Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Vì mến thương cuộc sống nên được cuộc sống mến thương
Những người yêu nhạc trẻ chắc còn nhớ tại chương trình Giai điệu tự hào phát sóng VTV1 tối 27/8/2016, ca khúc đầu tay (năm 1979) của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện là Ơi cuộc sống mến thương đã được trình diễn với lời mới viết thêm, cùng những câu rap thật tươi trẻ.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Nhiều người nhớ, vì đây là ca khúc ấn tượng của Nguyễn Ngọc Thiện, được hát nhiều nơi. Nhớ nhiều, còn bởi chủ đề cuộc sống mến thương này đã được nhạc sĩ say sưa viết trong suốt sự nghiệp.
Những câu chuyện học đường
Câu chuyện bắt đầu từ hồi ức Ngày đầu tiên đi học: “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành yêu thương// Ngày đầu tiên đi học/ Em nước mắt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi sao thiết tha// Ngày đầu như thế đó/ Cô giáo như mẹ hiền/ Em bấy giờ cứ ngỡ/ Cô giáo là cô tiên// Em bây giờ khôn lớn/ Vẫn nhớ về ngày xưa/ Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ cô cùng vỗ về”.
Bài hát đã thành bài học được đưa vào chương trình lớp 6 hơn 20 năm nay. Ca khúc viết theo tiết điệu valse, biến những bước đi trên đường học vấn thành những bước nhảy nhịp nhàng. Hình tượng âm nhạc được hình thành trong điệu luân vũ của 3 nhân vật: mẹ hiền, cô giáo và học trò lần đầu tới lớp. Sự nhịp nhàng của tiết điệu càng thêm nhịp nhàng với những từ láy như dỗ dành, nhạt nhòa, vỗ về, thiết tha… đã đưa ca khúc tới cao trào lãng mạn “Cô giáo là cô tiên”.
Trong sách giáo khoa mới Âm nhạc 3, bộ Kết Nối tri thức với cuộc sống, bắt đầu dùng từ năm học 2021-2022, câu chuyện học đường của Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục với hình ảnh sôi động của những ngày Tết cổ truyện trong nhịp trống múa lân rộn ràng, của ca khúc Mùa Xuân ơi: “Xuân Xuân ơi, Xuân đã về/ Có nỗi vui nào vui hơn ngày Xuân đến/ Xuân Xuân ơi, Xuân đã về / Tiếng chúc giao thừa chào đón mùa Xuân”…
Câu chuyện học đường này lại được kể tiếp trong sách giáo khoa mới là Âm nhạc 6, Âm nhạc 7, cũng của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong các câu chuyện này, các nhân vật âm nhạc của Nguyễn Ngọc Thiện cứ dần lớn lên. Cô bé tiểu học khóc nhè trong Ngày đầu tiên đi học đã thành học sinh trung học, tự tin vào vai người phản biện Chuyện lớp tôi, hoạt bát tinh nghịch với những nhịp bắc cầu “í a” kiểu hề chèo, trong các vở diễn sân đình Bắc bộ: “Lớp tôi có một cô nàng/ Học không lo học khoái làm làm thơ/ Giờ Toán ngồi ngẩn ngồi ngơ/ Lơ ngơ con mắt liếc dọc liếc ngang/ Thầy kêu tính thì lơ mơ/ Bài làm sao cứ làm hoài chẳng ra/ Í a... í a í a... í à... Í a... í a í à... ì á...// Lớp tôi có một anh chàng/ Học không lo học tối ngày mô-đen/ Vào lớp ngồi ngáp/ Lim dim hai mắt mơ tìm thấy tiên”…
Nhìn lại những câu chuyện học đường mà mình đã kể bằng âm nhạc, Nguyễn Ngọc Thiện tự tin: “tôi cảm thấy nhạc của mình đã chạm tới được tâm hồn trẻ thơ”.
Kinh nghiệm viết nhạc trữ tình
Khi nói về chương trình Con đường âm nhạc mà Đài Truyền hình Việt Nam dành riêng cho mình, Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra một quan niệm mở cho khái niệm tình ca. Theo ông: “Chương trình này là một xâu chuỗi những bản tình ca cho thanh niên. Mà tình ca đâu chỉ là tình yêu đôi lứa. Trong tình ca có tình gia đình, tình bạn, tình đồng loại, tình yêu quê hương đất nước...”.
Với quan niệm như thế, trong bài Người mẹ, Nguyễn Ngọc Thiện đã tìm thấy chất trữ tình riêng trong những tự sự chung mà nhiều người đã biết về bà mẹ Bàn Cờ, nhờ vậy ca khúc thoát khỏi những hời hợt, non vội của thứ âm nhạc tuyên truyền nhất thời, đạt tới chất lượng của một hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình.
Nguyễn Ngọc Thiện kể lại phút xuất thần ông tìm được tứ nhạc này: “Tôi được mời đi nghe mẹ Bàn Cờ kể chuyện để sáng tác, trong buổi tham dự có rất nhiều nhạc sĩ lớn như Trịnh Công Sơn, Xuân Hồng, Phạm Trọng Cầu… ai cũng ngồi nghe mẹ kể chuyện… Tôi ra ngoài quan sát, thấy nắng bắt đầu chiếu lên mái tóc bà mẹ, thế là tứ nhạc đến”.
