũ khí nam, đa luyện vũ khí nữ, tự vệ nữ, song luyện 3 nam, long hổ quyền, ngũ môn quyền.
Hôm 30/9, môn Vovinam chính thức bắt đầu với 3 nội dung biểu diễn
Bên cạnh hi vọng “gặt vàng” cho Việt Nam, lần đầu tiên góp mặt tại ABG, các võ sĩ vovinam của nước ta còn đặt mục tiêu thi triển hết mình để tạo ấn tượng mạnh với người hâm mộ và bạn bè quốc tế.
Như Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nói với báo chí: “Mặc dù võ cổ truyền luôn ấp ủ hy vọng vươn tầm Olympic những ở thời điểm hiện tại thì chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và bước đi đầu tiên là chúng tôi sẽ cố gắng đưa võ cổ truyền tới các nước khác trên thế giới”.
Dù là một trong những môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần này, tuy nhiên để vươn xa tới Olympic thì võ cổ truyền Việt Nam cần thêm thời gian dài nữa.
***
Việc truyền bá tinh hoa võ học dân tộc ra thế giới, có thể nói chúng ta phải học hỏi người láng giềng Trung Quốc. Họ nỗ lực truyền bá võ thuật của mình qua việc tổ chức nhiều giải đấu mang tầm quốc tế, qua nền công nghiệp phim ảnh và nhất là văn chương, tiểu thuyết. Phải thừa nhận rằng nhiều thế hệ người Việt Nam từng say mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Tàu với những tên tuổi như Kim Dung, Cổ Long, Hoàng Dị, Lương Vũ Sinh...
Người viết bài thì đặc biệt yêu thích tiểu thuyết Ngọa hổ tàng long của Vương Độ Lư và bộ phim cùng tên với những màn võ công tuyệt đỉnh, trong đó có màn Ngọc Kiều Long “gạt tay điểm mặt” khá kinh điển trong trận quyết chiến quần hùng.
Xin trích ra đây: “Nàng vừa nói tới đó, không ngờ ngón tay của Pháp Quảng hòa thượng đã bên cạnh điểm vào mặt. Ngọc Kiều Long mắt sáng tay nhanh vù một tiếng gạt tay Pháp Quảng ra. Lúc ấy có người phía sau vung đao chém tới, Ngọc Kiều Long mau lẹ tránh qua, thanh Thanh Minh kiếm soảng một tiếng đã tuốt ra khỏi vỏ. Họ Bành mặt đen vội rút đơn đao, Lỗ Bá Hùng nhấc một chiếc ghế ném vào Ngọc Kiều Long. Ngọc Kiều Long tránh qua một bên, chiếc ghế rơi ầm xuống ván gỗ. Pháp Quảng hòa thượng rút đôi phán quan bút ra, đôi phán quan hình thù như cây bút, đúc bằng sắt ròng, chuyên dùng để điểm huyệt như con độc xà vọt tới điểm vào hông Ngọc Kiều Long. Ngọc Kiều Long dùng thanh kiếm Thanh minh quét ngang một phát, mũi nhọn của ngọn bút rơi ngay xuống đất”.
Đấy chỉ là một trong hàng vạn ví dụ về sức hấp dẫn của các tiểu thuyết, phim ảnh võ hiệp mà người Trung Quốc dựng lên để truyền bá tinh hoa võ học.***
Võ cổ truyền Việt Nam cũng có những cú gạt tay vào má đầy uy lực đủ để hạ thủ đối phương, nhưng muốn nổi tiếng, muốn đạt tham vọng "vươn xa tới Olympic" cũng cần phải huy động tổng lực, không chỉ tổ chức các giải đấu, mà cần cả phim ảnh, văn chương, tiểu thuyết quảng bá cho thế giới biết đến.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa