Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Chàng trai Quảng Ngãi đi tìm Cà Mau quê xứ
Bút ký Cà Mau quê xứ của nhà thơ Trần Tuấn vừa được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 2, thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, từ trang 45 đến 50, được nhắc lại trong trang 51. Nó thuộc phần mục Ghi chép và tưởng tượng trong ký (phần 7). Xếp gần Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường và một trích đoạn bút ký Và tôi vẫn muốn mẹ của Svetlana A. Alexievich (Belarus, Nobel văn học năm 2015).
Trần Tuấn cho biết Cà Mau quê xứ ghi lại kỷ niệm chuyến lang thang nhiều ngày ngang dọc miền Tây vào mùa Hè năm 2006 với thi sĩ Từ Dạ Thảo. "Đó cũng là chuyến đi miền Tây lần đầu tiên của tôi. Ở tuổi 39 - khi ấy - là hơi muộn so với một vùng đất kỳ lạ và hấp dẫn như vậy. Bản tính của tôi cho đến tận bây giờ, dù đã hơn 30 năm làm báo, nhưng tôi ưa thích "đi" trong tâm tưởng nhiều hơn, "đi" trong tâm tưởng thật lâu thật sâu về một vùng đất yêu mến nào đó, rồi mới lên đường. Có lẽ vì vậy nên mỗi vùng đất nào tôi đến, tôi thường để lại một bút ký thật sâu nặng, cũng như những bài thơ mà tôi thấy thích" - Trần Tuấn chia sẻ.
Quê xứ là quê xứ nào?
Tuy nhà thơ Trần Tuấn (sinh 1967 tại Hà Nội) có chất giọng Bắc, nhưng quê gốc ở Tịnh Hòa, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, hiện làm việc ở báo Tiền phong tại Đà Nẵng. Trong làng báo Việt Nam, anh là một giọng bút ký có dấu ấn riêng, với cách viết nhẩn nha, nhiều liên tưởng.
Về chuyến đi Cà Mau/miền Tây, Trần Tuấn kể anh và Từ Dạ Thảo đã hò hẹn với nhau khá nhiều lần, nhưng đến mùa Hè năm 2006 mới quyết định nhảy xe đò lên đường từ Đà Nẵng.
Chỉ với ít đồng dắt túi, họ đi theo đúng nghĩa du lịch bụi, ăn cơm bụi, trả giá từng đồng phòng trọ bình dân… Nhưng họ đi một cách say mê, cố gắng không bỏ sót một địa danh nào, kể cả ra Phú Quốc khi ấy còn khá dung dị, hoang sơ.
Trần Tuấn kể: "Tôi đi không mang theo sổ bút, xác định là đi chơi đúng nghĩa, không tác nghiệp. Không ghi chép gì hết. Nhưng rồi khi về, tâm trí và cảm xúc cứ hối thúc tôi phải viết ra một cái gì đó. Để rồi Cà Mau quê xứ với lối viết đầy ngẫu hứng ra đời".
"Hai chữ quê xứ, như tôi đã nói trong bài, đó là bị ám ảnh bởi cái tựa sách Quê xứ con người do nhà văn Nguyễn Thành Long dịch từ tác phẩm của Saint-Exupéry. Chữ xứ với mẫn cảm của một kẻ làm thơ như tôi, nó thật lạ trong tiếng Việt. Bởi cảm giác dù là từ thường dùng để chỉ một vùng đất, nhưng không phải nơi nào cũng phù hợp để dùng. Sẽ có cảm giác xa lạ nếu viết ra rằng xứ Hà Giang, xứ Tây Bắc, xứ Bắc bộ… Mà chỉcó thể ở vùng Nam bộ, cho ta cảm giác về sự dài rộng bằng phẳng, trũng thấp. Đó là cảm giác riêng tôi, không nên tranh cãi điều này".
