Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Lê Văn Trường - Viết về những nỗi nhớ trên Cù Lao Dung
Lê Văn Trường tự nhận mình là người nông dân thích viết, nhưng quả thật những trang viết của "người nông dân" này rất dễ khiến người đọc đồng cảm, vì ai mà chẳngmang theo hình ảnh quê hương và tuổi thơ của mình. Tản văn Bến sông tuổi thơcủa anh đã được trích đăng trong sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Nhìn lại các sáng tác của anh, thấy đa phần là tản văn đậm chất sông nước miền Tây Nam bộ, chủ yếu là viết về những kỷ niệm tuổi thơ.
Có một dòng sông luôn ở trong lòng
Lê Văn Trường nói từ nhỏ đến giờ cuộc sống của anh gắn liền với bến sông quê nhà, nơi Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Anh gần như ít khi rời xa cù lao này, nếu có việc cũng chỉ đi vài ngày lại về, vậy mà mảnh đất ấy cứ dẫn anh trở về thời thơ ấu của mình.
Đôi lần nhìn dòng sông, anh nhớ bạn bè xưa, thuở còn rủ nhau lội sông, hái bần, câu cá, bắn chim...nên viết lại trong tản văn Bến sông tuổi thơ. Trước khi được in trong sách giáo khoa, tác phẩm này đã có mặt trong tập tản văn Khúc vĩ cầm quê của anh do NXB Kim Đồng phát hành.
Mỗi lần đọc lại bài tản văn này là thêm một lần anh nhớ về những tháng ngày hồn nhiên rong chơi khắp xóm, cùng lũ bạn hái bần ngồi vắt vẻo cành cây mà ăn, rồi anh nhớ vị canh chua trái bần nấu với cá bống sao hoặc cá bông lau... Từ cái nhớ này dẫn đến nhớ cái khác như vậy.Cứ thế, ký ức không nằm yên đó màlần lượt tới lui trong lòng anh, cả hình ảnh lẫn mùi vị như rõ mồn một.
Cuộc sống đương nhiên nhiều thay đổi, nhưng nếu thay đổi theo hướng con người hiện đại phần lớn ngày càng gần với các thiết bị điện tử và càng xa thiên nhiên sẽ dễ bị mất cân bằng, căng thẳng, lo lắng... Vậy thì, những câu văn dung dị của Lê Văn Trường như câu mở đầu tản văn Bến sông tuổi thơ: "Từ khi sinh ra và lớn lên, tôi đã thấy trước nhà có một dòng sông êm đềm lửng lờ con nước, có hàng bần xanh soi bóng nghiêng nghiêng" sẽ giúp ta sống chậm lại một chút, nhớ về những ký ức của riêng mỗi người, thời mà chúng ta đã sống hòa mình với thiên nhiên.
Tác giả của Bến sông tuổi thơnói rằng, khi tản văn này được đưa vào chương trình dạy học sinh tiểu học, anh hạnh phúc lắm. Đó một phần là vì cảm xúc của mình được chia sẻ rộng rãi hơn và phần khác lớn hơn là biết đâu mai này trang sách ấy sẽ đọng lại trong ký ức của các em, để rồi khi có dịp đặt chân về miền Tây Nam bộ, các em sẽ thấy quen quen:"à, ngày xưa mình đã đọc một đoạn văn miêu tả những hình ảnh này".
Lê Văn Trường viết không nhiều, ngoài những tập thơ - văn in chung,chỉ mới xuất bản một tập tản văn kể trên, nhưng những tác phẩm của anh rất có duyên với trường học. Bài thơ Chơi với conđã được đưa vào đề thi văn lớp 12 năm ngoái và năm nay bài thơ Thả khói về trờicủa anh cũng được chọn ra đề thi văn lớp 12 năm nay - các đề thi của tỉnh Sóc Trăng.
Ở quê mà lại nhớ quê
Thường thì người ta sẽ nhớ cái mà họ đã rời xa, nhưng Lê Văn Trường thật lạ, xưa nay chỉ sống loanh quanh ở Cù Lao Dung- như đã nói ở trên - vậy mà lúc nào anh cũng nhớ nơi mình đang sống.
Anh sống ngày hôm nay thì ngày hôm qua đã trở thành kỷ niệm: Nhìn cây cầu đang bắc qua sông, anh nhớ những ngày ngồi đò chiều đi học, nhìn con cái đắm mình với điện thoại di động anh tiếc chúng đã không lắng tai nghe tiếng chim hót, tiếng dế kêu... như mình ngày xưa.
Lê Văn Trường đến với văn chương khá lâu và thường viết về người thân, kỷ vật, bạn bè... của anh trong những hoài niệm. Hỏi anh có khi nào thấy chán vì việc viết lách của mình không có chủ đề mới?Anh nói: "Ai cũng có kỷ niệm, nhưng cảm xúc và cách giữ gìn của mỗi người là khác nhau. Có người vì công việc cuốn đi mà quên hết những kỷ niệm của mình, còn tôi thì quý từng thứ đi qua cuộc sống mình, nên tôi thấy đẹp. Khi những kỷ niệm của mình được viết ra tôi lại thấy chúng đẹp hơn và khi văn chương của mình đến được với độc giả thì tôi hạnh phúc. Với kỷ niệm, tôi viết bao nhiêu cũng thấy thiếu".
Quả thật, Lê Văn Trường là người sống vui nhờ kỷ niệm. Anh say sưa kể chuyện ngày xưa. Chuyện được ba má đưa về ngoại, theo ngoại ra đồng chơi, thấy đàn vịt nên nghịch ngợm đuổi bắt nhưng chúng bay đi mất, bà ngoại mắc cười bảo đó là vịt trời sao con bắt được. Chuyện ba anh hồi ở tù Côn Đảo đã thêu cặp gối gửi về cho má. Bà quý lắm, lâu lâu đem ra ngắm chứ không dám nằm vì sợ cũ. Bây giờ, ba má anh đã thành người thiên cổ, nhưng cặp gối vẫn còn và là kỷ vật quý giá của gia đình anh...
