Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất

Trong vai trò biên tập viên của NXB Giáo dục Việt Nam và là bạn lâu năm của nhà văn Võ Thu Hương, tôi viết bài này với mục đích để giáo viên và học sinh có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu, dạy và học tác phẩm.
04/09/2023 18:30
Nguyễn Hải Lý

Trong vai trò biên tập viên của NXB Giáo dục Việt Nam và là bạn lâu năm của nhà văn Võ Thu Hương, tôi viết bài này với mục đích để giáo viên và học sinh có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu, dạy và học tác phẩm.

Trong bộ SGK Chân trời sáng tạo, Võ Thu Hương có các tác phẩm như: Góc nhỏ yêu thương (Tiếng Việt 2, tập 1), Quê mình đẹp nhất (Tiếng Việt 2, tập 2), Con đường mơ ước (Tiếng Việt 4, tập 1), Con muốn làm một cái cây (Ngữ văn 6, tập 2), Chỉ là một em gấu đi lạc (Bài tập Ngữ văn 6, tập 2).

Trong bộ Kết nối tri thức và cuộc sống có các tác phẩm: Ông bụt đã đến, Con muốn làm một cái cây (Tiếng Việt 4, tập 2).

Từ căn gác cũ đầy ắp yêu thương

Khi tôi viết những dòng này, lòng bỗng da diết nhớ về căn gác cũ nhiều kỷ niệm của gia đình Võ Thu Hương, hồi chúng tôi còn là những cô bé học trò nhiều mơ mộng. Tôi nhắn: "Tự nhiên chị thấy nhớ cái gác nhà em hồi xưa tụi mình nằm đọc sách và nói chuyện thâu đêm trên đó quá!". Hương liền nhắn lại: "Chị làm em cũng nhớ cái gác đó quá! Mình ở góc nào thì góc đó đều dễ thương dễ nhớ hết nhỉ!"…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 1.

Nhà văn Võ Thu Hương

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu nói về giá trị của một tình bạn lâu năm, đại ý rằng tình bạn trên 3 năm là bạc, trên 5 năm là vàng, trên 7 năm là kim cương… Nếu vậy thì tình bạn giữa tôi và Võ Thu Hương không biết là gì? Chỉ biết đã từ rất lâu, tôi xem Hương như bạn bè và cũng như người thân, vừa gần gũi, yêu thương, vừa quý mến, ngưỡng mộ…

Hơn 25 năm về trước, phong trào sinh hoạt văn thơ thiếu nhi theo hình thức nhóm bút ở các tỉnh thành rất sôi nổi. Nhóm bút Hoa Cát của chúng tôi khá "đình đám", tập hợp những cây viết tuổi học trò trong tỉnh Nghệ An. Các thế hệ của Hoa Cát lần lượt đi học đại học xa quê nhưng vẫn dõi theo và động viên các em lớp sau tiếp nối phong trào. Đặc biệt, chúng tôi còn được các cô chú, anh chị ở hội văn học nghệ thuật tỉnh, ở báo Thiếu niên tiền phong thời đó rất chăm chút, khuyến khích việc sáng tác. Những lá thư tay qua lại, những buổi gặp mặt định kỳ để sinh hoạt văn thơ… đã gắn kết nhóm chúng tôi.

Tôi và Võ Thu Hương có mối thâm tình, trước hết vì Hương là bút trưởng - thủ lĩnh của nhóm bút Hoa Cát thời đó. Mỗi lần sinh hoạt, cả nhóm lại "khăn gói" từ các vùng quê khác nhau háo hức đón xe về thành phố Vinh. Dĩ nhiên địa điểm tập trung là nhà của bút trưởng, ngôi nhà nằm trên một con đường nhỏ, gần chợ Vinh. Chúng tôi chen nhau trên căn gác gỗ chất đầy sách, cùng đọc cho nhau nghe những sáng tác mới và nhận xét, góp ý rất hăng say, rồi đàn hát, nói chuyện thâu đêm, kéo nhau ra phố cùng thưởng thức những món ăn vặt…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 2.

Khi các thành viên khác đã về cả thì tôi còn nán lại chơi với Hương thêm một vài buổi. Rồi những dịp nghỉ Hè, nghỉ Tết ở quê, cảm thấy thèm không khí phố phường, sách vở… tôi lại xin phép bố mẹ bắt xe vào nhà Hương mấy ngày. Hương thường chở tôi trên chiếc xe đạp cũ rong ruổi hết mọi ngóc ngách thành Vinh, ghé chỗ này chỗ nọ nhâm nhi vài món khoái khẩu và nói những câu chuyện bất tận.