Anh nói thêm: "Có lẽ do vậy, nên khi lần đầu xuống miền Tây, tôi nghe mọi người dùng rất nhiều từ này, thấy thật dễ thương. Vừa có cảm giác xa ngái, lại vừa thật gần gụi, thương mến. Để rồi hai chữ quê xứ lập tức trở thành cái tứ cho bài viết của tôi, với chủ thể là Cà Mau - cái xứ xa nhất về phương Nam".
Học sinh gần như đọc nguyên vẹn bút ký này, vì nguyên tác dài 2.254 chữ, đưa vào SGK chỉ bị cắt bớt 181 chữ, đó là một đoạn tả cảnh. Nhưng bù lại, là rất nhiều câu hỏi và gợi ý, để học sinh có thể suy ngẫm, tự trả lời.
Đi với Thảo mà lấy tên là Vũ
Từ Dạ Thảo là bạn thân, là đồng môn của Trần Tuấn suốt mấy chục năm qua tại Đà Nẵng. Anh tên trong khai sinh là Phạm Xuân Hùng, quê Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, là đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8). Anh cũng là nhà thơ, tay viết truyện ngắn có tiếng.
Có một điều lạ, dù đi viết Cà Mau quê xứ với Từ Dạ Thảo, nhưng khi in trong tập bút ký, lại lấy tên là Uống cà phê trên đường của Vũ (2017). Vậy Vũ là ai? Trần Tuấn trả lời: "Vũ chính là Lưu Quang Vũ, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng mà tôi đặc biệt yêu thích, nhất là về thơ".
Tập Uống cà phê trên đường của Vũ là gồm 31 bút ký, thuộc dạng "ký sự đường xa", viết về nhiều vùng đất kỳ thú. Đà Nẵng là nơi đầu tiên đặt tên đường Lưu Quang Vũ, từ năm 2002. Một con đường dài hun hút, tới 4-5 cây số, nằmcách trung tâm thành phố khoảng 15 cây số, ở ngay chính Hòa Quý- quê gốc của Lưu Quang Vũ -giáp địa phận xã Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Đầu thế kỷ 21,con đường này nổi tiếng vắng vẻ, không có số nhà, chỉ duy nhất có…một quán cà phê cóc, kiêm luôn bơm vá xe.
"Hai mươi năm trước tôi đã tới uống cà phê nơi quán cóc ấy, để ngẫm ngợi về Vũ, về thi ca, đời sống của ông, về những quê xứ con người hiện hữu và tâm tưởng" - Trần Tuấn kể.
Và khẳng định: "Có thể nói Lưu Quang Vũ là một trong những người gợi hứng cho tôi nhiều nhất về thơ và những suy tư đời sống. Các bút ký của tôi cũng đều xuất phát từ những suy tư ấy, về thân phận, về nước Việt, về lý tưởng người cầm bút, về quê xứ con người".
"Có thể nói Lưu Quang Vũ là một trong những người gợi hứng cho tôi nhiều nhất về thơ và những suy tư đời sống. Các bút ký của tôi cũng đều xuất phát từ những suy tư ấy, về thân phận, về nước Việt, về lý tưởng người cầm bút, về quê xứ con người" - Trần Tuấn.
"Láng giềng" với các tên tuổi lớn
Về mục lục sách Ngữ văn 11, tập 2, Quê xứ Cà Mau của Trần Tuấn xếp sau thi hào Nguyễn Du và là "hàng xóm" với những tên tuổi lớn như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Sơn Nam, Albert Einstein, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Svetlana A. Alexievich … Kết thúc là bài thực hành đọc Cây diêm cuối cùng của Cao Huy Thuần.
Hỏi có bị áp lực không? Trần Tuấn thẳng thắn: "Đương nhiên rồi. Đây là một vinh hạnh ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bản thân tôi không thể nào đem so sánh với những vị danh gia, khả kính ấy. Tuy nhiên, đây là công việc chuyên môn của ban biên soạn sách,tôi chỉ đơn thuần là người góp phần cung cấp ngữ liệu báo chí, đời sống hiện thực cho các em học sinh mà thôi".