Văn chương thì không giới hạn. Có người viết vì những trăn trở về hiện thực xã hội, có người tìm ra những triết lýlớn lao và có người chỉ đơn giản là trình bày những cảm xúc của mình...Lê Văn Trường là kiểu viết vì nhu cầu trải lòng mình một cách dung dị, không màu mè. Đến với những trang viết của anh không phải là để tìm ra được những chân lý hoặc thông điệp lớn lao,mà là đến với kiểu chữ nghĩa đẹp chân chất, hiền hòa... Như: "Đêm đêm, phía sau nhà vẫn luôn vang lên khúc nhạc êm đềm, sâu lắng. Dẫu cho năm tháng cứ trôi đưa, mặc ai ở ai đi, ai quên ai nhớ, những chú dế vẫn cứ thản nhiên kéo khúc vĩ cầm của mình" (trích trong tản văn Khúc vĩ cầm quê), hoặc: "Ngọn gió chiều nay dừng lại nói câu gì?/Sao sợi khói cứ ngập ngừng, bảng lảng/Con đuổi bắt chạnh thương về dĩ vãng/Khói vẫn lên trời như dáng mẹ mù tăm" (trích bài thơ Thả khói về trời)...Chính vì thế, văn thơ của Lê Văn Trường dễ khiến người đọc đồng cảm.
Nhà văn nông dân
Lê Văn Trường chia sẻ những ngày đầu viết văn: "Những năm 17 tuổi, tôi thích đọc thơ trên các báo dành cho tuổi học trò, rồi tập tành viếtgửi đến các tòa soạn. Mỗi lần bài của mình được đăng trên báo là tôi có nhiều động lực để viết lắm. Tôi viết và gửi đi các báo như để trải lòng mình, coi như là cái duyên của mình với văn chương".
Vẫn viết đều đặn mỗi ngày, thế nhưng ai hỏi nghề nghiệp là gì, Lê Văn Trường vẫn nói mình là nông dân. Hằng ngày anh làm ruộng và dọn dẹp vườn tược, cho cá cho gà ăn, đang làm mà có ý tứ gì hay lóe lên trong đầu thì dừng lại viết.
Với văn chương, anh biết mình có gì và thiếu gì, nên không mang tham vọng lớn. "Nhiều khi muốn mình mới mẻ, tôi viết truyện ngắn, cũng được đăng báo, nhưng tôi biết ở mảng truyện ngắn tôi yếu ở khâu khai thác chi tiết, nên có nhiều truyện viết rồi lại không hài lòng".
Được đi đây đi đó để có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và làm mới mình như cách tìm kiếm một khả năng mới của mình là nhu cầu của hầu hết nhà văn, Lê Văn Trường cũng vậy, nhưng rồi những cảm xúc từ ký ức lấn át tất cả và cù lao quê hương lúc nào cũng như muốn gọi về anh về.
Vẫn viết đều đặn mỗi ngày, thế nhưng ai hỏi nghề nghiệp là gì, Lê Văn Trường vẫn nói mình là nông dân. Hằng ngày anh làm ruộng và dọn dẹp vườn tược, cho cá cho gà ăn, đang làm mà có ý tứ gì hay lóe lên trong đầu thì dừng lại viết. "Tôi có hơn 5 công đất, nuôi trồng đủ sống qua ngày, không dư dã gì nhiều, nhưng cuộc sống của tôi bình yên lắm", Lê Văn Trường hài lòng nói về cuộc sống của mình.
Hiện tại, anh sống những ngày êm đềm như dòng sông trong trang viết và như tuổi thơ của mình cùng với người vợ cũng là người bạn viết văn.Anh vui vẻ kể chuyện 2 người quen nhau cùng nhiều kỷ niệm. Đó là thời báo đài còn hay đăng tên những cộng tác viên đã gửi bài, Lê Văn Trườngđã viết thư làm quen với một bạn nữ. Thư từ qua lại được một thời gian, cả 2 có tình cảm và anh qua tỉnh Kiên Giang rước nàng về làm vợ.
Vợ chồng anh thường đón những người bạn văn từ Câu lạc bộ văn học Cù Lao Dung và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đến nhà chơi, nhâm nhi vài ly bia và nói chuyện văn chương. Những khi không tiếp bạn, anh thường rủ cậu con trai ra vườn chơi để giảm thời gian chơi máy tính, điện thoại...
Nói là không mang tham vọng lớn với văn chương, nhưng ước mơ thì dĩ nhiên lúc nào cũng có, Lê Văn Trườngđang đọc nhiều và rèn luyện thêm kỹ năng viết truyện ngắn. Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục viết những tản văn từ những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống của mình. Anh chia sẻ về kế hoạch sắp tới là sẽ cho ra một tập truyện ngắn, một tập tản văn của riêng mình và một tập thơ in chung.
Vài nét về Lê Văn Trường
Lê Văn Trường sinh năm 1978 tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Hiện anh đang sống tại quê nhà. Các bút danh khác: Đường Lãng Du, Đường Lang. Anh là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài Khúc vĩ cầm quê (tản văn) in riêng, các tác phẩm in chung đã xuất bản:Thất Sơn thơ văn chọn lọc, Nơi ta đã qua, người ta đã gặp (tản văn),Tuyển thơ Cù Lao Dung, Chuyền tay những chữ đời thường (thơ)...