Có đêm 2 chúng tôi ngồi bó gối trên gác nhỏ, thả hồn vào những bản nhạc đẹp và buồn từ cái đài cát-sét cũ. Nhớ cây đàn guitar dựng bên kệ sách, mỗi lần Hương ôm đàn mày mò một bản nhạc nào đó, tôi lại cảm giác như Hương sắp tan chảy cùng âm thanh…

Võ Thu Hương có một người mẹ trên cả tuyệt vời mà tôi mãi mãi kính trọng. Vì hoàn cảnh phải nghỉ hưu sớm, vất vả mưu sinh bằng nhiều nghề như đẩy than tổ ong đi bán khắp nơi, thu mua, gom nhặt phế liệu… nhưng mẹ rất đề cao việc học và đặc biệt tôn trọng sở thích văn thơ của con gái, cũng như bạn bè con. Bà luôn khuyến khích và rất tự hào, rất vui mỗi dịp nhóm chúng tôi tập trung gặp gỡ, trao đổi chuyện sáng tác. Dù nhà cửa chật chội, ồn ào, nhưng mẹ Hương luôn nói cười vui vẻ, nhiều lúc còn tham gia vào cả những cuộc bàn luận văn thơ của chúng tôi.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 3.

Tác phẩm “Ông bụt đã đến” trong “Tiếng Việt 4” (tập 2)

Tôi may mắn nhận được rất nhiều tình cảm từ mẹ của Hương. Tiếng gọi "Thu Hương ơi! Hải Lý ơi!..." mỗi lần mẹ tạt về nhà dặn dò chuyện gì đó, rồi lại tất tả đi làm, là âm thanh thân thương, tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng buồn thay, khi trưởng thành, tôi chưa kịp làm được chút gì để đền đáp thì mẹ đã đi xa vì bạo bệnh.

Những cuốn sách cũ, trong đó chủ yếu là sách văn học, sách giáo khoa, sách tham khảo xếp thành mấy giá trên gác, phần lớn là do mẹ Hương tìm xin và mua lại ở các cửa hàng cũ về cho con. Đối với chúng tôi khi đó, căn gác chật chội những sách và sách ấy là cả một kho báu, một thế giới rộng lớn vô cùng. Xin suốt đời biết ơn mẹ và căn gác gỗ, nơi đầy ắp kỷ niệm yêu thương đã góp phần làm nên một nhà văn Võ Thu Hương như tôi biết.

"Cứ nghĩ đến việc tác phẩm của mình được hàng vạn học sinh biết đến, đọc và tìm hiểu là người cầm bút sẽ cảm thấy rất vui và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa. Nhưng càng được ghi nhận thì nhà văn càng phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng hơn, hay hơn" - nhà văn Võ Thu Hương.

Sống và viết như con ong chăm chỉ

Võ Thu Hương là người bạn, người em mà tôi luôn nhắc mình phải học tập ở cách sống giản dị, chăm chỉ, nghiêm túc, tình cảm và cực kỳ có trách nhiệm với công việc, với người khác, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Một người bạn có lần kể không thể hiểu tại sao cái máy tính cũ đến mức ấy mà Hương vẫn có thể làm việc đều đặn mỗi ngày. Tôi không lấy làm lạ, bởi tính Hương là vậy, luôn dùng đồ cũ nếu thấy còn dùng được, chứ không khao khát về những món đồ sang, đồ hiệu như chúng tôi. Mỗi lần gặp nhau, Hương còn tự hào khoe đang dùng điện thoại cũ, xe cũ, váy áo cũ… của những người thân chê không dùng nữa. Chúng tôi thường thêm chuyện vào để chọc nhau cười, nhưng sau đó đều thấy mình cần phải học tập tính giản dị, tiết kiệm của Hương.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 5.

Chuyện ăn uống, mua sắm riêng cho mình là thế, nhưng Võ Thu Hương lại luôn dành cho người khác những điều tốt đẹp nhất. Đều đặn, bạn bè vẫn nhận được những lời Hương "rủ rê" chung tay giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó: Một người nghèo bị bệnh nặng cần tiền để chữa trị gấp; một ông cụ, bà cụ neo đơn ở gầm cầu hoặc khu ổ chuột nọ đang thiếu thốn đồ dùng, lương thực; một em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ để học tiếp,…

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM, Võ Thu Hương đã bằng mối quan hệ của mình kết nối, kêu gọi bạn bè ủng hộ nhiều chuyến xe rau, gạo, thực phẩm cho công nhân và bà con nghèo khu Bùi Văn Ba. Mỗi chuyến hàng đến, Hương lại cùng đội tình nguyện trong chung cư bốc vác, phân chia tận tay bà con… Kiểu sống trách nhiệm, luôn chia sẻ, quan tâm đến mọi người ấy, tôi chắc rằng Hương đã học được từ người mẹ tuyệt vời của mình. Đối với một người viết văn, đó càng là điều hết sức cần thiết. Bởi ở thời đại nào thì nhà văn cũng luôn phải "sống đã rồi hãy viết" - ý của Nam Cao.

