Gáo nước lạnh
(Thethaovanhoa.vn) - Chả gọi là bị dội gáo nước lạnh thì là gì khi một cô hoa hậu xinh đẹp và nổi tiếng có trình độ học vấn thuộc hàng đầu trong các hoa hậu lại bị nghi ngờ “chưa học hết lớp 12”; còn cô ca sĩ gợi cảm trong một cuộc thi ca hát trên truyền hình lại bị chê biểu diễn hời hợt “khi cố hát một bài tình cảm nhưng người nghe lại không cảm thấy gì”?
Bà chủ nhà tỏ ra hỉ hả khi các người đẹp bị chê tơi tả. Nhất là khi cô hoa hậu ngượng ngùng giải thích lý do vì sao cô không biết lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại có hai màu xanh đỏ. Dù có cố vớt vát nói rằng cô học bên Singapore, về nước có cơ hội được làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia rồi điều hành công ty với hơn 200 nhân viên thì người ta vẫn nghĩ cô dốt vì thiếu kiến thức lịch sử của dân tộc.
Sở dĩ bà chủ hay “dị ứng” với các người đẹp cũng có lý do của nó, không chỉ bởi phụ nữ vốn ít khi khen phụ nữ khác đẹp, mà bởi lâu nay, các người đẹp (và kể cả không hề đẹp) vẫn thường “ngự trị” trên các mục văn hóa chỉ bởi các cô nàng ấy lái xe tiền tỷ đi cà phê cuối tuần, khoe nhẫn đính hôn nạm kim cương… hay thậm chí chỉ xuất hiện trong một cuộc gặp gỡ gia đình…
Mấy chuyện vặt showbiz mà em cứ làm như cháy nhà, chết người không bằng - ông chủ lên tiếng. Đấy, chuyện phá hay giữ cầu Long Biên ồn ào trên báo chí mấy ngày nay như dội gáo nước lạnh vào những nhà bảo tồn và cả những người yêu mến, quan tâm đến Hà Nội. Người ta dự định chi tới gần 8.000 tỷ đồng xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn. Phương án 9.400 tỷ đồng xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn…
Trong khi đó, một chuyên gia Pháp thì đề nghị xây hẳn một cây cầu mới cạnh cầu cũ để bảo tồn giống như cái cách người Pháp bảo tồn cầu thép Gustave Eiffel ở Bordeaux. Bởi, như ông đánh giá thì cầu Long Biên không chỉ là cây cầu vắt qua sông Hồng mà còn là cây cầu vắt qua lịch sử cận đại của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng… Rõ là gáo nước lạnh mà một người nước ngoài dội thẳng vào sự thực dụng của những nhà quy hoạch giao thông đô thị.
Chưa hết, chuyện thầy bị sa thải còn trò thì bị cảnh cáo sau vụ thầy - trò tát nhau trên giảng đường. Còn đâu đạo lý thầy trò của người Việt, còn đâu cái gọi là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt?
Mà vẫn còn những gáo nước lạnh dội buốt tận tim của những người còn có lương tri khi con cái ruồng rẫy mẹ già trong giá rét, đến nỗi người mẹ già ấy phải nương tựa vào anh chị đều đã ngoài 80 tuổi… Còn đâu đạo hiếu nữa chứ?...
Bài diễn thuyết về chuyện đời, chuyện người kết thúc trong tiếng thở dài của ông chủ. Ở cái nhà này, ít khi ông (được) nói nhiều như thế, còn bà chủ thì im lặng. Tôi cũng im lặng, vì nếu bị dội nước lạnh như thế, coi như tiêu rồi…
Remote
Thể thao & Văn hóa