Trần Tuấn kể: "Khoảng tháng 6/2022, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một số lạ. Ông tự giới thiệu mình là một thành viên trong ban biên soạn SGK, đã đọc bút ký Cà Mau quê xứ, nay hỏi xin ý kiến tác giả về việc sẽ đưa vào SGK. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Sau vài phút trò chuyện, tôi mới nhận thức được hết vinh hạnh này. Còn sách được biên soạn với mục lục thế nào, hội đồng quốc gia thẩm định ra sao, tôi hoàn toàn không có ý tò mò, vì đó là công việc nằm ngoài chuyên môn, quyết định của tôi".
"Tôivẫn biết rằng ngữ liệu văn chương, báo chí về miền Tây Nam bộ thì không thiếu, nên việc bài ký của mình được chọn vì phù hợp, quả là người may mắn".
Trên trang cá nhân, Trần Tuấn viết: "Giờ thì ước được trở lại học lớp... 11, để giơ tay phát biểu khi học đến bài này". Hỏi anh có tự tin sẽ trả bài được trên 8 điểm? Trần Tuấn nói: "Chẳng may điều ước (không tưởng) ấy mà thành…sự thật thì quá thú vị, nhưng có lẽ cũng sẽ có không ít oái oăm. Bởi chưa chắc bài thi hoặc kiểm tra của tôi về chính tác phẩm ký…của mình sẽ đạt được điểm khá! Cũng như nhiều lúc các nhà văn, nhà thơ sẽ không thể nào viết hay về chính tác phẩm của mình, vài trường hợp còn bị thầy cô phê không hiểu ý tác giả. Cái sự viết hay hơn ý tác giả ấy cũng không có gì lạ, bởi người khác luôn có những biên độ tiếp nhận rộng hơn, phong phú, phóng khoáng, tự do hơn. Bởi họ không bị rằng buộc cứng nhắc vào sự hiểu, sự biết như chính tác giả đã hiểu, đã biết".
Chúc các thí sinh may mắn
Từ thực tế đọc hiểu đa dạng như trên, nên nhà thơ Trần Tuấn nói rằng chỉ biết chúc các học sinh may mắn, bởi lỡ mai mốt thi tốt nghiệp cấp 3 mà "đụng phải" ngữ liệu này, thì đừng nhắn tin hỏi tác giả.
Cuối bài học, có 7 câu hỏi và một câu yêu cầu viết đoạn văn 150 chữ dành cho học sinh. Trần Tuấn nói rằng anh thấy các câu hỏi được xây dựng một cách chặt chẽ, toàn diện và khá tinh tế, giúp học sinh phát huy năng lực cảm thụ tác phẩm. Đơn cử như câu hỏi: "Theo bạn, trong hai phương diện sau, phương diện nào thực sự nổi trội ở bài ký này? Vì sao bạn xác định như vậy? a/. Những thông tin xác thực, hình ảnh khách quan của thiên nhiên và con người ở Mũi Cà Mau. b/. Tình cảm, cảm xúc chủ quan của "tôi" (người viết) khi tiếp xúc với thiên nhiên và con người ở Mũi Cà Mau".
"Đây là câu hỏi không chỉ về nhận biết văn bản đơn thuần, mà còn đòi hỏi kỹ năng/khả năng tiếp nhận văn bản của học sinh - một kỹ năng rất quan trọng trong học văn và sáng tạo văn chương. Đây cũng chính là câu hỏi mà tôi tâm đắc nhất. Câu này mà để trả lời lấy điểm cao, với tôi - tất nhiên với tư duy của một học sinh lớp 11 - thì thật…không hề đơn giản" - Trần Tuấn nói.
Trần Tuấn là tác giả của Ma thuật ngón (thơ, 2008), Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà (ký sự nhân vật, 2009), Chậm hơn sự dừng lại (thơ, 2017), Uống cà phê trên đường của Vũ (ký, 2017), Vượt qua tiểu thuyết (ký, 2022). Đang in: Sống là gì lâu quá đã quên (thơ), Người chơi mặt (tùy bút)…