Với riêng tôi, những dịp đến TP.HCM nhất định phải sắp xếp để gặp Võ Thu Hương, cùng ngồi ăn vài món dân dã ở quán Đo Đo xinh xắn, lang thang quán ốc bờ kè, cà phê Đường sách... Chưa lần nào tới đón tôi mà Hương quên mang mũ bảo hiểm, rồi luôn nhớ ghé tiệm hoa nào đó chọn cho được bó hoa tươi nhỏ xinh tôi thích. Nhiều khi tôi nghĩ sống giản dị, tròn đầy được như Hương đâu phải dễ!

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 6.

Võ Thu Hương từ nhỏ đã rất thích đi nhiều và luôn không ngại giao lưu, tiếp xúc; không ngừng học hỏi, đọc và nghe để tích lũy chất liệu cho việc sáng tác. Đặc biệt, Hương rất xem trọng viết lách và cực kỳ nghiêm túc trong công việc. Ngoài chất liệu có sẵn từ cuộc sống của bản thân, từ thực tế nuôi dạy và lớn lên cùng con của mình… thì những năm gần đây, Võ Thu Hương dành nhiều thời gian đến các trường học để nói chuyện, giao lưu với học trò. Mục đích là để hiểu hơn về thiếu nhi, tìm kiếm nhiều hơn nữa sự đồng điệu với trẻ thơ, nhằm viết nên những tác phẩm hay hơn, phù hợp hơn với các em.

Có lẽ vì hoàn cảnh từ nhỏ đã chứng kiến cha mẹ phải lao động vất vả nên trong việc viết lách, Võ Thu Hương đặc biệt chịu khó, chăm chỉ và khổ luyện. Trước đây, Hương có gần chục năm làm báo bận rộn, nhưng vẫn viết và ra sách đều đặn. Võ Thu Hương từng viết và có những thành công với các đề tài khác nhau, như nhân vật lịch sử, đề tài gia đình và phụ nữ, các cuốn sách chấp bút cho các nhân vật nổi tiếng… Nhưng văn học thiếu nhi vẫn là đề tài đang được Hương nghiêm túc và miệt mài theo đuổi, đã có nhiều tên sách được thiếu nhi rất yêu thích như Snoopy làm tôi khóc, Góc nhỏ yêu thương, Quà của thần núi

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 7.

Khi nói về công việc viết cho thiếu nhi, đa số chúng tôi đều cho rằng cảm thấy ngày càng khó khăn vì khoảng cách thế hệ. Nhưng Võ Thu Hương thì quan niệm khác: Thiếu nhi ở thế hệ nào cũng có chung sự trong trẻo, hồn nhiên. Ở thế hệ nào, thiếu nhi cũng vẫn luôn mang trong mình trái tim tươi vui, nhân hậu, nhìn mọi sự vật đều mới mẻ. Chỉ cần người lớn chúng ta hiểu, gần gũi và yêu thương thì sẽ tìm được sự đồng điệu với các em. Đặc biệt, phía sau mỗi câu chuyện dành cho thiếu nhi phải mang một bài học nhân văn sâu sắc, phải định hướng cho các em đến những điều đúng đắn…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 8.

Vào sách giáo khoa bằng những câu chuyện gần gũi

Trong công việc viết lách, Võ Thu Hương từ khi sinh hoạt nhóm bút học trò với chúng tôi đã thể hiện là người có những tố chất của một nhà văn chuyên nghiệp.

Trước tiên, đó là thói quen ghi chép. Hương luôn ghi chép cần mẫn như một nhu cầu không thể thiếu: Những câu chuyện xảy ra, những ý tưởng mới, những câu nói hay, lạ… Thật đáng quý, thói quen ấy vẫn được duy trì đều đặn đến tận bây giờ. Tôi luôn nghĩ những cuốn sổ ghi chép, qua thời gian, sẽ không khác gì kho của cải quý đối với một người viết văn.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 9.

Đó là những câu chuyện tiêu biểu, với lối viết giàu cảm xúc, tự nhiên, gần gũi như chính cuộc sống, tiếng nói, tâm hồn của trẻ thơ và cả người lớn chúng ta. "Trong giấc mơ, Nguyên thấy mình và Thảo tình cờ gặp đám mây đang nằm ngủ trên đỉnh núi. Hai bạn nhẹ nhàng leo lên và nghĩ rằng đám mây sẽ cõng mình lên trời". Nhưng khi ở trên trời, 2 bạn lại nói với nhau về những cảnh vật bên dưới: Cánh đồng lúa vàng, mặt biển xanh mênh mông. Cuối cùng thì Thảo nói: "Ôi tớ đói, tớ thèm bữa cơm chiều mẹ nấu quá!" (Quê mình đẹp nhất).