Ca khúc này có các câu: “Tôi muốn là hạt nắng/ để đến bên mẹ/ ươm lên sợi tóc để tóc sáng lóng lánh// Tôi muốn là ngọn gió/ để đến bên mẹ/ hôn lên đôi mắt/ hằn sâu dấu chân chim...// Sợi tóc màu mây trắng/ Mẹ kể con nghe/ Ngày xưa mẹ truyền cơm qua vách cấm/ Vượt qua ngàn gian khó/ Mẹ vẫn ung dung/ Lòng thủy chung/ Mẹ Việt Nam, sáng ngời…”.
Một kinh nghiệm sáng tác thật hay. Vì mỗi nghệ sĩ nên có góc nhìn riêng. Bằng góc nhìn của mình, Nguyễn Ngọc Thiện đã để hạt nắng soi rõ những chi tiết cụ thể sinh động trên khuôn mặt người mẹ. Rồi chính hạt nắng nâng người mẹ Bàn Cờ trong hẻm sâu phố thị thành mẹ Việt Nam với kích tấc bầu trời, mây trắng lồng lộng.
Cũng gửi tình yêu quê hương đất nước vào một chuyện tình lứa đôi, nhưng khi viết Cơn mưa lao xao, Nguyễn Ngọc Thiện cũng có cái tứ lạ. Ngày ấy, ông là đoàn trưởng đoàn ca nhạc Việt Nam lưu diễn tại Canada vào một mùa Đông. Trong mưa tuyết xứ người, ông viết về cơn mưa nhiệt đới quê mình, để “ngẫm nghĩ nếu ở quê nhà trời có mưa…” như đưa ra một phản đề, để tuyết không vùi lấp mưa… Để: “Muốn nhờ cơn mưa/ Che dấu trái tim tội tình/ Lối về trăm năm/ Còn ai đi về với ai/ Nắng còn nơi đâu/ Xin đến xóa tan đêm sầu/ Có hạt mưa bay/ Vương mãi trên bờ mi ai”. Thế mới biết trong ca từ cũng có “ý tại ngôn ngoại”, mới hiểu “lối về trăm năm/ còn ai đi về với ai” là bàn tới chuyện thủy chung, vượt khỏi giới hạn đôi lứa.
Đều bước cùng cuộc sống mến thương
Năm 2004, Nguyễn Ngọc Thiện được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, sau gần 40 năm công tác trong ngành y, với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành nha khoa. Đã có nghề thuốc rồi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vẫn bỏ ra 5 năm theo học khoa sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM, nhằm để tinh thông hơn trong việc sáng tác, để có thể mang tác phẩm âm nhạc đến gần những đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống mà ông rất mến thương.
Tốt nghiệp trường y vào những năm tháng ngặt nghèo trước Đổi mới, Nguyễn Ngọc Thiện phải kiếm sống bằng việc làm nhạc công trong ban nhạc, rồi chụp hình, phát hành báo chí… Sau đó mới trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt trung ương TP.HCM. Chính thời kỳ rất khó khăn này, ông viết Ơi cuộc sống mến thương, để gửi đi thông điệp lạc quan: “Này chú chim ơi cho nhắn gửi/ Lời hát tình yêu trong trái tim mọi người/ Cuộc sống hôm nay tuy vất vả/ Nhưng cuộc đời ơi ta mến thương// Ta đã nghe trong tiếng cười/ Đường tương lai đang rực rỡ/ Ta đã nghe trong tim mình/ Lời yêu thương của con người”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Vũ Hùng - Chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần mỗi trang viết
Ở cuối thập niên 1980 và thập niên 1990, khi làn sóng nhạc hải ngoại lấn lướt nhạc Việt, thấy cần phải định hướng cho giới trẻ bớt hướng ngoại, bớt quay lưng lại với âm nhạc Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thiện đã tham gia nhóm Nhạc sĩ - những người bạn, cùng Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên. Nguyễn Ngọc Thiện có bài Ngọn lửa trái tim, tiếp tục thông điệp lạc quan, tích cực: “Hãy nhóm lên, ngọn lửa, trong chính trái tim của ta/ Và hãy nhóm lên, ngọn lửa, trong chính trái tim bạn bè/ Lửa trong tôi với ngọn lửa trong anh, rực cháy cho bước chân rộn ràng/ Để ta nghe lắng đọng nhịp tim yêu, còn mãi, nuôi trong ta mùa Xuân”…
Với tinh thần “vị nhân sinh” như thế, trong những ngày sống giữa tâm dịch Covid-19 tại TP.HCM, Nguyễn Ngọc Thiện đã sáng tác liên tục, kịp thời cho ra mắt 6 MV: Triệu trái tim lên tiếng, Đôi mắt cười, Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng, Xin, Mỉm cười thì sẽ qua, Bớt dịch rồi mình hẹn hò nhau nhé!. Theo người viết bài, nổi trội nhất trong này là MV Mỉm cười rồi sẽ qua, với giai điệu chính được trình bày như một điệp khúc, nhấn vào sự lạc quan: “Mỉm cười rồi sẽ qua cho dù mệt quá/ Mỉm cười rồi sẽ qua dù ta đã già hay con trẻ quá”, cùng những đoạn rap trẻ trung, sôi động!
Có thể nói, vì nhạc sĩ Nguyễn Ngọc thiện mến thương cuộc sống, nên đã được cuộc sống mến thương! Ông xứng đáng với sự ca ngợi, mến mộ của nhiều khán thính giả.
Nguyễn Ngọc Thiện sinh 1951 tại Sài Gòn. Viết ca khúc từ thời sinh viên. Năm 2004, ông được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2012, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Là hội viên của Hội Âm nhạc TP.HCM và Hội Nhạc sĩ nhạc Việt Nam. Hiện sống tại TP.HCM. |
Trần Quốc Toàn