Một cô bé mắc lỗi làm gãy cành hoa quý, cô bé mơ ước có "ông bụt cứu con". Nhưng ông bụt không ở đâu xa, chính là một người lớn biết thông cảm, sẻ chia những âu lo, sai lầm của con trẻ.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 10.

Tác phẩm “Con muốn làm một cái cây” trong “Tiếng Việt 4” (tập 2)

Hoặc: "Con muốn làm một cái cây. Con muốn làm một cái cây trong sân nhà cũ của con. Con muốn luôn bên đám bạn leo trèo mùa ổi chín và nhìn thấy ông của con ngồi mỉm cười hiền lành…" (Con muốn làm một cái cây). Hoặc câu chuyện hết sức dễ thương và xúc động kể về những suy nghĩ, tình cảm và cuộc giải cứu một em gấu bông cũ rách bị ai đó vứt ngoài đường vào một buổi chiều mưa to gió lớn mà nhân vật bé Su đi học về bắt gặp (Chỉ là một em gấu đi lạc)

Những câu chuyện hết sức gần gũi, giản dị với lời văn gọn, đẹp, giàu cảm xúc ấy sẽ góp phần hướng học sinh đến một cuộc sống biết yêu thương, quan tâm đến những điều gần gũi, biết ước mơ và hành động đúng đắn… Đồng thời, cũng giúp thầy cô giáo, các bậc phụ huynh được sống chậm lại để lắng nghe, để thêm hiểu tâm hồn của trẻ thơ, để đồng cảm, lớn lên cùng con em mình.

Các tác giả biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo đã thể hiện tư duy đổi mới qua việc phát hiện và chọn lọc những tác phẩm của lứa tác giả trẻ như Võ Thu Hương để đưa vào sách giáo khoa, bên cạnh các nhà văn nhà thơ tên tuổi lâu nay.

Đây là một điều đáng ghi nhận. Bởi thế hệ tác giả trẻ cũng có những… lợi thế riêng là họ đang sống cùng lứa tuổi học sinh bây giờ, họ viết ra những tác phẩm trong đó mang hơi thở hiện tại, những suy nghĩ, cuộc sống, mơ ước của chính con cháu mình và nhìn rộng ra là của trẻ em thời nay. Những tác phẩm ấy chắc chắn sẽ đem đến sự tươi mới cho sách giáo khoa và dễ dàng được học sinh tiếp nhận, khám phá một cách hứng thú.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất - Ảnh 12.

Chính cách sống và viết hết lòng cùng với quan niệm nghiêm túc về nghề và tài năng văn chương vốn có đã làm nên một Võ Thu Hương luôn bền bỉ trên con đường sáng tác. Tôi vẫn nghĩ rằng mỗi người có thể làm được nhiều công việc khác nhau, nhưng với trường hợp Võ Thu Hương thì dường như sinh ra là để làm nhà văn và chỉ phù hợp nhất với công việc viết văn. Chính Võ Thu Hương cũng tâm sự như thế, chỉ khi viết văn Hương mới cảm thấy mình tự tin nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất.

Võ Thu Hương quê ở Nghệ An, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM. Thuộc thế hệ 8X, đến nay Võ Thu Hương đã có 15 đầu sách riêng được xuất bản, hơn 2/3 trong số này là các tác phẩm dành cho thiếu nhi.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Mới đây, bộ đôi truyện dài "Nếu một ngày chúng tớ biến mất", "Nhạc sĩ đường phố" của chị lại được vinh danh với giải B, Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Thể thao và Văn hóa đã gặp lại và có cuộc trò chuyện với chị.

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Bức ảnh các bác sĩ đang đứng xung quanh bàn phẫu thuật, thành kính chắp tay cúi đầu, đang được lan truyền khắp nơi trong những ngày qua.

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

"Biến mất" khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh - cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi - xuất hiện trở lại trong những sách "Bài tập thực hành tiếng Việt", lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

"Đường chim bay" là một danh từ đã có trong một số cuốn từ điển tiếng Việt. "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa là "đường thẳng, là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm xa nhau".

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt Dự án “Công viên Thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” và Dự án “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu trên toàn quốc.

Tin mới nhất

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

Đảo quốc sư tử Singapore hiện đang thu hút với địa điểm dành cho các tín đồ của trà sữa và những viên trân châu ngọt ngào, cũng như những ai ưa khám phá. Đó là bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên tại Đông Nam Á